Kinh tế

Định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch

08:22, 13/12/2018 (GMT+7)

* Nâng cao chất lượng du lịch đường thủy nội địa

Chiều 12-12, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng nghe Sở Du lịch báo cáo đề án định hướng phát triển hệ thống cơ sở lưu trú du lịch (CSLTD) trên địa bàn thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến 2030.

Mục tiêu của đề án là đánh giá thực trạng mật độ phân bố CSLTDL theo từng khu vực và tuyến đường thuộc quận, huyện trên địa bàn thành phố trong mối tương quan các hạ tầng giao thông, cấp thoát nước và các hạ tầng kỹ thuật khác; đồng thời khảo sát, đánh giá hiệu quả kinh doanh và thực trạng các loại hình CSLTDL hiện nay (theo Luật Du lịch), cân đối cung - cầu thị trường của từng loại hình.

Đề án nhận định những mặt được và bất cập trong phát triển hệ thống CSLTDL hiện nay, những đề xuất và dự báo nhu cầu của thị trường hướng đến mục tiêu phát triển du lịch bền vững; đồng thời, hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động kinh doanh hiệu quả; từ đó nghiên cứu đề xuất các giải pháp, đề xuất “hàng rào kỹ thuật” trong khuôn khổ pháp luật nhằm điều tiết đầu tư các loại hình CSLTDL trên địa bàn thành phố gắn với các quy hoạch thành phố Đà Nẵng và quy hoạch chung thành phố đang nghiên cứu điều chỉnh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Theo đó, mục tiêu cụ thể năm 2020, tổng số nhu cầu phòng CSLTDL dự kiến là 40.610 phòng. Trong đó, khối 4-5 sao là 14.538 phòng, chiếm 35,8% tổng số phòng; khối 1-3 sao trở xuống là 21.117 phòng, chiếm 52% tổng số phòng (khối 1-2 sao chiếm 32,2% tổng số phòng).

Năm 2025, tổng số nhu cầu phòng CSLTDL dự kiến là 74.435 phòng. Năm 2030, tổng số nhu cầu phòng CSLTDL dự kiến là 109.051 phòng. Định hướng phát triển CSLTDL theo từng khu vực nhất định như khu vực trọng điểm (các quận Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Hải Châu), khu vực ven sông ven biển, khu vực trung tâm, khu vực các tuyến đường khác…

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, với đề án này cần có đánh giá chung về tốc độ phát triển của các cơ sở lưu trú hiện nay; xác định có hay không tình trạng mất cân đối giữa các loại hình lưu trú, sự khác nhau về tỷ lệ phòng và tốc độ tăng trưởng khách.

Bên cạnh đó, cần phải có điều tra về cơ sở hạ tầng, năng lực đáp ứng về khách sạn…; cần phải làm việc với các đơn vị liên quan để xác định số liệu chính xác, xác định khu vực tiềm năng có thể phát triển khách sạn để có được phân vùng khu vực, cân đối với hạ tầng cho phù hợp.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cũng yêu cầu đơn vị thực hiện phải điều tra được số liệu cụ thể rồi mới đưa vào các định hướng phát triển; cần xác định được ngưỡng phát triển du lịch của Đà Nẵng; định hướng chất lượng khách, xác định loại hình khách, dòng khách ưu tiên… để đưa ra các loại hình lưu trú cho phù hợp…

Chiều 12-12, tại buổi làm việc với các đơn vị liên quan về tình hình phát triển du lịch đường thủy nội địa trên địa bàn thành phố năm 2018, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, các tàu đang hoạt động trên sông đã có nhiều đổi mới, chất lượng tàu được nâng lên; tuy nhiên một số điểm đến còn làm chậm, chưa có sản phẩm du lịch đặc sắc để phục vụ cho đường thủy nội địa, do đó cần có những điều chỉnh cho phù hợp với thực tế.

Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Việt Dũng đề nghị ngành du lịch sớm xây dựng kế hoạch phát triển sản phẩm du lịch đường thủy nội địa; khẩn trương mở thêm các tour, tuyến mới; xây dựng thêm các sản phẩm du lịch trên tàu và sản phẩm cho các hoạt động của du khách trên tàu, trên sông để khách thấy được sự hấp dẫn; phối hợp với các địa phương để xây dựng thêm sản phẩm tại điểm đến cho phù hợp.

Phó Chủ tịch Thường trực Đặng Việt Dũng đề nghị Sở Xây dựng chỉ đạo Viện Quy hoạch xây dựng khẩn trương phê duyệt quy hoạch cảng Sông Hàn, cảng Sông Thu; rà soát lại các điều kiện về an toàn, xuất bến, tập huấn cho các đội ngũ phục vụ khách…; phối hợp các địa phương để tuyên truyền du lịch đường thủy nội địa cho người dân; nâng cao chất lượng hoạt động của Chi hội Vận tải du lịch đường thủy…

Được biết, hiện thành phố có 24 tàu du lịch đủ điều kiện hoạt động, trong đó có 20 tàu hoạt động trên tuyến sông Hàn-cầu Trần Thị Lý và 4 tàu phục vụ tuyến vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà. Năm 2018, có 10/24 tàu được đóng mới và đưa vào hoạt động.

Theo báo cáo của Sở Du lịch thành phố, năm 2018, Đà Nẵng đón khoảng 498.039 lượt khách đường sông, tăng 42% so với năm 2017 và dự kiến năm 2019 sẽ đón khoảng 595.880 khách, tăng 20% so với năm 2018 (do mở thêm tuyến vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà).

Thị trường khách du lịch đường thủy chủ yếu là khách quốc tế (chiếm 90%; trong đó đa số là khách Trung Quốc, Hàn Quốc chiếm 85%, còn lại là khách nước khác chiếm 5%), khách nội địa chiếm 10%.

Khách du lịch chủ yếu đi tour tham quan thưởng ngoạn vẻ đẹp của các cây cầu bắc qua sông Hàn, một số ít tham quan vịnh Đà Nẵng, bán đảo Sơn Trà… Các tàu hoạt động hằng đêm từ 17 giờ 30 đến 22 giờ 30, riêng thứ bảy và chủ nhật hoạt động đến 23giờ.

THU HÀ

.