Mang trong mình sự tò mò và háo hức của những người đi hỗ trợ khởi nghiệp muốn tìm hiểu về sự thành công nơi đây, chúng tôi đến Israel vào những ngày cuối tháng 9-2018 để được tận mắt nhìn thấy “bông hồng sa mạc” này.
Từ những vùng hoang mạc tưởng chừng chỉ có cỏ dại và cây bụi, những mảng xanh đã mọc lên khắp nơi, biến Israel thành “vựa rau của châu Âu” vào mùa đông. Ảnh: HÀ HÙNG |
Mỗi người sẽ có quan điểm khác nhau về những tố chất tạo nên một người Israel đặc trưng, nhưng có ba thứ quan trọng nhất là “văn hóa tranh luận và phản biện”; “sự sáng tạo” và “bản lĩnh”.
Israel là đất nước đa dân tộc với đa số khoảng 75% là người Do Thái, do đó, các yếu tố văn hóa, chính trị, tôn giáo... của người Do Thái có yếu tố chi phối trong đời sống Israel.
Đầu tiên phải nhắc tới chính là “văn hóa tranh luận và phản biện” của dân tộc này. Họ thích đặt ra vấn đề và tận hưởng quá trình tranh luận với nhau để tìm ra giải pháp. Chị Riki, hướng dẫn viên của chúng tôi tại Israel cho biết các gia đình Do Thái có thói quen quây quần vào buổi ăn tối và “cãi nhau” về các vấn đề, từ chính trị, xã hội…
Người Israel cho rằng việc dám hoài nghi và sẵn sàng đặt câu hỏi bất kỳ lúc nào chính là con đường dẫn tới tri thức và ngược lại, tri thức đủ nhiều sẽ càng tạo ra sự hoài nghi.
Về sáng tạo, điều này một phần nào đó dẫn tới một thành tố quan trọng thứ hai cấu thành một người Israel điển hình. Người Israel tôn sùng việc tạo ra cái mới và xem sự sáng tạo như một phương pháp để kích hoạt trí tuệ. “Người Israel có thể nghĩ ra hàng tá ý tưởng mới, một số nghe có vẻ điên rồ, nhưng có không ít đã và đang được hiện thực hóa”, chị Tair Kowalski, quản lý chương trình tăng tốc khởi nghiệp tại SigmaLabs Accelerator (Tel Aviv-Israel) chia sẻ, đồng thời cho biết thêm, có tới hàng ngàn ý tưởng được nộp đến SigmaLabs mỗi năm để xin tham gia chương trình tăng tốc được đánh giá là tốt nhất nhì Israel này.
Theo TS. Hoàng Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược (Bộ Ngoại giao), người Israel tìm thấy mục đích cao nhất của cuộc sống là sáng tạo, chứ không phải chỉ là kiếm tiền, và kiếm tiền cũng như sự giàu có của họ thực ra là hệ quả của lao động sáng tạo chứ không phải mục đích mà họ theo đuổi.
Đến Israel không gì ấn tượng hơn việc được chứng kiến những khu nông nghiệp trù phú giữa sa mạc. Đất nước chỉ rộng bằng 1/16 diện tích Việt Nam hiện đang là vườn rau cho châu Âu vào mùa đông. Ở nơi từng là hoang mạc khô cằn đầy cát và đá, nước được tích từng giọt mà Israel đã chứng minh cho thế giới thấy sức sống mãnh liệt và khả năng sáng tạo tuyệt vời.
Ông Doron Lebovich, Phó Đại sứ Israel tại Việt Nam đã chia sẻ “thiếu thốn chính là người mẹ vĩ đại của sự sáng tạo”. Dân tộc nào có khả năng vượt qua nghịch cảnh, biến khó khăn thành cơ hội, dân tộc đó sẽ thành công.
Đơn cử như từ vấn đề thiếu nước trong nông nghiệp, người Israel phát minh ra hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt và kiểm soát dinh dưỡng cho cây trồng mà giờ đây, công ty hàng đầu trong lĩnh vực này là Tập đoàn Netafim đã mở rộng hoạt động của mình đến hơn 110 quốc gia với doanh thu hàng tỷ USD mỗi năm.
Nếu như ai đó cho rằng hai yếu tố đầu tiên là do tính cách dân tộc hay văn hóa thì “bản lĩnh” là yếu tố cuối cùng lại hoàn toàn là “nhân tạo” - trui rèn trong thực tế cuộc sống.
Sự kết hợp giữa những yếu tố trên đã tạo ra những con người Israel đầy táo bạo, có chút lộn xộn, sẵn sàng tranh luận và phản biện, luôn suy nghĩ sáng tạo để tìm ra cách giải quyết vấn đề nhưng cũng rất kỷ luật. Chính đặc tính kỳ lạ này của người Israel khiến khó quốc gia nào sao chép được hình mẫu và công thức thành công. Văn hóa Israel coi trọng một chút gì đó xáo trộn, bất quy tắc nhưng đây là môi trường thuận lợi cho các startup hình thành và phát triển.
Nếu như người Việt có câu “thương trường như chiến trường”, thì ở Israel, các doanh nhân chính là những người lính, cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng: phần lớn chủ của các doanh nghiệp thành công ở Israel đều là những người từng tham gia quân ngũ.
Xem tri thức là khởi nguồn của trí tuệ, sự ham học của người Israel nổi tiếng thế giới. Những thành tựu lớn của nhân loại đều có sự đóng góp của dân tộc này khi có đến 1/3 số giải Nobel trong thế kỷ 20 được trao cho các nhà khoa học gốc Israel.
Bài học khởi nghiệp nơi “Quốc gia khởi nghiệp - Israel” là khi một start-up thất bại, họ cố gắng vực dậy chúng chứ không bỏ mặc, và nếu sau tất cả start-up đó vẫn thất bại thì nó vẫn là bài học kinh nghiệm cho những công ty còn hoạt động và kích thích sự tiến bộ.
Xin được mượn chia sẻ của anh Omri Toppol, Trưởng bộ phận tìm kiếm và thẩm định đầu tư của North First Ventures, một người bạn Israel thân thiết của Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng để thay lời kết: “Không hề dễ dàng để có được đất nước Israel như ngày hôm nay. Cũng giống như một start-up, bảy mươi năm trước, Israel ra đời với thứ duy nhất là con người và kiến thức. Và sau tất cả, đất nước Israel có thể tạm gọi là đã khởi nghiệp thành công. Với tất cả những gì đã trải qua, chúng tôi tin rằng những quốc gia, dân tộc có nhiều hơn những gì chúng tôi từng có đều có thể thành công”.
LƯU DUY TRÂN
Trưởng phòng Tổng hợp, Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng