Các doanh nghiệp tìm cách thích ứng với giá điện mới

.

Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh vừa ký quyết định điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và quy định giá điện từ 1.720 đồng lên 1.864 đồng/kWh (chưa gồm VAT). Như vậy, mỗi kWh tăng xấp xỉ 144 đồng, tương ứng 8,36%. Các doanh nghiệp (DN) đang tiêu thụ nhiều điện năng cho biết, dù rất lo lắng với giá điện mới nhưng vẫn chuẩn bị các giải pháp để thích ứng.

Các doanh nghiệp dù lo ngại lợi nhuận giảm nhưng chủ động tìm cách để thích ứng. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Gạch men Đà Nẵng Cosevco.                            Ảnh: MAI QUẾ
Các doanh nghiệp dù lo ngại lợi nhuận giảm nhưng chủ động tìm cách để thích ứng. TRONG ẢNH: Hoạt động sản xuất tại Công ty CP Gạch men Đà Nẵng Cosevco. Ảnh: MAI QUẾ

Ông Hoàng Văn Chiến, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Gạch men Đà Nẵng Cosevco: Tăng 8,36% giá điện là tăng thêm 1% chi phí sản xuất

Thời gian qua, doanh nghiệp chúng tôi đã ứng dụng khoa học - kỹ thuật để tiết kiệm năng lượng, như: sử dụng các loại thiết bị điện tiết kiệm điện năng, hệ thống chiếu sáng là đèn LED, compact… nhưng chi phí cho điện vẫn khá lớn. Ước tính sơ bộ, mỗi tháng, DN phải trả 1,5 tỷ đồng tiền điện, chiếm 8% chi phí sản xuất. Việc tăng giá điện đồng nghĩa thêm 1% chi phí sản xuất, nhưng giá bán sản phẩm ra thị trường thì không thể tăng được. Cuối cùng, người lao động chịu thiệt thòi (thời gian tăng lương của công nhân sẽ dài hơn, các chính sách, ưu đãi không có nhiều…)

Giá than, điện, xăng dầu được xác định theo đúng giá thị trường sẽ tạo sự cạnh tranh sòng phẳng, góp phần minh bạch nền kinh tế để nền kinh tế có lãi thực, không còn tình trạng lãi, lỗ ảo. Công ty chú trọng đến việc triển khai ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa vào sản xuất kinh doanh. Điều này không chỉ giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và đảm bảo chất mà còn tiết kiệm điện trong sản xuất.

Ông Nguyễn Liêm, Giám đốc Công ty TNHH MTV Cơ khí - Mạ Đà Nẵng: Giá điện tăng tất yếu giá sản phẩm sẽ tăng

Bình quân một năm, công ty sử dụng khoảng 300-350 triệu đồng tiền điện, chiếm 10% chi phí sản xuất. Việc tăng giá điện lên 8,36% thì tính ra công ty phải trả thêm hóa đơn điện “tháng 13”. Hiện tại, tất cả mọi chi phí đầu vào qua rà soát đều tăng lên qua các năm: tiền nước, bảo hộ lao động, bảo hiểm, nguyên vật liệu, chi phí vận chuyển… ; đặc biệt có những khoản tăng gấp 2 lần như chi phí bảo trì máy móc. Tuy nhiên, tiền lương của người lao động và các khoản phúc lợi không thể giảm mà vẫn phải giữ nguyên để giữ chân người lao động.

DN chúng tôi đành chấp nhận lãi ít; đồng thời, sau khi xem xét thị trường thì sẽ có sự điều chỉnh giá thành sản phẩm cho phù hợp với chi phí đều tăng như hiện nay. Về việc tăng giá điện vào thời điểm hiện tại, tôi cho rằng, sau 2 năm thì điện tăng giá cũng là tất yếu vì xăng, dầu và than đều tăng.

Ông Hà Minh Quân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Khánh An chuyên gia công thép: Doanh nghiệp phải chủ động tiết kiệm điện

Chi phí tiền điện chiếm 5% trong giá thành sản phẩm của công ty tôi, nay giá điện tăng chắc chắn chi phí sản xuất tăng, tác động đến giá hàng hóa. Trong bối cảnh không thể tăng giá bán sản phẩm thì lợi nhuận của DN sẽ giảm. Chính vì vậy, DN buộc phải chủ động tính toán để đầu tư vào các loại máy móc hiện đại ngay từ đầu, cụ thể như sử dụng động cơ điện và máy hàn 3 pha. Cùng với đó, DN đã bố trí lại lịch làm việc, sắp xếp máy móc thuận tiện, khoa học hơn, tận dụng tối đa lượng ánh sáng mặt trời vào sản xuất để tiết kiệm điện năng, không để tình trạng động cơ vận hành mà năng suất thấp.

MAI QUẾ thực hiện

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.