Kinh tế
Cần hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ nông sản sạch, an toàn
Để bảo đảm nguồn cung ứng nông sản sạch, an toàn cho người dân hiện nay, các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ nông sản trên địa bàn đề nghị thành phố có các chính sách hỗ trợ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm…
Giá thành nông sản sạch, an toàn hiện vẫn còn cao, vì thế, các doanh nghiệp phân phối, tiêu thụ đề nghị hỗ trợ chi phí kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng sản phẩm. |
Bà Phan Như Yến, Giám đốc Siêu thị DANAVI Mart Đà Nẵng: Cần đầu tư kho lạnh, điểm trung chuyển nông sản
Hiện nay, những đơn vị cung cấp nông sản như chúng tôi thấy rất khó khăn trong khâu chọn lựa thực phẩm sạch, an toàn để đưa đến tay người tiêu dùng. Vì thế, thành phố cần kiểm tra, kiểm soát sản xuất, chất lượng sản phẩm rồi tổ chức các sự kiện kết nối tiêu thụ giữa chúng tôi với những người nông dân sản xuất hoặc giới thiệu các cơ sở sản xuất sạch đến doanh nghiệp cung ứng bán lẻ.
Có sự bảo đảm, giới thiệu của các cơ quan chức năng và các cấp chính quyền, doanh nghiệp yên tâm để thương thảo, giao kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với những nhà sản xuất vì đã được giám sát quá trình sản xuất. Bên cạnh đó, nông sản sản xuất tại Đà Nẵng không đủ tiêu thụ nên phải nhập từ nơi khác về.
Tuy nhiên, khâu vận chuyển và giao hàng từ các tỉnh về Đà Nẵng rất khó khăn vì nông sản sạch thường không có chất bảo quản dễ hư hỏng. Do đó, các cơ quan chức năng cần làm việc với các tỉnh, thành phố cung cấp nông sản có sự kết nối vận chuyển; đồng thời, xây dựng tại Đà Nẵng một kho lạnh để làm điểm trung chuyển nông sản từ các địa phương khác về Đà Nẵng. Từ đây, nông sản được bảo quản an toàn trước khi vận chuyển về các điểm tiêu thụ.
Bà Ngô Thị Hạnh, Phó Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất và tiêu thụ nông sản Hòa Vang: Tập hợp các nhà sản xuất nhỏ, lẻ thành đầu mối
Thực tế, sự phối hợp giữa các đơn vị tiêu thụ với các đơn vị sản xuất lớn thì không gặp trở ngại nào lớn, nhưng đối với các hợp tác xã, hộ nông dân sản xuất nhỏ, lẻ thì lại gặp khó khăn. Đó là xe thu mua nông sản của doanh nghiệp chúng tôi phải đi rất nhiều điểm để thu gom từng thùng hàng rất tốn thời gian, nhiên liệu, không chỉ gia tăng giá thành sản phẩm mà còn làm giảm độ tươi ngon của nông sản.
Vì thế, thành phố cần quan tâm hỗ trợ cho những nhà sản xuất, nhỏ lẻ và tập hợp họ lại thành một trung tâm hoặc một đơn vị cung cấp có năng lực lớn để các đơn vị tiêu thụ dễ dàng đến thu mua nông sản và rút ngắn đáng kể thời gian đưa nông sản đến tay người tiêu dùng. Làm được điều này cũng giúp các những nhà sản xuất bán được hàng và kích thích sản xuất. Ngoài ra, cần hướng dẫn các nhà sản xuất phân khúc sản phẩm của mình để vừa dễ bán cho các nhà hàng, khách sạn, siêu thị, bếp ăn tập thể…, vừa tập trung sản xuất nông sản đã phân khúc, hợp lý hóa việc sản xuất; đồng thời tăng cường truyền thông các loại nông sản sạch, an toàn để người tiêu dùng biết và tìm mua nông sản sạch, an toàn.
Ông Đào Ngọc Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Nhật Tân Đông: Tuyên truyền bảo quản, tiêu thụ cá sạch
Chúng tôi kinh doanh cá sạch thu mua từ các tàu cá đã được xác nhận bảo đảm an toàn thực phẩm và theo danh sách tàu cá được các cơ quan chức năng xác nhận. Do nhu cầu tiêu thụ của người tiêu dùng lớn nên vấn đề cung cấp cá sạch rất khó khăn. Mỗi tàu cá ra khơi kéo dài cả tháng, thời tiết trên biển có sóng mạnh là không thể ra khơi, cho nên tôi phải huy động lấy hàng từ rất nhiều tàu cá của Đà Nẵng và Quảng Nam.
Dù vậy, khi biển động dài ngày thì không có hàng để lấy về bán, ngược lại cũng không thể lấy hàng từ các nơi chở về hoặc lấy hàng ngoài chợ được. Tôi nghĩ, thành phố cần có những biện pháp xử lý các trường hợp buôn bán cá trôi nổi, không bảo đảm chất lượng; phối hợp với các tỉnh buộc ngư dân phải đánh bắt, bảo quản cá an toàn thực phẩm và tuyên truyền để người tiêu dùng lựa chọn, tiêu thụ cá sạch, chất lượng và an toàn cho sức khỏe.
Bà Lê Nguyễn Thị Như Nguyện, Giám đốc Công ty TNHH MTV Nông Bảo Ngọc (NongPro): Hỗ trợ chi phí kiểm nghiệm, chứng nhận chất lượng nông sản
Nông sản sạch, chất lượng và an toàn có đặc thù là giá thành cao, vì thế không nhiều người tiêu dùng mua về ăn. Đáng nói, giá thành nông sản cao còn do được cấu thành từ chi phí kiểm nghiệm mẫu nông sản, cấp chứng nhận chất lượng sản phẩm… quá cao. Chẳng hạn, chi phí kiểm nghiệm và chứng nhận một mẫu sản phẩm tốn 2 triệu đồng, một đơn vị sản xuất có hàng chục mẫu thực phẩm cần kiểm nghiệm và chứng nhận chất lượng nên phải tốn một khoản tiền rất lớn. Những hợp tác xã nông nghiệp, hộ nông dân sản xuất nhỏ muốn sản phẩm được đem ra bán phải chịu chi phí ban đầu như đã đề cập ở trên là quá lớn. Chi phí này buộc phải cấu thành vào giá sản phẩm nên có giá cao, đến các khách sạn, nhà hàng cũng không mua nổi mà phải mua từ chợ đầu mối với giá rẻ hơn nhiều.
Trong khi đó, ở các nước tiên tiến và ở khu vực Đông Nam Á, nông sản có chất lượng sản phẩm rất cao nhưng giá thành rất rẻ. Chẳng hạn, đường hữu cơ của Thái Lan chỉ có giá 17.000 đồng/kg, nhưng đường hữu cơ Việt Nam được bán đến 130.000 đồng/kg. Thực tế, nhiều người tiêu dùng rất muốn muốn mua hàng sạch, an toàn, nhưng mức thu nhập không đủ để mua ăn. Nhiều khách hàng chỉ mua một chút ít nông sản sạch để về cho con ăn thôi, mà không dám mua nhiều vì còn để dành tiền để lo trang trải cho cuộc sống.
Vì sức khỏe của toàn dân, thành phố cần hỗ trợ các đơn vị và hộ nông dân sản xuất chi phí về kiểm nghiệm mẫu nông sản, cấp giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm trong giai đoạn đầu để sản phẩm ra được thị trường tiêu thụ có giá thành thấp và để người tiêu dùng vào các siêu thị, cửa hàng nông sản sạch mua về cho cả gia đình ăn.
HOÀNG HIỆP thực hiện