Làm du lịch từ nông nghiệp

.

Thời gian gần đây nhiều công ty du lịch nhận thấy tiềm năng của loại hình du lịch nông nghiệp và bắt đầu đi vào khai thác. Sản phẩm du lịch này tuy không mới, nhưng lại được nhiều du khách lựa chọn, đặc biệt là dòng khách quốc tế đến từ châu Âu, Mỹ… Tuy nhiên, để khai thác tốt du lịch từ nông nghiệp là bài toán không hề dễ dàng.

Khi các làng rau được đầu tư đúng mực sẽ trở thành một sản phẩm hấp dẫn du khách.
Khi các làng rau được đầu tư đúng mực sẽ trở thành một sản phẩm hấp dẫn du khách.

Ông Nguyễn Sơn Thủy, Giám đốc Công ty Indochina Unique Tourist cho biết, đơn vị ông đang tiên phong khai thác tour tham quan, trải nghiệm ở vùng rau La Hường (quận Cẩm Lệ). Theo đó, khách sẽ được đi tham quan làng rau, đi chợ quê, thăm làng nghề bánh khô mè bà Liễu… Hiện tại, công ty muốn phát triển vùng sinh thái nông nghiệp Đà Nẵng một cách bài bản, muốn tìm kiếm những sản phẩm du lịch chưa được khai thác. Thế nhưng, do sản phẩm này còn mới nên doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn khi muốn đầu tư cơ sở vật chất vào vùng rau La Hường, bởi nơi đây hay bị ngập lụt do thấp trũng…

Theo đề xuất của đơn vị làm du lịch, để vùng rau La Hường là một điểm đến, trước mắt cần phải hợp tác đầu tư công-tư; kéo rộng không gian phục vụ du lịch về phía huyện Hòa Vang, tạo ra được những sản phẩm mới, thân thiện với cộng đồng cũng như hướng tới các thị trường khách nhất định yêu thích loại hình du lịch này như khách Âu, Mỹ, Úc. “Quan trọng hơn, điều tiên quyết để phát triển được du lịch nông nghiệp là phải lấy cộng đồng người dân địa phương làm chủ thể chính thức phát triển du lịch, chia sẻ lợi ích du lịch cho cộng đồng để phát triển du lịch bền vững, chứ không phải làm một cách ồ ạt, can thiệp thô bạo tới môi trường, phá vỡ không gian văn hóa cộng đồng địa phương.”, ông Thủy nhấn mạnh.

Cũng có ý tưởng phát triển loại hình du lịch nông nghiệp, sinh thái dành cho thị trường khách châu Âu, ông Lê Thiên Tư, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch V.E.I chia sẻ, thực tế loại hình du lịch nông nghiệp trải nghiệm như: trồng rau, trồng lúa nước, tham gia làng nghề… đã được triển khai và phát triển mạnh ở Hội An (Quảng Nam) hay Thừa Thiên Huế. So với các địa phương lân cận, thì các làng nghề ở Đà Nẵng nằm ở vị trí hơi ngược chiều so với những sản phẩm du lịch còn lại như: biển, các khu, điểm vui chơi… Những sản phẩm mang đậm bản sắc văn hóa địa phương này thường phù hợp với dòng khách ưa trải nghiệm. Đà Nẵng cũng có nhiều vùng đồng quê đẹp như thôn Phong Nam (xã Hòa Châu), thôn Túy Loan ở xã Hòa Phong, thôn Nam Yên ở xã Hòa Bắc… và có đủ điều kiện để phát triển loại hình du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp. Điều quan trọng là tạo ra được những sản phẩm du lịch độc đáo từ tiềm năng sẵn có của địa phương. Có thể hình thành các tour sinh thái đồng quê như: đạp xe đạp, chèo thuyền thúng, chèo bè, đi bộ, nấu ăn…

Theo ông Đỗ Văn Tân, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang, những năm gần đây việc sản xuất nông nghiệp được tổ chức theo quy mô lớn nên ở huyện đã xuất hiện những mô hình sản xuất mang dáng dấp công nghiệp. Các sản phẩm cũng khá đa dạng, từ lúa, dưa, rau, cây ăn trái cho đến các loại hoa có giá trị thương phẩm cao và nhiều loại được nhập ngoại khác rất mới mẻ. Những vùng sản xuất rau và hoa đã tạo nên cảnh quan nhân tạo khá đẹp mắt nên đã bắt đầu thu hút được sự chú ý của nhiều người. Một số công ty lữ hành đã tổ chức các tour trải nghiệm cho học sinh các trường phổ thông trong thành phố về thăm và thực hành trồng rau, trồng hoa… Các cơ sở sản xuất cũng bắt đầu nảy sinh ý định vừa sản xuất vừa khai thác du lịch để tăng doanh thu.

Bên cạnh đó, một số cộng đồng dân cư xóm, làng ở Hòa Vang hiện nay vẫn còn lưu giữ rất nhiều yếu tố văn hóa, làng nghề giống với các làng quê truyền thống khác. Chẳng hạn như cộng đồng người Cơ tu, ngoài việc sở hữu tài nguyên văn hóa nhân văn độc đáo, người Cơ tu còn sở hữu cảnh quan, sinh thái tự nhiên rất đẹp. Điều này đã hấp dẫn được khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế đến tham quan, trải nghiệm. Vì thế, trong những năm gần đây huyện Hòa Vang đã rất nỗ lực trong việc đầu tư hoàn thiện hạ tầng cơ bản, quảng bá và kêu gọi đầu tư, kết nối để khai thác lợi thế sinh thái tự nhiên, nhân văn để phát triển du lịch, đem lại việc làm, thu nhập cho người dân.

Việc thúc đẩy phát triển du lịch của huyện đã đạt được những kết quả bước đầu. Tiềm năng du lịch của huyện được quảng bá rộng rãi nên được nhiều công ty lữ hành, nhiều nhà đầu tư tìm đến. Thực tế, đã có một số nhà đầu tư đang triển khai đầu tư hoặc liên kết với các vùng dự án (rau sạch) để khai thác du lịch… Trong tương lai gần, huyện sẽ có thêm những khu du lịch trải nghiệm gắn với nông nghiệp được đưa vào khai thác.

Bài và ảnh: NHẬT HẠ
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.