Kinh tế
Tạo thế và lực mới cho xuất khẩu hàng hóa
Thời gian qua, hoạt động xuất khẩu của thành phố không ngừng tăng trưởng, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giải quyết việc làm cho một lực lượng lớn lao động. Năm 2017, Đà Nẵng xếp thứ 19/63 tỉnh, thành phố trên cả nước về tỷ trọng xuất khẩu với hơn 1,46 tỷ USD, dự kiến năm 2018 đạt 1,65 tỷ USD.
Trước bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với nhiều hiệp định thương mại được ký kết, Đà Nẵng cần phát huy lợi thế nhằm thúc đẩy xuất khẩu vươn xa hơn nữa.
Dệt may là một trong những ngành xuất khẩu chủ lực của thành phố. Ảnh: KHÁNH HÒA |
Bài 1: Xuất khẩu tăng trưởng nhưng chưa bền vững
Năm 2018, tổng kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng ước đạt 1,65 tỷ USD, tăng hơn 11% so với cùng kỳ năm 2017. Dù tăng trưởng qua từng năm nhưng các DN xuất khẩu của thành phố vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong nâng cao cả chất và lượng về xuất khẩu.
Nhóm hàng chủ lực tăng trưởng ấn tượng
Thành phố hiện có 100 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu hoạt động ổn định với những mặt hàng chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu gồm: dệt may, thủy sản, cao su thành phẩm, thiết bị điện và linh kiện điện tử, đồ chơi trẻ em, thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ, công nghệ thông tin (CNTT)…
Theo Sở Công thương, kim ngạch xuất khẩu của thành phố giai đoạn 2011-2015 đạt hơn 5 tỷ USD với tốc độ tăng trưởng bình quân 15,1%/năm. Năm 2016, đạt hơn 1,3 tỷ USD, tăng 9,9% so với năm 2015; năm 2017 ước đạt gần 1,5 tỷ USD, tăng 12,4% so với năm 2016. Năm 2018 ước đạt 1,65 tỷ USD, tăng gấp 6,3 lần so với năm 2003.
Tỷ trọng đóng góp vào kim ngạch xuất khẩu của một số mặt hàng chủ lực năm 2018 gồm: dệt may (25,9%); thủy sản (11,9%); thủ công mỹ nghệ và sản phẩm gỗ (1,04%); đồ chơi trẻ em (5,5%); cao su thành phẩm (3,3%); động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử (32,3%).
Cơ cấu nhóm ngành hàng xuất khẩu tiếp tục có sự chuyển dịch tích cực theo hướng tăng giá trị hàng công nghiệp chế biến, hàm lượng công nghệ cao, chủ yếu là hàng động cơ, thiết bị điện và điện tử, hàng dệt may, hàng thủy - hải sản. Cụ thể, năm 2011 cơ cấu tỷ trọng xuất khẩu của thành phố là công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp (chiếm 83,6%) - thủy sản (14,9%) - nông lâm (1,5%), đến năm 2017 lần lượt là 87% - 12,3% - 0,7%.
Ông Nguyễn Hữu Vinh, Trưởng phòng Kinh doanh xuất nhập khẩu Công ty CP Dệt may 29-3 cho biết, hiện nay, thay vì chạy theo số lượng, đơn vị nhận các mặt hàng có giá trị gia tăng cao, bảo đảm các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe của đối tác và đem lại lợi nhuận lớn như: veston, áo jacket, áo quần thể thao...
Trong đó, 95% tổng sản phẩm sản xuất ra là hàng xuất khẩu với sản lượng trung bình là 1,4 triệu sản phẩm/năm. Năm 2018, dự kiến kim ngạch xuất khẩu của công ty cán mốc trên 65 triệu USD (năm 2017 là 58,6 triệu USD).
Còn ở Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, 1 trong 5 DN hàng đầu của ngành dệt may Việt Nam, ước kim ngạch xuất khẩu năm 2018 đạt trên 220 triệu USD, dự kiến đến năm 2020 sẽ đạt trên 250 triệu USD. Hòa Thọ cũng là DN hiếm hoi trên cả nước xuất khẩu thành công sản phẩm sợi ra các thị trường khó tính như EU, Nhật Bản, Hàn Quốc hay thị trường mới như Mexico, Srilanca…
Ở lĩnh vực xuất khẩu thủy sản, Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước nhiều năm liền nằm trong tốp đầu cả nước về xuất khẩu thủy sản với quy mô trên 2.500 lao động, có thị trường ở hơn 10 quốc gia trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu năm 2018 của công ty ước đạt trên 92 triệu USD.
