Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ vừa ký ban hành quy định về quản lý thoát nước và xử lý nước thải (XLNT) trên địa bàn thành phố; trong đó quy định cụ thể các công việc liên quan đến đấu nối hệ thống thoát nước.
Cụ thể, đơn vị thoát nước có trách nhiệm thỏa thuận đấu nối thoát nước cho các hộ thoát nước (vị trí đấu nối, lưu lượng đấu nối, chất lượng nước thải đấu nối…) và giám sát việc thực hiện đấu nối thoát nước theo nhiệm vụ được giao và hợp đồng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước.
Hộ thoát nước (hộ dân, hộ kinh doanh…) có trách nhiệm thực hiện việc đấu nối thoát nước theo đúng nội dung đã thỏa thuận với đơn vị thoát nước và tự đảm nhận kinh phí thực hiện đấu nối thoát nước.
Sau khi được thỏa thuận đấu nối, hộ thoát nước có trách nhiệm liên hệ với đơn vị quản lý giao thông để lập thủ tục về thi công trên đường bộ đang khai thác theo quy định.
Trong quá trình triển khai thi công đấu nối, hộ thoát nước có trách nhiệm hoàn trả mặt bằng, bảo đảm việc thoát nước, an toàn cho các công trình hạ tầng kỹ thuật lân cận, an toàn giao thông và mỹ quan đô thị tại vị trí đấu nối.
Quy định này cũng có điểm mới về phân cấp quản lý Nhà nước đối với hệ thống thoát nước. Theo đó, Sở Xây dựng thực hiện quản lý hệ thống thoát nước trên các tuyến đường có bề rộng mặt đường từ 10,5m trở lên, kênh hở, hồ điều tiết; các trạm xử lý nước thải tập trung; mương cống thoát nước có cấp 2 trở lên.
UBND các quận, huyện thực hiện quản lý hệ thống thoát nước theo địa bàn hành chính trên các tuyến đường có bề rộng mặt đường dưới 10,5m; mương cống thoát nước trong kiệt hẻm, mương thoát nước thải sau nhà; mương đất hiện trạng (ngoại trừ mương cống thoát nước cấp 2 trở lên).
NAM TRÂN