Dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi, bên cạnh trồng và bán các loại hoa, cây cảnh và rau phục vụ thị trường Tết, nhiều nhà vườn của huyện Hòa Vang còn giới thiệu và bán các loại đặc sản vừa được gắn nhãn hiệu bưởi da xanh ruột hồng, kiệu hương, dưa lưới, nếp đắng, cá nước ngọt…
Hơn 5 tấn bưởi da xanh ruột hồng Hòa Ninh được xuất bán phục vụ Tết mang lại thu nhập cao cho người nông dân. |
Ngày 30-1 (tức 25 tháng Chạp), nhiều thương lái bắt đầu đến các nhà vườn ở thôn Đông Sơn, xã Hòa Ninh để hái bưởi da xanh ruột hồng, một đặc sản của xã. Dù thu hoạch trái vụ (thời gian thu hoạch chính vụ của bưởi da xanh ruột hồng Hòa Ninh là từ tháng 7-9 hằng năm), nhưng có khoảng 5 tấn bưởi da xanh ruột hồng Hòa Ninh đã được các thương lái mua với giá hái tại vườn là 25.000 đồng/kg. Từ một giống cây tự mọc trong vườn nhà cho trái to, mọng nước, vị ngọt thanh và thân cây ít bị gãy đổ do bão, ông Đặng Văn Nhân (tổ 2, thôn Đông Sơn) bắt đầu nhân giống từ 30 năm trước.
Ban đầu, bưởi da xanh ruột hồng Hòa Ninh được ông Nhân dùng trong gia đình, biếu tặng, bán một ít vào mùa hè và nhân giống cho nhiều gia đình cùng trồng. Đến năm 2017, xác định cây bưởi da xanh ruột hồng là cây ăn quả có giá trị kinh tế cao và phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương, xã Hòa Ninh đã nhân rộng mô hình trồng bưởi da xanh ruột hồng ra toàn địa bàn xã. Đồng thời, xem đây là loại cây trồng chủ lực của xã và hướng đến mục tiêu đưa Hòa Ninh trở thành nơi chuyên canh bưởi da xanh ruột hồng. Đến nay, trên địa bàn xã đã có hơn 100 hộ dân trồng bưởi da xanh ruột hồng với diện tích hơn 23ha. “Dù là trái vụ, nhưng dịp Tết này, nhà tôi xuất vườn hơn 2 tấn bưởi da xanh ruột hồng, thu hơn 50 triệu đồng”, ông Đặng Văn Nhân phấn khởi nói.
Đến ngày 30-1, vẫn có rải rác khách về tận các thôn Thạch Nham Tây, xã Hòa Nhơn tìm mua kiệu hương để ngâm chua hoặc làm dưa món ăn trong dịp Tết. Được trồng từ rằm tháng 7 đến nay với diện tích hơn 2ha, có khoảng 50 tấn kiệu hương đã được thu hoạch, bán cho khách và các thương lái đến thu mua tận vườn với giá từ 20.000 - 25.000 đồng/kg. Kiệu hương Hòa Nhơn là cây trồng được người dân trên địa bàn xã vun trồng, chăm bón, bảo tồn giống, mang đậm hương vị quê hương. “Kiệu hương Hòa Nhơn có mùi thơm hơn và ngon hơn so với kiệu ở các nơi khác nên được nhiều khách ưa chuộng. Tết này, gia đình tôi thu hoạch kiệu hương trồng trên diện tích 700m2, thu được hơn 30 triệu đồng, hiệu quả kinh tế cao gấp 4-5 lần so với trồng lúa”, ông Phạm Tham, một người trồng kiệu hương ở thôn Thạch Nham Tây cho biết.
Bưởi da xanh ruột hồng Hòa Ninh, kiệu hương Hòa Nhơn, nếp đắng Hòa Liên, cá nước ngọt Hòa Khương, ớt Bồ Bản (Hòa Phong), gà bản địa thả vườn và thả đồi Hòa Vang, mít nghệ Hòa Bắc, trứng và thịt cút sạch Hòa Phước, gạo hữu cơ Hòa Tiến… là những sản phẩm bản địa của huyện Hòa Vang được nhiều người tìm mua về để dùng trong dịp Tết.
Cạnh đó, dưa lưới và các loại nấm ăn là dấu ấn của ngành sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cũng được nhiều người tìm mua những ngày này. Sau hơn 1 năm trồng thử nghiệm trong nhà màng, dưa lưới của ông Nguyễn Thắng, Giám đốc Hợp tác xã rau-hoa-củ-quả Hòa Vang được nhiều khách hàng ưa chuộng vì không những là thực phẩm sạch, có giá trị dinh dưỡng cao mà còn có vị ngọt và để được lâu hơn so với các loại dưa lưới nhập từ các tỉnh khác về. “Lứa dưa lưới phục vụ Tết chỉ có khoảng vài tạ nhưng bán hết ngay.
Tiếc là không có thêm để bán cho khách hàng”, ông Nguyễn Thắng chia sẻ. Còn ông Nguyễn Văn Nhi, Giám đốc Hợp tác xã Nấm Nhơn Phước (xã Hòa Nhơn) cho hay: “Những ngày này, các hộ trồng nấm xuất bán từ 50-70kg/ngày, chủ yếu là nấm bào ngư, nhưng không đủ hàng để phục vụ nhu cầu của khách. Dịp Tết, các hộ xã viên bán được nhiều nấm với giá cao nên rất phấn khởi”.
Ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang cho rằng, những đặc sản nói trên được giới thiệu rộng rãi trong dịp Tết này là kết quả ban đầu của quá trình đầu tư các mô hình sản xuất cây ăn quả, nấm, lúa, thủy sản, chăn nuôi… trên địa bàn huyện từ năm 2016 đến nay và chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” của huyện. Từ các chính sách hỗ trợ phát triển của thành phố và chủ trương của huyện, số lượng các mô hình sản xuất tăng lên, quy mô đầu tư lớn, bài bản, sử dụng nguồn vốn có hiệu quả, cho thu nhập khá. Nhận thức của người nông dân đã có sự thay đổi tích cực về sản xuất theo hướng hiện đại, sản xuất theo chuỗi liên kết.
Đồng thời, cũng đã hình thành nhiều vùng sản xuất hàng hóa tập trung cho năng suất, chất lượng, giá trị hàng hóa ngày càng cao. Huyện đang tiếp tục chỉ đạo tổ chức sản xuất có hiệu quả, mở rộng diện tích và nhân rộng các mô hình giống bản địa, giống mới có giá trị kinh tế cao để tiếp tục giới thiệu, cung cấp nhiều đặc sản và sản lượng lớn hơn, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản sạch, an toàn, đặc trưng của người dân thành phố.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP