Sau 3 năm xây dựng nền tảng, hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng vẫn còn gặp nhiều vướng mắc về đào tạo, vốn tài chính, hạ tầng… Đã đến lúc cần đi tìm lời giải cho bài toán này nếu Đà Nẵng muốn trở thành một trung tâm đổi mới - sáng tạo của cả nước.
Các sinh viên có nhu cầu tiếp cận đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp cao. Trong ảnh: Sinh viên Đại học Sư phạm – ĐH Đà Nẵng giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp tại Hội nghị và Triển lãm khởi nghiệp quốc tế SURF 2018. |
TS. Huỳnh Huy Hòa, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế- xã hội thành phố nhìn nhận, một thành phố khởi nghiệp thường trải qua 4 giai đoạn: hình thành, kích hoạt, hội nhập, tăng trưởng. Do đó, cần xác định rõ hiện Đà Nẵng đang ở giai đoạn nào.
“Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế-xã hội, hệ sinh thái khởi nghiệp của chúng ta đang ở giai đoạn hình thành, có thể trong năm 2019 sẽ chuyển sang giữa giai đoạn hình thành và giai đoạn kích hoạt. Như vậy, quan trọng nhất bây giờ là phải tạo lập một mô hình tăng trưởng hợp lý. Trong đó, có phần ngân sách của thành phố, có mạng lưới các nhà đầu tư, hệ thống không gian làm việc chung, chương trình đào tạo khởi nghiệp bài bản...”, TS Hòa nói.
Trên thực tế, những yếu tố mà TS. Huỳnh Huy Hòa chỉ ra vẫn chưa phát triển ở Đà Nẵng. Sau 3 năm, các trường đại học (ĐH), cao đẳng - nơi có nguồn lực sinh viên và hàm lượng nghiên cứu khoa học dồi dào vẫn chưa thực sự vào cuộc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp.
Bà Đinh Thị Mỹ Hạnh, Phó Ban phụ trách Học sinh - Sinh viên ĐH Đà Nẵng, cho biết: “Hiện ĐH Đà Nẵng có khoảng 55.000 sinh viên thuộc nhiều ngành học với nhu cầu tiếp cận đổi mới sáng tạo - khởi nghiệp rất cao. Song, chúng tôi lại không có đội ngũ chuyên gia về khởi nghiệp. Một số trường có câu lạc bộ khởi nghiệp, nhưng ĐH Đà Nẵng lại chưa có một không gian chung nào để liên kết nhân lực của các trường với nhau”.
Bên cạnh đó, bà Mỹ Hạnh thẳng thắn nhìn nhận việc tổ chức các cuộc thi khởi nghiệp trong khuôn khổ các trường ĐH, cao đẳng hiện chỉ mang tính nhất thời, cho nên rất ít dự án đạt giải tiếp tục con đường khởi nghiệp. Vì vậy, nên có một chương trình phối hợp giữa ĐH Đà Nẵng và Sở Khoa học và Công nghệ, từ đó tìm kinh phí và đội ngũ chuyên gia để đào tạo cho cả cán bộ và sinh viên.
Một trong những lý do khiến rất ít ý tưởng đạt giải cao trong các cuộc thi khởi nghiệp tiếp tục phát triển chính là thiếu vốn.
Anh Trương Đức Thắng, người sáng lập dự án khởi nghiệp Liberzy (lĩnh vực du lịch) cho hay: “Tôi biết một số dự án có ý tưởng, đi thi đạt giải, nhưng khi triển khai lại thiếu vốn, thậm chí chỉ thiếu 100-200 triệu đồng.” Anh Thắng đề nghị, nên chăng thành phố xây dựng quỹ vay tín chấp cho khởi nghiệp.
Thực tế cho thấy, những rủi ro cao trong khởi nghiệp khiến các dự án gặp không ít trắc trở khi tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước. Không chỉ vậy, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, đặc biệt là các tổ chức tư nhân cũng gặp khó trong việc này.
Ông Lý Đình Quân, Giám đốc Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn đề xuất Đà Nẵng có cơ chế “đặt hàng” cho các tổ chức ươm tạo khởi nghiệp để phát triển những dự án của người Đà Nẵng, phục vụ cho người Đà Nẵng.
Còn ông Phạm Bắc Bình, Giám đốc Công ty CP Bình Vinh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ Đà Nẵng khẳng định: “Nói về vốn, các doanh nghiệp Đà Nẵng không thiếu. Song, để gọi được vốn thì cần có sự quyết tâm của các nhà khởi nghiệp, gọi vốn là một kỹ năng quan trọng khi khởi nghiệp. Nếu các nhà khởi nghiệp biết cách kết nối, chia sẻ thì chắc chắn sẽ nhận được sự dìu dắt từ các doanh nghiệp đi trước…”.
Ông Bình cũng đề xuất, thành phố nên phối hợp với các doanh nghiệp để xây dựng quỹ vay tín chấp cho các dự án khởi nghiệp. Đối với các dự án gọi vốn, các doanh nghiệp sẽ chấm điểm và điều phối vốn vay tương ứng.
Bài và ảnh: KHANG NINH