Một ngành nghề khác giúp cho xuất khẩu của Đà Nẵng có vị thế trên thị trường trong và ngoài nước là cao su thành phẩm của Công ty CP Cao su Đà Nẵng (DRC). Ngoài thị trường trong nước, DRC hiện là nhà cung cấp săm lốp cho nhiều khách hàng tại hơn 25 quốc gia thuộc châu Á, Nam Mỹ, châu Âu.
Hai năm trở lại đây, hoạt động xuất khẩu của thành phố ghi nhận sự bứt phá từ lĩnh vực CNTT ở phân khúc xuất khẩu phần mềm. Năm 2018, dự kiến xuất khẩu phần mềm của thành phố đạt 78 triệu USD, tăng gấp 64 lần so với năm 2003, doanh thu đạt mức tăng trưởng ấn tượng với trung bình 37%/năm. Năm 2017, lĩnh vực này đã đóng góp vào ngân sách thành phố 3.000 tỷ đồng.
Cùng với các DN trong nước, khối DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đóng góp 53,4% tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố, trong đó nổi bật có Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng (Nhật Bản). Đây là một trong những nhà sản xuất, xuất khẩu các loại motor cỡ nhỏ hàng đầu thế giới. Năm 2018, sản lượng xuất khẩu của đơn vị đạt 2.880 triệu motor, doanh thu ước đạt 3.000 tỷ đồng, đóng góp 44,4 tỷ đồng vào ngân sách thành phố, giải quyết việc làm cho 3.500 lao động.
Quy mô khiêm tốn, phụ thuộc vào doanh nghiệp FDI
Mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng trong thời gian qua có bước tăng trưởng đáng kể nhưng quy mô còn khiêm tốn; số lượng DN trực tiếp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu còn thấp, xấp xỉ 2,5% trên tổng số hơn 26.000 DN trên toàn địa bàn.
Trong đó, chỉ có khoảng 100 đơn vị có hoạt động xuất khẩu ổn định, chiếm tỷ trọng chủ yếu trong kim ngạch xuất nhập khẩu của thành phố. Đóng góp chủ yếu vào kim ngạch xuất khẩu của thành phố vẫn là các mặt hàng nặng tính gia công, hàm lượng giá trị gia tăng chưa cao như: dệt may, thủy sản, sản phẩm gỗ… trong khi các mặt hàng yêu cầu hàm lượng công nghệ cao còn hạn chế. Riêng đối với ngành dệt may, hiện còn phụ thuộc lớn vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Tất cả những điều này cho thấy tính bấp bênh, thiếu bền vững trong hoạt động xuất khẩu của thành phố.
Theo số liệu nghiên cứu của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng, năm 2017, tổng kim ngạch xuất khẩu của thành phố đạt hơn 1,46 tỷ USD, đứng thứ 19/63 tỉnh, thành phố cả nước và tăng 12,4 % so với năm 2016.
Nếu so với 6 địa phương dẫn đầu cả nước về kim ngạch xuất khẩu gồm: thành phố Hồ Chí Minh với tổng trị giá kim ngạch xuất khẩu đạt trên 35,4 tỷ USD, Bắc Ninh (trên 31,3 tỷ USD), Thái Nguyên (trên 24 tỷ USD), Bình Dương (trên 21,8 tỷ USD), Đồng Nai (trên 16,5 tỷ USD) và Hà Nội (trên 11,7 tỷ USD)… thì kim ngạch xuất khẩu của Đà Nẵng còn một khoảng cách quá xa.
Theo Sở Công thương thành phố, tình hình xuất khẩu trên địa bàn thời gian qua cho thấy, trong cơ cấu tỷ trọng xuất khẩu giai đoạn 2011-2015 khối DN FDI luôn chiếm tỷ trọng cao: khối DN FDI chiếm 52,5%, khối DN trong nước chiếm 47,5%.
Năm 2017, khối DN FDI chiếm 52,2%, DN trong nước chiếm 47,8%. Ước tính năm 2018 khối DN FDI chiếm 53,4%, khối DN trong nước chiếm 46,6%. Riêng 10 tháng đầu năm 2018, trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của thành phố thì khối DN FDI đạt mức tăng trưởng cao nhất với khoảng 700 triệu USD, tăng 12,9% so với cùng kỳ năm 2017; khối DN Trung ương ước đạt 266 triệu USD, tăng 7,7%; khối DN địa phương ước đạt 366 triệu USD, tăng 7,7% so.
Đáng chú ý, nhóm hàng công nghiệp chế biến tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong tăng trưởng xuất khẩu của thành phố. Mặt hàng đạt mức kim ngạch và tăng trưởng cao nhất trong 10 tháng đầu năm 2018 là động cơ, thiết bị điện và sản phẩm điện tử ước đạt 422 triệu USD, tăng 14,4% đều thuộc về các DN FDI.
Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng nhận định: “Các chính sách thu hút đầu tư từ nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất của thành phố đã đem lại kết quả tốt, nhưng cũng cho thấy xuất khẩu của Đà Nẵng đang ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào khối DN FDI.
Điều đó không chỉ khiến xuất khẩu - động lực chính của tăng trưởng trở nên nhạy cảm và bấp bênh hơn do hoạt động của khối này phụ thuộc rất lớn vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, nhất là trước những biến động của kinh tế thế giới như chiến tranh thương mại… Bên cạnh đó, giá trị gia tăng của sản xuất và xuất khẩu của Đà Nẵng thu được còn thấp”.
Ở khía cạnh khác, ông Mai Văn Quang, Chủ tịch Hiệp hội DN dịch vụ logistics Việt Nam tại khu vực miền Trung cho rằng sản xuất công nghiệp còn nhỏ lẻ, nguồn hàng còn hạn chế và thiếu những DN lớn là những nguyên nhân chính khiến hoạt động xuất khẩu của Đà Nẵng nhiều năm qua không có bứt phá đáng kể.
Thiếu quỹ đất, nhân lực và nguồn nguyên liệu
Theo các DN xuất khẩu, 3 khó khăn lớn nhất đang gặp phải là thiếu quỹ đất để mở rộng hoạt động sản xuất, bị động về nguồn nguyên liệu và thiếu nguồn nhân lực. Ông Trần Văn Lĩnh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và thương mại Thuận Phước nêu thực tế, thành phố có hơn 20 DN chế biến thủy sản, nhưng trong khi nguồn cung nguyên liệu từ hoạt động đánh bắt ngày càng giảm, các vùng chăn nuôi bị thu hẹp thì DN phải cạnh tranh khốc liệt với thương lái Trung Quốc.
“Bên cạnh khó khăn về nguồn nguyên liệu, chúng tôi đang khoác trên mình “tấm áo quá chật” do cơ sở hạ tầng đã quá tải và công ty còn dư địa lớn để phát triển”, ông Linh chia sẻ.
Thiếu quỹ đất không chỉ gây khó cho các DN có quy mô lớn mà cũng khiến nhiều DN nhỏ và vừa không thể vươn lên lớn mạnh, dù luôn đạt mức tăng trưởng tốt qua từng năm. “Đơn hàng trong năm 2019 của chúng tôi đã hoàn tất với dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 5 triệu USD, tăng mạnh hơn so với cùng kỳ (năm 2018 đạt 4,3 triệu USD).
Đồ họa: TUYẾT ANH |
Theo tính toán, kim ngạch xuất khẩu của xí nghiệp sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Để mở rộng quy mô của công ty, chúng tôi cần đầu tư mới xưởng sản xuất ở khu đất nằm trong khuôn viên nhưng nhiều năm nay vẫn chưa được”, ông Lê Trung Thảo, Giám đốc Xí nghiệp chế biến gỗ Vinafor Đà Nẵng bày tỏ.
Đối với các đơn vị trong ngành dệt may, việc phải phục thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu khiến họ chưa thể yên tâm, nhất là khi tham gia vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Tổng Giám đốc Công ty CP Cao su Đà Nẵng cho biết, năm 2018 doanh thu của đơn vị chỉ ước đạt 200 tỷ đồng, sụt giảm mạnh so với các năm 2016, 2017 (đạt khoảng 500 tỷ đồng) do ảnh hưởng từ giá nhiên liệu đầu vào tăng cao và áp lực cạnh tranh với các DN FDI hoạt động cùng ngành nghề tại Việt Nam.
Ngoài ra, nguồn lao động chưa đáp ứng đủ nhu cầu tuyển dụng cũng là bài toán khó đối với nhiều DN xuất khẩu, nhất là ở các ngành dệt may, thủy sản, CNTT. Theo đánh giá của ông Nguyễn Tuấn Phương, Giám đốc Công ty FPT Software Đà Nẵng, nguồn nhân lực cho ngành CNTT tại Đà Nẵng mới chỉ đáp ứng được gần 70% nhu cầu của các DN.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA