Du lịch làng nghề truyền thống đang ngày càng hấp dẫn du khách và tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xây dựng nông thôn mới; đồng thời giúp bảo tồn, phát huy những bản sắc văn hóa độc đáo của địa phương. Tuy vậy, loại hình du lịch này tại Đà Nẵng hiện còn nhiều hạn chế.
Làng đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn) bao năm qua vẫn chưa có sự phát triển đột phá, chưa phát huy giá trị của một làng nghề truyền thống lâu đời trong hoạt động du lịch. |
Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) cho biết hiện nay, nhiều thị trường khách du lịch có xu hướng tìm kiếm các tour tham quan, trải nghiệm, tìm hiểu sâu hơn về văn hóa của nước bản địa; nhất là dòng khách đến từ các nước châu Âu, châu Mỹ, giới trẻ Nhật Bản, khách nội địa ở lứa tuổi trung niên.
Khi đến với làng nghề, du khách không chỉ được chứng kiến các quy trình sản xuất sản phẩm thủ công mà còn được trò chuyện với người thợ để khám phá văn hóa, thuần phong mỹ tục của địa phương.
Đặc biệt, du khách còn có những trải nghiệm thú vị khi được trực tiếp tham gia vào một số công đoạn sản xuất sản phẩm. “Vitour đang duy trì 3 tour ngắn ngày dẫn khách đến làng cổ Túy Loan bằng đường bộ và đường thủy. Du khách rất thích thú với những chuyến đi trải nghiệm thế này, đặc biệt là được tìm hiểu và thưởng thức nét văn hóa đặc sắc của người dân xứ Quảng như: bài chòi, lễ hội đình làng Túy Loan…”, ông Tùng nói.
Tuy nhiên, theo nhìn nhận từ các đơn vị kinh doanh lữ hành du lịch, việc phát triển du lịch gắn với làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố vẫn chưa phát huy được tiềm năng. Sự đầu tư của làng nghề cho việc phát triển du lịch cũng chưa có, sản phẩm làng nghề đơn điệu, nhỏ lẻ và kém hấp dẫn du khách. Làng nghề hay các làng nghề truyền thống vẫn chỉ hoạt động ở phạm vi nhỏ.
Chính vì vậy, khách du lịch ít có cơ hội để tiếp cận, tìm hiểu và trải nghiệm; mặt khác, việc kết nối giữa các làng nghề truyền thống với các công ty, đơn vị lữ hành, nhất là lữ hành quốc tế còn nhiều hạn chế…
Qua khảo sát và đánh giá của Sở Du lịch về thực trạng các làng nghề truyền thống trên địa bàn thành phố hiện nay, không ít làng nghề đang ở trong tình trạng èo uột, xuống cấp hay đối diện với nguy cơ mai một. Đơn cử, làng sinh thái Cẩm Nê - một điểm du lịch mới được hình thành tại làng Cẩm Nê (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), nằm bên dòng sông Cầu Đỏ giữa cánh đồng hoa màu trù phú của làng Cẩm Nê, đang bị bỏ hoang. Hiện khu làng sinh thái này không có người chăm nom, hệ thống nhà bằng tranh tre đã xuống cấp, có dấu hiệu sạt lở ở bờ sông.
Tương tự, làng nghề nước mắm Nam Ô đang gặp khó khăn về đầu ra cho sản phẩm, lại không được đầu tư tương xứng để phát triển nên số hộ gia đình còn giữ nghề ngày càng ít dần.
Ông Phan Công Quang, Giám đốc Hợp tác xã nước mắm Vinh Quang - dịch vụ tổng hợp Ô Long (thương hiệu nổi tiếng của nước mắm Nam Ô thời Pháp) bày tỏ, trước đây làng có khoảng 140 hộ làm mắm, nay chỉ còn khoảng 44 hộ. Mỗi năm, nơi đây cung ứng ra thị trường hàng ngàn lít nước mắm nhưng lượng khách du lịch đến tham quan, trải nghiệm cũng còn thưa thớt.
Làng chiếu Cẩm Nê - một trong những làng nghề truyền thống lâu đời nhất của Đà Nẵng đang đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt của thị trường với sự phát triển mạnh mẽ của các loại chiếu công nghiệp. Bên cạnh đó, quá trình đô thị hóa nhanh chóng đã khiến làng dệt chiếu Cẩm Nê đứng trước nguy cơ bị thất truyền. Làng nghề này chỉ còn 1 hộ dân còn làm nghề, nhưng cũng rất khó khăn để giữ nghề, đó là hộ bà Phan Thị Đào (80 tuổi).
Thời gian qua, đã có một số công ty đầu tư khai thác vào chương trình du lịch, nhưng do không hấp dẫn được du khách nên đã dừng hoạt động. Đối với làng nghề đá mỹ nghệ Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn) được đánh giá chưa có sự phát triển bứt phá dù có lợi thế bề dày lịch sử gắn chặt với khu danh thắng Ngũ Hành Sơn, nhà thờ Thạch Nghệ Tổ Sư nổi tiếng.
Theo ông Lê Tấn Thanh Tùng, để phát triển sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, trước hết cần tổ chức một số cuộc điều tra, khảo sát về ý kiến du khách đối với hoạt động du lịch của các làng nghề và quan điểm của những người trực tiếp tham gia sản xuất tại làng nghề để biết nhu cầu thực sự của du khách và khả năng đáp ứng của làng nghề; lựa chọn một số làng nghề có tiềm năng, lợi thế về sản phẩm, cảnh quan, môi trường và sản phẩm mang đặc trưng của địa phương tiến hành xúc tiến, quảng bá giới thiệu các sản phẩm trở thành điểm đến hấp dẫn của các tour du lịch.
Ngoài ra, cần có cơ chế hỗ trợ cho các doanh nghiệp lữ hành khi đầu tư vào khai thác sản phẩm du lịch để họ xây dựng sản phẩm du lịch và đưa khách đến; khuyến khích các nghệ nhân, thợ lành nghề tiếp tục truyền dạy nghề, ưu tiên vinh danh những nghệ nhân và khuyến khích những nghệ nhân này trực tiếp hướng dẫn khách du lịch tham gia vào quá trình hướng dẫn sản xuất sản phẩm cho các du khách; xây dựng thương hiệu, phát triển sản phẩm đa dạng cả về mẫu mã, chất lượng và tạo ra các sản phẩm đặc trưng, phù hợp với hàng lưu niệm, quà tặng phục vụ du lịch; phát triển du lịch gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan sinh thái…
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA