Báo cáo mới nhất của liên minh các tổ chức phi chính phủ Oxfam International cho biết người giàu thì giàu thêm, trong khi nửa nghèo nhất của thế giới lại nghèo thêm và xu hướng bất bình đẳng thu nhập này đã đến mức rất đáng lo ngại, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang mở rộng.
Các tỷ phú của thế giới. (Nguồn: cbsnews.com) |
Theo Oxfam, tài sản của các tỷ phú đã tăng 12% trong năm ngoái trong lúc lượng tài sản ít ỏi của 3,8 tỷ người nghèo nhất thế giới lại vơi đi 11%.
Nghiên cứu của Oxfam cũng cho thấy mỗi ngày tổng tài sản của các tỷ phú thế giới tăng thêm 2,5 tỷ USD và cứ hai ngày lại có thêm một triệu phú gia nhập nhóm đẳng cấp tỷ phú.
Tổ chức này đề xuất cần phải có hướng tiếp cận kinh tế mới để điều chỉnh lại sự phân phối của cải thế giới.
Những số liệu trên được công bố tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới ở Davos, Thụy Sỹ.
Diễn đàn này là nơi quy tụ các tỷ phú như nhà đồng sáng lập Microsoft Bill Gates, các nhà hoạch định chính sách và giám đốc các công ty lớn từ khắp nơi trên thế giới.
Ông Paul O’Bien, Phó Chủ tịch phụ trách công tác chính sách và vận động của Oxfam chi nhánh Mỹ, viện dẫn nhận định của rất nhiều nhà kinh tế cho rằng việc tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ khiến tất cả cùng được hưởng lợi đã không diễn ra trên thực tế. Bởi lẽ khi các mức thuế đã được hạ xuống mức thấp kỷ lục, các công ty và giới nhà giàu càng tích lũy thêm được nhiều tài sản, của cải.
Theo Oxfam, mức thuế cao nhất mà giới giàu có, tài phiệt ở các nước phát triển phải chịu đã giảm từ 62% năm 1970 xuống còn 38% năm 2013.
Năm 2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump lại tiếp tục giảm thuế cho các cá nhân và công ty ở nước này, một chính sách đã làm lợi thêm cho giới chủ công ty và các nhà tài phiệt giàu có.
Ông O’Bien bình luận rằng chính quyền hiện tại của ông Trump đang áp dụng các chính sách khiến khoảng cách bất bình đẳng thu nhập thêm lớn.
Tuy nhiên, Washington lại tin rằng chính sách giảm thuế như vậy sẽ kích thích tăng trưởng kinh tế, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho người đi làm có thu nhập trung bình và thu nhập thấp.
Đại diện của Oxfam cũng cho rằng thay vì một nền kinh tế tập trung cho tăng trưởng bằng mọi giá, thế giới cần phải hướng tới "nền kinh tế vì con người."
Nền kinh tế này sẽ chú trọng vào chăm sóc sức khỏe, giáo dục, và bình đẳng giới cho người dân toàn cầu thay vì chỉ tập trung tăng trưởng kinh tế thuần túy.
Ông O’bien nói thêm: “Tất cả số liệu đều cho thấy đầu tư cho giáo dục trẻ em là cách tốt nhất để xây dựng một nền kinh tế phát triển lành mạnh và tạo ra của cải chung cho thế giới. Chúng ta cần phải cho trẻ được học ở những trường tốt, phá bỏ những rào cản pháp lý và văn hóa khiến phụ nữ bị đối xử không công bằng ở nơi làm việc hoặc bị đẩy cho gánh quá nhiều trách nhiệm."
Tăng thuế đối với nhóm những tỷ phú và các công ty giàu nhất thế giới sẽ mang lại nguồn kinh phí để thực hiện những chương trình xã hội này.
Theo ước tính của Oxfam, tăng thuế 0,5% đối với những người giàu nhất thế giới sẽ giúp tạo ra đủ kinh phí cho 262 triệu trẻ em hiện không được đi học có cơ hội đến trường, đồng thời cứu được 3,3 triệu người không phải chết vì những bệnh có thể phòng ngừa được.
Theo Vietnam+