Ngoài dấu ấn những cây cầu, lễ hội pháo hoa, hay món ăn dân dã..., Đà Nẵng còn đặc trưng gì nữa? Đó là câu hỏi vẫn luôn đặt ra cho các cấp ngành, địa phương trong việc tìm và hình thành nên những sản phẩm mà chỉ cần nhắc tới, du khách trong và ngoài nước sẽ nghĩ ngay đến Đà Nẵng. Khi thành phố lấy du lịch làm ngành kinh tế mũi nhọn để thúc đẩy phát triển, thì những sản phẩm mang đậm dấu ấn riêng của vùng đất cần được đầu tư hơn bao giờ hết nhằm “níu chân” và khiến du khách phải “móc hầu bao” chi tiêu.
Ông Lê Văn Phiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu mỹ nghệ Lê Quang Huy bày tỏ sự trăn trở khi mô hình cầu Rồng chưa đi đến bước hoàn thiện như mong muốn. |
Để có những sản phẩm đặc trưng, từ tháng 9-2018, Sở Công thương thành phố tổ chức cuộc bình chọn “Các sản phẩm đặc trưng của Đà Nẵng” với hàng chục bộ hồ sơ gửi đến tham dự. Sau nhiều tháng triển khai, đã có 7 sản phẩm của 4 doanh nghiệp tiêu biểu được chọn để vào vòng xét cuối cùng.
Cụ thể, sản phẩm may mặc (áo sơ mi, quần âu, quần kaki) mang thương hiệu Merriman của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ; mô hình cầu Rồng dùng làm quà lưu niệm của Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu mỹ nghệ Lê Quang Huy; dép dưỡng sinh chất lượng cao và lót giày của Công ty TNHH Sản xuất-Chế biến-Kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế; sản phẩm nước uống đóng chai BIWA của Công ty CP Bình Vinh.
Là một trong những đơn vị đi đến vòng xét duyệt cuối cùng của chương trình xét chọn, ông Lê Văn Phiếu, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu mỹ nghệ Lê Quang Huy cho biết, ông bắt đầu lên ý tưởng, thiết kế và sản xuất ra mô hình cầu Rồng đầu tiên vào năm 2012 với độ dài ban đầu hơn 1,2m. Trải qua nhiều bước gia công, cắt gọt, nay mô hình rút xuống còn 52cm. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng, thiết kế như hiện nay vẫn còn khá cồng kềnh, chưa đạt được đến độ tinh xảo trong khi mức giá (2,1 triệu đồng/sản phẩm) còn quá cao so với nhu cầu mua sắm của du khách thông thường.
“Hiện nay, thị trường tiêu thụ chính của mô hình quà lưu niệm cầu Rồng chủ yếu là đơn hàng từ thành phố, các sở, ngành làm quà tặng trong các buổi đón tiếp ngoại giao. Mỗi năm chúng tôi chỉ tiêu thụ chưa tới 1.000 sản phẩm. Để sản phẩm này tồn tại và có chỗ đứng trên thị trường, chúng tôi phải hướng đến việc sản xuất đại trà với mức giá thấp hơn nhiều, dao động từ vài trăm ngàn đồng mỗi sản phẩm. Để làm được điều này, tôi đang rất “đau đầu” trong việc suy nghĩ làm sao để gia công rút ngắn mô hình, nhưng độ tinh xảo phải cao hơn nữa”, ông Lê Văn Phiếu chia sẻ.
Sản phẩm lót giày và dép dưỡng sinh chất lượng cao của Công ty TNHH Sản xuất-Chế biến-Kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế không chỉ chinh phục thị trường trong nước với nguồn cung không ngừng mở rộng ra các khách sạn, khu nghỉ dưỡng trong và ngoài thành phố mà còn được nhiều bạn hàng từ các nước Mỹ, châu Âu… tin dùng. Theo ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty Hương Quế, đây là nỗ lực của đơn vị nhằm góp phần tạo niềm tin, khẳng định chất lượng và uy tín của doanh nghiệp Việt Nam nói chung, thành phố Đà Nẵng nói riêng.
Thương hiệu may mặc Merriman của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ là một trong những sản phẩm được kỳ vọng sẽ làm nên tên tuổi lớn cho ngành thời trang Đà Nẵng. |
Ông Đoàn Hải Đăng, Phó Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel Đà Nẵng cho hay, việc hình thành nên những sản phẩm đặc trưng là vô cùng cần thiết với mỗi địa phương, nhất là khi Đà Nẵng xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Những sản phẩm này không chỉ góp phần làm nổi tiếng thêm cho điểm đến mà còn “níu chân” du khách và kích thích họ phải mở hầu bao mua sắm.
Cùng quan điểm này, ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitours) nhìn nhận: “Chúng ta thiếu những sản phẩm lưu niệm độc đáo, bắt mắt với giá thành hợp lý. Du khách khi đến Đà Nẵng trước đây chỉ biết mua nón lá và áo dài, hải sản khô, nay có thêm một số mặt hàng thủ công mỹ nghệ như: túi xách, ví, giày dép… Trong khi thành phố có nhiều biểu tượng nổi tiếng, đó là cầu Sông Hàn, cầu Rồng, khu di tích danh thắng Ngũ Hành Sơn, Vòng quay Mặt Trời hay cầu Vàng… lại chưa được khai thác hiệu quả ở lĩnh vực mặt hàng lưu niệm”.
Đại diện hai doanh nghiệp du lịch đều cho rằng, thành phố và các sở, ngành, địa phương vào cuộc quyết liệt trong việc khuyến khích, hỗ trợ và bình chọn các sản phẩm đặc trưng là tín hiệu tích cực và đáng mừng. Đây cũng là cơ sở để các đơn vị kinh doanh du lịch giới thiệu đến du khách khi họ có nhu cầu mua sắm; đồng thời, quảng bá sâu hơn về hình ảnh của thành phố trong thời gian tới.
Việc tổ chức chương trình bình chọn sản phẩm thương mại mang tính đặc trưng của Đà Nẵng cho thấy quyết tâm của thành phố cũng như sự kỳ vọng của các doanh nghiệp sản xuất nhằm tạo ra các sản phẩm chủ lực cho địa phương, tìm kiếm đầu ra ổn định cho nguồn hàng hóa.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA