Tiêu đề trên là phần dịch sát từng chữ của câu nói “Fail fast, fail smart, fail forward” - được xem như một châm ngôn trong giới khởi nghiệp. Câu nói ấy cũng liên tục được lặp lại trong buổi chia sẻ của Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam Doron Lebovich và anh Yotam Tzucker, Giám đốc điều hành Tech7 (tổ chức hỗ trợ phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp của Israel) với những nhà khởi nghiệp trẻ Đà Nẵng vào cuối tháng 11 vừa qua.
“Đừng trầm trọng hóa thất bại, bởi đó là một phần của khởi nghiệp”. Trong ảnh: Một doanh nghiệp khởi nghiệp tại Đà Nẵng giới thiệu sản phẩm cho khách hàng quốc tế. |
Ở Israel, anh Yotam nổi tiếng với vai trò xây dựng cộng đồng, kết nối các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp. Anh là người tổ chức hàng trăm sự kiện khởi nghiệp và công nghệ, tạo bệ phóng cho nhiều dự án được kết nối đầu tư.
Thế nhưng, ít ai biết rằng cách đây chỉ vài năm, lúc mới “lò dò” bước chân vào con đường khởi nghiệp, anh từng gặp phải một thất bại mà giờ nghĩ lại, anh vẫn còn thấy... buồn cười.
Anh Yotam kể: “Ở Israel có một doanh nghiệp khởi nghiệp rất nổi tiếng về phần mềm định vị toàn cầu tên là Waze, đã được Google mua lại với giá gần 1 tỷ USD.
Tôi và một người bạn lúc ấy đang “nuôi mộng” khởi nghiệp. Chúng tôi có ý tưởng về một ứng dụng giúp kết nối những người đi làm trên cùng một tuyến đường có thể đi chung xe với nhau, sử dụng chính nền tảng của Waze. Tôi bảo với bạn rằng, cần phải làm ra một sản phẩm nào đó nho nhỏ thôi cũng được rồi đến gặp giám đốc của Waze để trình bày. Chúng tôi rất muốn dự án khởi nghiệp của mình đi được từ giấy ra thị trường”.
Sau khi sản phẩm của anh Yotam và bạn được hoàn thiện, anh Yotam nhận nhiệm vụ liên hệ với giám đốc điều hành của Waze để tìm cơ hội hợp tác. “Hôm ấy là ngày tôi quyết định đến Waze. Buổi sáng tôi dậy sớm, lướt facebook để xem tin tức. Đang lướt mải mê thì tôi dừng lại và không tin vào mắt mình.
Waze ra thông báo chuẩn bị công bố một ứng dụng y như những gì bọn tôi đã làm, do chính các lập trình viên của họ xây dựng dựa trên công nghệ của chính họ. Cảm giác lúc ấy rất khó tả: vừa buồn, vừa tức lại vừa chưng hửng buồn cười”, anh Yotam nói.
Những năm về sau, anh Yotam vẫn còn nhớ mãi thất bại này như một dấu mốc vui trên đường khởi nghiệp. Nhìn lại dấu mốc ấy, anh bảo mình rút ra được hai bài học. Thứ nhất, đừng trầm trọng hóa thất bại, bởi đó là một phần của khởi nghiệp. Thứ hai, thời điểm đúng là một yếu tố quan trọng. Cùng một sản phẩm, tung ra vào thời điểm này có thể thành “bom tấn”, vào thời điểm khác lại có thể thành... “bom xịt”.
Buổi chia sẻ hôm ấy diễn ra rất sôi nổi và vui vẻ, dẫu chủ đề của nó (thất bại trong khởi nghiệp) không hẳn... quá vui vẻ. Khi được mời trò chuyện, anh Đỗ Kiên Giang, nguyên Phó Tổng Giám đốc Kinh doanh Tổng Công ty CP Y tế Danameco hài hước nói: “Thông thường cái khó nhất của mọi người khi nói về thất bại là phải vượt qua được nỗi xấu hổ. Còn cái khó của tôi khi nói về chủ đề này là phải suy nghĩ xem nên chọn cái thất bại nào để kể, bởi tôi có... nhiều quá”.
Anh Giang kể, anh bắt đầu khởi nghiệp vào năm 2001 trong lĩnh vực y tế. Công ty đầu tiên rất thành công nên sau 10 năm, anh tích lũy được khá khá kinh nghiệm và vốn. Năm 2011, anh tiếp tục khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ.
“Lúc đó tôi rất tin vào điều mình đang làm. Chúng tôi có đam mê, kinh nghiệm, kiến thức, tài chính, nhân sự giỏi. Ý tưởng khởi nghiệp của chúng tôi lúc đó cũng không tồi, bởi nó từng đoạt giải nhất trong một cuộc thi toàn quốc. Có thể nói, tất cả những yếu tố mà mọi người thường cho là cần có để khởi nghiệp thành công, thì chúng tôi đều có cả.
Vậy mà chỉ trong vòng 3 năm, dự án khởi nghiệp của tôi thất bại. Tiền bạc tích lũy từ 10 năm trước đó tiêu hết, lòng tự tin cũng không còn”, anh Giang nhớ lại. Mãi đến tận bây giờ, lần thất bại ấy vẫn là đáng nhớ nhất đối với anh Giang. Rất nhiều lần anh tự ngẫm lại để xem mình sai ở đâu, từ đó tự rút cho mình bài học. Anh bảo: “Hóa ra, cái sai của tôi là chưa hiểu chính mình.
Chưa biết điểm yếu, điểm mạnh của mình và đội ngũ nhân sự là gì; chưa biết mình có thể làm gì và không thể làm gì. Tất cả các chiến lược, kế hoạch đều phải được xây dựng trên nền tảng ấy. Mà một khi nền tảng không vững, thì những điều xây dựng trên đó cũng sai. Chúng tôi đã từng quá tự tin, nghĩ rằng mình có thể ngay lập tức xây một tòa nhà cao 10 tầng, nhưng thực ra không thể”.
Tại buổi trò chuyện, ông Doron Lebovich cũng chia sẻ thông điệp: “Hãy nuôi dưỡng và phát triển những sáng tạo của mình, dám nghĩ, dám làm và dám chấp nhận thất bại”. Thái độ chấp nhận thất bại chính là tinh thần giúp Israel trở thành quốc gia khởi nghiệp. Trong vòng 15 năm, từ năm 1999 đến năm 2014, tại Israel đã có hơn 10.100 công ty được thành lập, một nửa trong số đó vẫn hoạt động và 2,6% có doanh thu hằng năm trên 100 triệu USD.
Ngã - hay thất bại - không đơn thuần chỉ là một từ trái nghĩa với “thành công”. Phải ngã làm sao cho... dứt khoát (tránh dây dưa, kéo dài gây tốn kém tiền bạc, công sức), cho thông minh (ngã có tư thế, tránh để bị... thương nặng hay chết) và ngã về phía trước (ngã xong, đứng dậy đã thấy mình tiến được một bước xa hơn lúc trước).
Bài và ảnh: PHONG LAN