Nhằm phát huy hiệu quả “Tọa đàm mùa Xuân” và “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” 2018, năm 2019 thành phố tiếp tục tổ chức “Tọa đàm mùa Xuân” và triển khai chủ đề “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư” nhằm tập trung phát triển các ngành kinh tế then chốt, có khả năng cạnh tranh như: dịch vụ chất lượng cao, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, nông nghiệp công nghệ cao. Báo Đà Nẵng có cuộc trao đổi với ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) thành phố (ảnh) về vấn đề cải thiện môi trường đầu tư, phát triển doanh nghiệp, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo công nghệ…
* Năm 2018, công tác quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, thu hút đầu tư đã đạt được nhiều kết quả, nhưng cũng còn tồn tại nhiều thách thức. Để tiếp tục gặt hái được nhiều thành quả lớn hơn, thành phố và Sở KH&ĐT đã có những giải pháp nào?
- Để triển khai có hiệu quả định hướng mà lãnh đạo thành phố đã xác định, ngay từ giữa cuối năm 2018, UBND thành phố và Sở KH&ĐT đã xây dựng một loạt các giải pháp cho năm 2019 và tập trung nhiều nhóm giải pháp.
Cụ thể, đối với giải pháp về quy hoạch, đầu tư cơ sở hạ tầng, trên cơ sở ý kiến thống nhất chủ trương cho chỉ định thầu tư vấn thực hiện điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Thủ tướng Chính phủ, thành phố giao Ban Quản lý (BQL) dự án đầu tư xây dựng hạ tầng và phát triển đô thị ký hợp đồng nguyên tắc với đơn vị tư vấn Sakae Holding của Singapore khẩn trương thực hiện các thủ tục để triển khai điều chỉnh quy hoạch chung.
Sở KH&ĐT đã tham mưu UBND thành phố trình HĐND thông qua Điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; đang trình Bộ Tài nguyên và Môi trường cho ý kiến đối với điều chỉnh đánh giá tác động môi trường chiến lược trước khi trình Thủ tướng phê duyệt. Trong năm 2019, sở sẽ tham mưu triển khai lập, trình phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch và lập quy hoạch thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Luật Quy hoạch sau khi Thủ tướng và Bộ KH&ĐT ban hành nghị định và thông tư hướng dẫn thi hành luật.
Trên nền các quy hoạch này, Đà Nẵng sẽ tích hợp các quy hoạch hạ tầng giao thông, hạ tầng KT-XH, đô thị một cách đồng bộ, bài bản, có phân khu rõ ràng, làm cơ sở để kêu gọi, xúc tiến đầu tư có hiệu quả; đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các công trình, dự án trọng điểm, động lực thúc đẩy phát triển KT-XH thành phố như dự án cảng Liên Chiểu, nâng công suất cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng lên 28 triệu hành khách/năm đến năm 2030; triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển cơ sở hạ tầng ngành dịch vụ logistics, trong đó tập trung nghiên cứu đề xuất đầu tư các khu logistics chuyên nghiệp: Khu logistics Hòa Nhơn (Công ty CP Cảng Đà Nẵng), khu logistics trong Khu công nghệ cao, khu logistics tại khu vực phía tây cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng và phát triển mạng lưới giao thông kết nối Trung tâm logistics...
* Ông có thể cho biết các lĩnh vực mà thành phố khuyến khích kêu gọi đầu tư cũng như việc triển khai thực hiện các vấn đề về kinh tế, cải cách hành chính, thủ tục đầu tư... trong năm nay?
- Năm 2019, thành phố có chính sách khuyến khích, kêu gọi đầu tư hình thành các sản phẩm du lịch đặc trưng, chất lượng cao, ưu tiên phát triển các dịch vụ, sản phẩm du lịch tạo nguồn thu nhập, giá trị gia tăng cao. Xây dựng chính sách hỗ trợ phát triển du lịch sinh thái và trải nghiệm văn hóa cộng đồng, phát triển điểm đến du lịch mới.
Trong năm 2019, thành phố tiếp tục cải thiện môi trường để nâng cao chất lượng thu hút đầu tư. TRONG ẢNH: Sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp Nhật Bản trong Khu công nghiệp Hòa Khánh. Ảnh: THÀNH LÂN |
Cụ thể, hỗ trợ và tạo điều kiện để nhà đầu tư sớm triển khai các dự án du lịch như: Khu du lịch nghỉ dưỡng và giải trí tổng hợp Làng Vân, Công viên Đại Dương Sơn Trà, Khu vui chơi giải trí Cocobay, sân golf Bà Nà... ; hỗ trợ nhà đầu tư hoàn thiện dự án tạo sản phẩm du lịch mới tại Công viên Châu Á, Công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài; đôn đốc sớm đầu tư xây dựng hệ thống cầu tàu (cảng Sông Hàn, cảng Thuận Phước, bán đảo Sơn Trà,…); hình thành chợ đêm và phố đi bộ đường Bạch Đằng nối dài, tích hợp bản đồ hệ thống xe buýt vào bản đồ du lịch Đà Nẵng. Thành phố triển khai thí điểm Quỹ Hỗ trợ phát triển du lịch thành phố; xúc tiến mở các đường bay quốc tế mới đến Đà Nẵng từ: Brisbane (Úc), Nga, Ấn Độ; mở văn phòng đại diện du lịch tại Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Âu...; đề xuất Chính phủ cơ chế, chính sách thí điểm liên kết phát triển du lịch 3 địa phương Thừa Thiên Huế - Đà Nẵng - Quảng Nam...
Ngoài ra, các ngành chức năng cũng sẽ rà soát bổ sung, hoàn thiện các chính sách đã ban hành theo hướng khuyến khích và ưu tiên phát triển các ngành công nghiệp - công nghệ cao (CNC), công nghiệp sạch, gắn với phát triển kinh tế biển; phát triển công nghiệp - công nghệ thông tin gắn với xây dựng nền kinh tế số. Xây dựng và phát triển Khu CNC trở thành Khu đô thị sáng tạo - khoa học - công nghệ cao đẳng cấp quốc tế theo mô hình hệ sinh thái đổi mới, sáng tạo được hình thành bởi các cụm ngành công nghiệp CNC dẫn dắt quá trình đổi mới mô hình tăng trưởng. Chú trọng hơn vào quá trình hậu xúc tiến, tập trung hỗ trợ dự án đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư triển khai hoạt động thuận lợi và có hiệu quả.
Về cơ cấu kinh tế, Đà Nẵng sẽ tiếp tục thực hiện mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi nhanh và mạnh mô hình tăng trưởng, thực hiện tốt vai trò là trung tâm kinh tế của miền Trung; tập trung phát triển các ngành dịch vụ tạo ra giá trị gia tăng cao, đặc biệt là dịch vụ du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có thương hiệu quốc tế và các ngành thương mại, tài chính - ngân hàng, giáo dục - đào tạo, y tế chất lượng cao; phát triển các ngành công nghiệp có trình độ công nghệ, giá trị gia tăng cao, thân thiện môi trường; phát triển nông nghiệp công nghệ cao phục vụ đô thị và du lịch…
Năm 2019, thành phố tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, xem đây là giải pháp quan trọng hàng đầu; công khai các quy trình, thủ tục, các cơ chế, chính sách hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp, đẩy nhanh áp dụng giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, nhà đầu tư qua mạng điện tử. Cụ thể hơn đối với giải pháp này, thành phố sẽ sớm triển khai xây dựng đề án thực hiện cơ chế “Một cửa liên thông trong đầu tư” theo chủ trương của Thành ủy và hoàn thành trong quý 1-2019. Đối với đề án này, các thông tin sẽ được công khai, minh bạch tất cả, nhà đầu tư chỉ cần liên hệ, làm việc với 1 cơ quan đầu mối của thành phố từ khâu tiếp cận thông tin, thực hiện các thủ tục pháp lý cho đến khi triển khai thực hiện dự án.
Thành phố tập trung triển khai các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, tạo môi trường thông thoáng, minh bạch, hấp dẫn để thu hút đầu tư; đặc biệt là chủ động và tích cực trong việc đa dạng hóa các hình thức đầu tư, đẩy mạnh thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào các lĩnh vực ưu tiên; duy trì và mở rộng quan hệ hợp tác với các tổ chức quốc tế, đại sứ quán các nước tại Việt Nam về xúc tiến đầu tư, thương mại, tích cực tổ chức các hội thảo xúc tiến đầu tư tại các thị trường trọng điểm như: Nhật Bản, Hàn Quốc, thị trường châu Âu, Hoa Kỳ, Singapore...
* Kết quả thu hút đầu tư năm 2018 tuy đã có những chuyển biến tích cực, nhưng con số vẫn chưa được như kỳ vọng. Theo ông, đâu là nguyên nhân?
- Nguyên nhân khách quan là do xuất phát điểm của Đà Nẵng thấp, quy mô kinh tế, dân số nhỏ; thường xuyên chịu tác động của thiên tai, bão lũ làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư; liên kết phát triển vùng giữa các địa phương trong khu vực còn hạn chế do tính tương đồng cao về lợi thế, nguồn lực, tiềm năng… Bên cạnh đó, tính cạnh tranh trong thu hút đầu tư ngày càng lớn giữa các địa phương, thành phố tương đồng trong và ngoài nước; các tiềm năng, lợi thế thiếu cơ chế chính sách đặc thù, hỗ trợ của Trung ương đối với thành phố chưa đủ mạnh, chưa tương xứng với yêu cầu và nhu cầu phát triển; nhất là việc chậm triển khai các chủ trương, nhiệm vụ và các dự án, công trình trọng điểm có ý nghĩa động lực, lan tỏa tác động trực tiếp đến sự phát triển của thành phố và cả Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, khu vực miền Trung theo Nghị quyết số 33-NQ/TW (khóa IX), Kết luận 75-KL/TW (khóa XI) của Bộ Chính trị đã đề ra. Ngoài ra, hệ thống pháp luật, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính chung của cả nước còn chồng chéo, làm ảnh hưởng lớn đến tâm lý, thời gian và nguồn lực của nhà đầu tư, doanh nghiệp đã khiến sự tăng trưởng chưa như mong đợi.
Năm 2019, thành phố sẽ tích cực hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm. Ảnh: THÀNH LÂN |
Nguyên nhân chủ quan là do tăng trưởng nóng về các lĩnh vực đô thị, dịch vụ du lịch khu vực ven biển, một số cơ sở, địa điểm sản xuất gây ô nhiễm môi trường trong một thời gian dài, trong khi công tác quy hoạch, dự báo, kể cả quy hoạch phát triển KT-XH và quy hoạch đô thị chưa đầy đủ, đồng bộ, không theo kịp yêu cầu phát triển; các lĩnh vực CNC, công nghiệp hỗ trợ của thành phố còn thiếu và tăng trưởng còn hạn chế. Tiến độ triển khai các dự án hạ tầng trọng điểm, động lực để thúc đẩy phát triển KT-XH chậm, dẫn đến tác động lan tỏa từ hiệu quả đầu tư vốn Nhà nước thấp, thu hút đầu tư còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng và làm phát sinh các vấn đề về đô thị, môi trường.
*Xin cảm ơn ông!
Bà Huỳnh Liên Phương, Phó Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư thành phố: Nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, củng cố niềm tin doanh nghiệp Đà Nẵng hiện đang tập trung thu hút đầu tư vào 3 ngành mũi nhọn gồm: CNC, công nghệ thông tin, du lịch và dịch vụ du lịch. Bằng nhiều kênh khác nhau, Đà Nẵng đang nỗ lực đưa thông tin đến doanh nghiệp và nhà đầu tư về sự thiện chí, minh bạch, công bằng trong thu hút Đối với du lịch, tuy Đà Nẵng chưa có ưu đãi đặc thù, nhưng có nguồn tài nguyên du lịch phong phú, môi trường sống trong lành, thân thiện và cơ sở hạ tầng được phát triển đồng bộ. Đà Nẵng đã và đang chứng minh là một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn nhất với doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực du lịch, bất động sản nghỉ dưỡng. Đối với lĩnh vực CNC và công nghệ thông tin, hiện thành phố Đà Nẵng ban hành một số ưu đãi đầu tư các doanh nghiệp và nhà đầu tư. Đối với Khu Công nghệ thông tin tập trung Đà Nẵng, các dự án đầu tư vào đây thuộc danh mục lĩnh vực ưu đãi đầu tư cũng có nhiều ưu tiên cụ thể. Ngoài ra, trên cơ sở các chính sách chung về ưu đãi đầu tư mà Chính phủ đưa ra và áp dụng cho một số ngành cụ thể, thành phố Đà Nẵng đã xây dựng và ban hành các chính sách hỗ trợ riêng của địa phương như: chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển công nghiệp hỗ trợ, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu phần mềm, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, xúc tiến thương mại... Ông Trần Văn Hoàng, Chánh văn phòng Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố: Hoạt động xúc tiến đầu tư ngoài nước được tăng cường Trong năm qua, nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư được thực hiện như: Phát hành bộ tài liệu quảng bá tiềm năng và cơ hội hợp tác đầu tư, thương mại và du lịch; Bản tin đầu tư, Bản tin đối ngoại, Bản tin Khu công nghệ cao, Cẩm nang đầu tư Công nghiệp Công nghệ thông tin Đà Nẵng. Thành phố tổ chức 8 đoàn đi khảo sát và xúc tiến đầu tư nước ngoài; tổ chức thành công các diễn đàn, hội thảo trong và ngoài nước. Lãnh đạo thành phố tiếp và làm việc hơn 180 đoàn nhà đầu tư từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Singapore, Australia, Đài Loan (Trung Quốc)... đến tìm hiểu, khảo sát môi trường đầu tư tại Đà Nẵng. Đà Nẵng duy trì và đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế như: Liên đoàn Sản xuất Singapore, Tập đoàn Sakae Holdings, Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO); Cơ quan Xúc tiến thương mại Hàn Quốc (KOTRA); Phòng Thương mại và Công nghiệp châu Âu (EUROCHAM); Phòng Thương mại và Công nghiệp Úc (AUSCHAM), Phòng Kinh tế - Văn hóa Đài Bắc, Cục Xúc tiến Mậu dịch Hong Kong (HKTDC), Hội đồng Thương mại Canada - Việt Nam… Các sở, ban, ngành, địa phương cũng chủ động tổ chức quảng bá, tuyên truyền thực hiện “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” trên các trang thông tin điện tử, đài truyền thanh (quận, huyện) với nhiều chuyên đề, tọa đàm, tin tức, phóng sự, trailer cổ động… khá hiệu quả. |
THÀNH LÂN thực hiện