CPTPP - Cơ hội mở "room" rất lớn cho tăng trưởng kinh tế

.

Hiệp định CPTPP được kỳ vọng sẽ tạo ra những tiềm năng tốt, đồng thời, "thúc" Việt Nam đẩy nhanh hơn quá trình thay đổi để tìm động lực tăng trưởng mới.

Tham gia CPTPP, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 1,3%
Tham gia CPTPP, GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 1,3%

GDP của Việt Nam có thể tăng thêm 1,3%

Theo TS. Trần Toàn Thắng, Trưởng Ban Dự báo kinh tế ngành và doanh nghiệp, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia (NCIF), việc Việt Nam phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) đã thể hiện cam kết mạnh mẽ đối với đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế.

Nhìn chung về tổng thể, Hiệp định CPTPP thực thi mang đến nhiều lợi thế cho Việt Nam. Theo tính toán của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội Quốc gia, tham gia CPTPP có thể giúp Việt Nam tăng khoảng 1,3% GDP. Nếu có những mở cửa lớn hơn về dịch vụ, thì mức tăng trưởng GDP tăng thêm có thể lên tới 2,1%.

“Lợi ích ròng mà các thành viên CPTPP nhận được từ tự do hóa thương mại sẽ chỉ vào khoảng 0,3% tổng GDP của các thành viên, tương ứng với 37,3 tỉ USD trong trung hạn. Trong đó, một số nước có thể hưởng lợi nhiều hơn. Malaysia sẽ có thể có được nhiều lợi ích nhất (bằng 2% GDP), theo sau là Việt Nam và Brunei dao động khoảng 1,3-1,5% GDP”, TS. Thắng cho biết.

Báo cáo của Chính phủ gửi Quốc hội cũng đánh giá, nhờ có CPTPP, kim ngạch xuất nhập khẩu có khả năng tăng thêm khoảng 4,04% đến năm 2035. Kim ngạch nhập khẩu có khả năng tăng 3,8-4,6% và nhiều khả năng nguy cơ thâm hụt thương mại được kiềm chế theo thời gian. Mức tăng thêm nhập khẩu chủ yếu do tốc độ tăng xuất khẩu tới các nước trong nội khối CPTPP.

“Hiệp định CPTTP sẽ góp phần vào việc thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang các thị trường lớn như Nhật Bản, Australia, Canada, Mexico cũng như thu hút đầu tư nước ngoài vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. CPTPP là hiệp định mở, trong tương lai có thể có thêm một số thành viên khác ví dụ Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan và Philippines. Điều này giúp Việt Nam tiếp cận được một thị trường rộng lớn hơn, giúp tăng kim ngạch xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế”, TS. Trần Toàn Thắng cho hay.

Năm 2019 là năm đầu tiên thực thi CPTPP. Một số nhóm hàng sẽ bắt đầu có thuế quan bằng 0, một số nhóm bắt đầu lộ trình cắt giảm dài hơn. Tuy nhiên, TS Thắng cho rằng, nhà đầu tư nước ngoài có thể tăng kỳ vọng vào triển vọng kinh tế tốt hơn ở Việt Nam, doanh nghiệp (DN) nội địa cũng kỳ vọng vào tăng trưởng trong nước sẽ kéo theo cầu về hàng hoá tăng.

“Việc kỳ vọng tăng sẽ kéo theo đầu tư tăng, theo đó có thể tạo ra những tiềm năng tốt, mở ra “room” rất lớn cho tăng trưởng trong năm 2019”, TS Trần Toàn Thắng nhận định.

Đáng lưu ý, theo ông Thắng, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới có thể giúp Việt Nam thay đổi được công nghiệp phụ trợ. Nghĩa là Việt Nam có thể thu hút các doanh nghiệp FDI ngành công nghiệp phụ trợ chứ không phải là đơn thuần lắp ráp. Đây là điểm tích cực từ CPTPP.

“Cán cân thương mại với Trung Quốc cũng có thể thay đổi, giảm dần được thâm hụt như hiện nay do các doanh nghiệp FDI sản xuất linh phụ kiện ngay tại Việt Nam. Do đó, có thể thấy yếu tố “nguồn gốc xuất xứ” sẽ ảnh hưởng và quyết định rất lớn tới khả năng hiện thực hóa lợi ích từ CPTPP”, ông Thắng nói.

Sức ép cải cách thể chế

Lạc quan, nhưng TS. Trần Toàn Thắng cũng nêu ra những vấn đề đặt ra khi CPTPP được thực thi tại Việt Nam. Cụ thể, do tác động của CPTPP, tốc độ tăng trưởng sản lượng của một số ngành có thể giảm, bao gồm chăn nuôi, chế biến thực phẩm, và dịch vụ bảo hiểm. Trong đó, ngành chăn nuôi sẽ bị ảnh hưởng nhiều từ CPTPP do sức cạnh tranh của ngành này còn yếu. Trong nông nghiệp, trừ mặt hàng gạo, thuế quan hiện hành của các nước với sản phẩm chăn nuôi không cao, vì thế, việc hạ thấp thuế quan trong CPTPP không tạo ra nhiều tác động xuất khẩu. Tốc độ tăng trưởng của ngành chế biến thực phẩm giảm đi ở mức 0,37%-0,52%.

CPTPP mở ra một thị trường rộng lớn cho doanh nghiệp Việt Nam nhưng đồng thời với đó, cạnh tranh cũng sẽ diễn ra quyết liệt không chỉ ở thị trường các nước thành viên, mà ngay tại thị trường trong nước trên cả ba cấp độ: sản phẩm, DN và quốc gia. Vì vậy, DN phải chủ động tìm hiểu thông tin chi tiết về CPTPP để tận dụng và so sánh lợi thế với các FTA khác.

Theo VOV

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.