Trong những năm gần đây, hàng trăm nông dân huyện Hòa Vang đã được “xuất khẩu” thành nhiều đợt sang Hàn Quốc lao động, học tập kinh nghiệm, từ đó góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống cho từng hộ gia đình. Đây là một trong những chủ trương của huyện Hòa Vang nhằm hưởng ứng tích cực chương trình “Thành phố 4 an”.
Chị Phạm Thị Hạnh (bìa phải) trao đổi với cán bộ huyện Hòa Vang khi đến thăm mô hình nông nghiệp sạch của chị tại xã Hòa Nhơn. |
Trước đây, những người nông dân ở Hòa Vang chưa bao giờ nghĩ mình sẽ có cơ hội được tham gia vào thị trường lao động tại Hàn Quốc. Vậy mà, trong 2 năm qua trên địa bàn huyện Hòa Vang đã có 233 người là những nông dân thực thụ đã và đang lao động tại đất nước có nền nông nghiệp phát triển hiện đại này.
Gia đình chị Phạm Thị Hạnh, (thôn Phước Hưng Nam, xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang) có 3 sào đất, quanh năm tất bật canh tác cũng chỉ vừa đủ trang trải cho cuộc sống gia đình. Thế nhưng, chỉ trong một thời gian ngắn sang lao động tại Hàn Quốc, cuộc sống gia đình chị Hạnh giờ đã khác.
Chị cho biết: “Sau 3 tháng tham gia lao động, trừ các khoản chi phí, tôi đã tích lũy hơn 80 triệu đồng. Từ số tiền này, cùng với một số kinh nghiệm làm nông nghiệp học tập được từ Hàn Quốc, tôi đã mạnh dạn thuê thêm 6 sào đất và mua một số máy móc để đầu tư mở rộng diện tích làm nông nghiệp sạch. Nhờ đó, đến nay gia đình tôi đã có nguồn thu nhập ổn định, kinh tế gia đình phát triển hơn trước”.
Giống như chị Hạnh, anh Đặng Quang Liêm (thôn Lệ Sơn 2, xã Hòa Tiến) sau khi tham gia lao động 3 tháng tại Hàn Quốc để dành được gần 80 triệu đồng, anh tiếp tục đầu tư thiết bị, mở rộng trang trại nuôi heo của mình.
Anh Liêm cho biết, cái được lớn nhất của anh là học tập, tiếp thu những kinh nghiệm, kỹ thuật làm nông nghiệp từ nước bạn. Đó là áp dụng tối ưu khoa học-kỹ thuật, kỹ năng chăm sóc cây trồng, vật nuôi và kỹ thuật thu hoạch, bảo quản sau thu hoạch.
Ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, để “xuất khẩu” nông dân Hòa Vang sang làm việc tại Hàn Quốc, từ năm 2016, huyện Hòa Vang và quận Yeongyang, tỉnh Kyeongsanbuk của Hàn Quốc ký biên bản ghi nhớ về việc cùng nhau phát triển nền nông nghiệp của hai địa phương thông qua việc học tập kỹ thuật nông nghiệp và trao đổi nguồn nhân lực nông nghiệp.
Trên cơ sở thỏa thuận hợp tác, UBND huyện Hòa Vang triển khai công tác tuyển người lao động có hộ khẩu thường trú tại huyện Hòa Vang để quận Yeongyang tiếp nhận. Tính đến thời điểm hiện nay, huyện Hòa Vang tuyển chọn và cung ứng 4 đợt với 233 nông dân sang làm việc tại Hàn Quốc.
Hầu hết người lao động sau khi kết thúc đợt làm việc trở về đều phấn khởi vì không chỉ có được mức thu nhập khá cao mà còn học tập được nhiều kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp. Sau khi về nước, những người nông dân của huyện tiếp tục tham gia các mô hình sản xuất nông nghiệp tại địa phương, tạo đột phá trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Từ đó, nâng cao thu nhập và chất lượng đời sống của người dân, hướng đến phát triển nông nghiệp sạch ở huyện.
Để hỗ trợ nông dân lao động tại Hàn Quốc, UBND huyện Hòa Vang đã thành lập tổ quản lý, thường xuyên trao đổi với người lao động thông qua mạng xã hội; đồng thời chủ động làm việc với lãnh đạo quận Yeongyang và đã được đối tác tạo mọi điều kiện; đồng thời chỉ thị cho các cô dâu Việt tại địa phương phối hợp hỗ trợ, giúp đỡ. Nhờ vậy, quan hệ, quyền lợi của người lao động và chủ trang trại được thực hiện đầy đủ, không có tranh chấp, không phát sinh vấn đề phức tạp.
Với những tín hiệu vui từ chương trình “xuất khẩu” nông dân sang Hàn Quốc lao động, lãnh đạo huyện Hòa Vang đề nghị UBND thành phố và các sở, ngành có liên quan cho phép huyện tiếp tục thực hiện thỏa thuận trong năm 2019; đồng thời kiến nghị các cấp thẩm quyền hoàn thiện các thủ tục pháp lý, tạo điều kiện cho người lao động tham gia nhằm giải quyết việc làm, cải thiện thu nhập, góp phần giảm nghèo một cách bền vững.
Bài và ảnh: ĐẶNG NỞ