Phát triển mạnh thị trường bán lẻ

.

Lượng khách du lịch đến tham quan, mua sắm ngày càng đông, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội của thành phố đã thúc đẩy thị trường bán lẻ tại Đà Nẵng phát triển mạnh, thu hút được sự quan tâm của những nhà bán lẻ lớn trong và ngoài nước như VinGroup với chuỗi các cửa hàng VinMart+, Tập đoàn Lotte (Hàn Quốc) với hệ thống siêu thị Lotte Mart, hay các siêu thị Big C, Parkson…

Các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi mọc lên ngày càng nhiều đã mang lại sự thuận tiện cho người dân trong việc mua sắm hàng hóa.
Các siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi mọc lên ngày càng nhiều đã mang lại sự thuận tiện cho người dân trong việc mua sắm hàng hóa.

Theo đánh giá từ Sở Công thương thành phố, với khoảng 1,2 triệu dân cùng lượng khách du lịch luôn có sự tăng trưởng ấn tượng (khoảng 10%/năm), Đà Nẵng được nhìn nhận là thị trường có sức tiêu thụ tốt và khá ổn định.

Bên cạnh đó, các chương trình xúc tiến thương mại, các hội chợ kết nối cung cầu cũng là yếu tố quan trọng góp phần quảng bá và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại thành phố. Tính đến thời điểm này, toàn thành phố có 70 chợ lớn nhỏ, trong đó có 4 chợ đạt chuẩn chợ văn minh thương mại, gồm: chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Đống Đa và chợ Đầu mối Hòa Cường.

Có 8 trung tâm thương mại: Vĩnh Trung Plaza, Parkson, Co.op Mart, Vincom, Lotte Mart, Big C, Đà Nẵng Square, Nguyễn Kim cùng hệ thống 71 siêu thị lớn, nhỏ nằm rải rác khắp địa bàn thành phố.

Trong đó, nổi bật nhất là cuộc “đổ bộ” của Tập đoàn VinGroup với việc xây dựng Trung tâm thương mại Vincom (quận Sơn Trà) cùng hệ thống 90 cửa hàng tiện lợi VinMart+.

Đại diện truyền thông của Tập đoàn VinGroup cho biết, Đà Nẵng là một trong những địa phương được đơn vị lựa chọn để mở rộng hệ thống các cửa hàng tiện lợi do đây là thị trường tiềm năng với ngành du lịch, dịch vụ phát triển mạnh, cơ sở hạ tầng vật chất được đầu tư bài bản. VinMart+ chính thức khai trương 3 cửa hàng đầu tiên tại Đà Nẵng vào tháng 6-2015 và liên tục mở rộng đạt số lượng gần 90 cửa hàng đến thời điểm hiện tại.

Trong mục tiêu đạt 4.000 cửa hàng, song song với 200 siêu thị VinMart vào năm 2020 trên cả nước thì tại Đà Nẵng, Vingroup dự kiến sẽ mở tổng cộng 150 cửa hàng VinMart+. VinMart+ là chuỗi cửa hàng tiện lợi có quy mô dưới 500m2, phục vụ người tiêu dùng từ 6 giờ sáng đến 22 giờ hằng ngày.

Luôn đề cao phương châm sức khỏe của người tiêu dùng là hàng đầu, cùng với các siêu thị VinMart, VinMart+ là chuỗi bán lẻ duy nhất triển khai hệ thống 35 phòng Lab kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm riêng đạt tiêu chuẩn quốc tế để kiểm tra chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm thường xuyên.

Trong năm 2016, Tập đoàn Vingroup đã tổ chức ký kết với 250 doanh nghiệp trên toàn quốc trong chương trình “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nội địa”. Theo đó, chuỗi cửa hàng tiện lợi VinMart+ và hệ thống siêu thị VinMart sẽ triển khai chính sách hỗ trợ sản xuất, bày bán sản phẩm cho các doanh nghiệp nội địa thuộc 7 ngành hàng tiêu dùng cơ bản là thực phẩm, hóa mỹ phẩm, văn phòng phẩm, đồ chơi, hàng gia dụng, hàng thực phẩm tươi sống, thời trang, bông vải sợi.

Theo ông Đoàn Ngọc Minh, Trưởng phòng Quản lý thương mại thuộc Sở Công thương thành phố, hệ thống bán lẻ trên địa bàn thành phố phát triển nhanh chóng trong vòng 5 năm trở lại đây, chủ yếu tập trung ở các ngành hàng nhu yếu phẩm, mỹ phẩm, thời trang… với nguồn hàng phong phú, đa chủng loại và mẫu mã; từ hàng ngoại nhập đến hàng nội địa.

Bên cạnh đó, hệ thống các siêu thị chuyên doanh cũng mọc lên ngày càng nhiều, như các siêu thị nội thất (Minh Hải đường Hoàng Diệu, Phố Xinh và Phố Vip ở đường Nguyễn Hữu Thọ);  siêu thị đặc sản (Miền Trung Bana, đặc sản Miền Trung đường Nguyễn Tất Thành, Đại Lộc Phát đường Hoàng Hoa Thám, Quà Miền Trung đường Lê Duẩn và Hồ Nghinh…); siêu thị đồ hộp (Vissan đường Nguyễn Hữu Thọ)…

Ông Nguyễn Hà Bắc, Phó Giám đốc Sở Công thương thành phố nhận định, thị trường bán lẻ sẽ tiếp tục phát triển mạnh tại Đà Nẵng trong vài năm tiếp theo với sự có mặt của thêm nhiều tập đoàn, thương hiệu lớn. Việc xuất hiện các cửa hàng tiện lợi, siêu thị như vậy đã góp phần mang lại bộ mặt khởi sắc cho thương mại, dịch vụ trên địa bàn thành phố cũng như đem lại sự tiện lợi cho người dân.

Nếu như trước đây, để mua sản phẩm, người dân phải ra chợ hoặc đến các siêu thị lớn như Big C, Lotte Mart, Co.op Mart … mới mua được thì nay, việc mua sắm dễ dàng hơn nhiều khi các cửa hàng tiện lợi hay siêu thị mini mọc lên nhiều ở các khu dân cư, tuyến đường lớn. Hàng hóa bán tại các điểm này có ưu thế về nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, giá bán được niêm yết cụ thể, so với giá ở chợ không chênh lệch nhiều, có những suất ăn bán sẵn hoặc chế biến sẵn; chất lượng phục vụ văn minh, tiện lợi với môi trường sạch sẽ và chấp nhận mọi hình thức thanh toán tiền mặt cũng như thẻ.

“Việc xuất hiện ngày càng nhiều các tập đoàn lớn trong cả nước ở thị trường bán lẻ, không chỉ nâng cao văn minh thương mại, thói quen tiêu dùng của người dân mà còn góp phần bình ổn thị trường, hạn chế tình trạng ghim hàng, nâng giá gây sốc và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Sự xuất hiện của các cửa hàng tiện lợi, siêu thị mini cũng tạo sức ép cạnh tranh lên các chợ truyền thống, đồng thời tạo áp lực cần thiết để các chợ nâng cao văn minh thương mại, an toàn thực phẩm, đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, đồng thời hạn chế tình trạng nâng giá”, ông Nguyễn Hà Bắc cho hay.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.
.
.