Phát triển bền vững loại hình lưu trú

.

Thời gian qua, việc phát triển quá nhanh của các loại hình cơ sở lưu trú (CSLT) trên địa bàn thành phố đã đặt ra yêu cầu cần phải chuẩn hóa các dịch vụ để hướng tới phát triển bền vững.

Cần sớm có giải pháp quản lý cơ sở lưu trú phù hợp hướng tới phát triển du lịch bền vững.
Cần sớm có giải pháp quản lý cơ sở lưu trú phù hợp hướng tới phát triển du lịch bền vững.

Theo đánh giá của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng, lượng CSLT phát triển nhanh, phong phú về quy mô và xuất hiện nhiều loại hình lưu trú mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng khách đến với Đà Nẵng.

Nhưng sự phát triển quá nhanh về số lượng cũng bộc lộ những hạn chế, ảnh hưởng tiêu cực đến hiệu quả kinh doanh, nảy sinh cạnh tranh không lành mạnh như hạ giá phòng, chia sẻ lượng khách…

Điều dễ nhận thấy nhất là sự tăng trưởng quá nhanh của phân khúc khách sạn 1-3 sao dẫn đến cung đã vượt cầu vào mùa thấp điểm khách du lịch; công suất buồng phòng của các CSLT hạng 4-5 sao cao hơn hẳn so với các cơ sở lưu trú có quy mô hạng sao thấp hơn cả mùa cao điểm lẫn thấp điểm…

Nguyên nhân được chỉ ra là do phần lớn các khách sạn này được xây dựng một cách vội vàng, tự phát, thiếu định hướng thị trường, thiếu kinh nghiệm trong việc quản lý và kinh doanh khách sạn… nên công suất phòng rất thấp, hoạt động kinh doanh chưa hiệu quả.

Bên cạnh đó, sự phân bố các CSLT đang gặp phải sự mất cân đối, một số tuyến đường ven biển tập trung quá đông các khách sạn, ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống giao thông, diện tích đậu đỗ xe, hệ thống cấp nước, hệ thống thoát nước và xử lý nước thải…

Ông Nguyễn Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khách sạn Đà Nẵng cho rằng thực trạng phát triển quá nhanh của các loại hình lưu trú trên địa bàn thành phố đã đặt ra yêu cầu cần phải chuẩn hóa các dịch vụ để hướng tới phát triển bền vững.

Theo ông Quỳnh, các chủ đầu tư cũng như các nhà quản lý khách sạn 1-3 sao cũng nên sử dụng những phần mềm quản lý khách sạn mới nhất, ứng dụng các xu hướng mới nhất vào công tác quản lý và phát triển thị trường khách, giúp đổi mới và tạo sự khác biệt trong quản lý, tăng chất lượng dịch vụ chăm sóc khách hàng, đáp ứng nhu cầu của cả khách sạn và khách hàng bằng những giải pháp hợp lý.

“Trước thực trạng của sự phát triển CSLT đang mất cân đối như hiện nay, ngành du lịch đang xây dựng đề án định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 với mong muốn phân tích về phân bố, quy mô hiệu quả hoạt động kinh doanh của hệ thống CSLT trên địa bàn thành phố, định hướng phát triển hệ thống CSLT trong những giai đoạn tiếp theo bao gồm các loại hình lưu trú khuyến khích hoặc khuyến nghị hạn chế xây dựng phù hợp với từng địa bàn quận, huyện; từ đó, cung cấp thông tin tư vấn, khuyến nghị về đầu tư xây dựng CSLT du lịch trên địa bàn thành phố”, bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch nói.

Bà Hạnh cho biết thêm, mục tiêu đến năm 2020 Đà Nẵng sẽ đón khoảng từ 9 đến 9,3 triệu lượt khách; số lượng buồng phòng giai đoạn này dự kiến 40.610 phòng trong đó khối 4-5 sao là 14.538 phòng; khối 1-3 sao trở xuống là 21.117 phòng…

Tuy nhiên, để bảo đảm định hướng phát triển hệ thống CSLT phù hợp với quy hoạch đô thị thành phố, cần quy hoạch phân bổ cụ thể đất cho xây dựng cơ sở dịch vụ du lịch, trong đó bao gồm cả CSLT phù hợp với định hướng phát triển CSLT trên từng địa bàn quận, huyện; hoàn thiện cập nhật dữ liệu về hệ thống CSLT và các chỉ tiêu liên quan như số lượt khách đến Đà Nẵng, số lượng khách lưu trú, thời gian lưu trú, công xuất buồng phòng, mức chi tiêu… bảo đảm độ tin cậy, chính xác, đồng thời thực hiện công tác dự báo sự phát triển hệ thống CSLT cho từng giai đoạn 5 năm để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với xu hướng phát triển du lịch và nhu cầu thị trường.

Bên cạnh đó, đề án cũng chỉ ra rằng cần có các giải pháp hỗ trợ nâng cao chất lượng dịch vụ hệ thống lưu trú du lịch; giải pháp kéo dài thời gian lưu trú trung bình của du khách; giải pháp về nguồn nhân lực; giải pháp nâng cao công suất buồng phòng…

Sở Du lịch thành phố cho biết, hiện Đà Nẵng đang có 785 cơ sở lưu trú (CSLT) với 35.615 phòng; trong đó có 79 khách sạn từ 4-5 sao với 15.402 phòng, chiếm 43% trong tổng số phòng lưu trú trên địa bàn thành phố, vượt lên đứng thứ 2 cả nước sau thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra còn có 102 khách sạn tiêu chuẩn 3 sao và tương đương với 6.682 phòng; gần 5.390 khách sạn 1-2 sao và tương đương với 11.748 phòng; số căn hộ, biệt thự cao cấp đạt chuẩn với 1.285 phòng; 46 cơ sở nhà nghỉ du lịch, homestay với 498 phòng.

Bài và ảnh: HÀ KHUÊ

;
;
.
.
.
.
.