Đầu tư giống, công nghệ mới vào sản xuất

.

Việc mạnh dạn đầu tư giống, công nghệ mới vào sản xuất nông nghiệp tại huyện Hòa Vang bắt đầu từ những năm 2015, 2016, đặc biệt là sau khi UBND huyện ban hành đề án “Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nhằm tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nông nghiệp phục vụ đô thị đến năm 2020”.

Vùng trồng rau công nghệ cao tại xã Hòa Ninh. (Ảnh do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cung cấp)
Vùng trồng rau công nghệ cao tại xã Hòa Ninh. (Ảnh do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang cung cấp)

Anh Nguyễn Hữu Thịnh- chủ đầu tư cơ sở rau Tân An rộng 3ha (thuộc vùng rau Phú Sơn Nam, xã Hòa Khương) cho biết, đây là cơ sở sản xuất rau hữu cơ sạch, ứng dụng công nghệ sản xuất nhà lưới, hệ thống tưới nhỏ giọt, tự chế tạo các chế phẩm vi sinh để bón cho rau. Từ khi đầu tư đến nay, mỗi năm sản xuất được chừng 2-3 vụ, doanh thu gần 500 triệu đồng/ha/vụ. Lợi nhuận thu được cả vườn có thể trên 1 tỷ đồng/năm.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa Vang, đối với lĩnh vực sản xuất rau quả, từ năm 2017, huyện đã đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các nhà kính sản xuất rau, củ, quả các loại tại thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh và thôn Đông Lâm, xã Hòa Phú cùng với mô hình rau thủy canh tại nhà kính Hòa Ninh.

Việc thành lập Hợp tác xã Rau hoa củ quả Hòa Vang nhằm điều hành hoạt động sản xuất, tiêu thụ rau tại 2 mô hình này hiệu quả và được cấp chứng nhận sản xuất theo quy trình VietGap. Đến nay, tại 2 vùng này thường xuyên sản xuất các loại giống rau, quả mới như dưa lưới, dưa Taki, dưa Kim hồng ngọc giống Hà Lan, ớt chuông, xà lách mỡ, romaine, lolo xanh, tím, cải bó xôi, cải ngọt... Hiện đã có hơn 10,5 ha diện tích đất sản xuất rau chuyên canh được ứng dụng công nghệ.

Trong khi đó, cơ sở trồng hoa ứng dụng công nghệ cao của anh Nguyễn Ngọc Chương tại xã Hòa Ninh, dù mới sản xuất chưa đầy năm, nhưng vụ hoa Tết vừa qua đã giúp anh xuất ra thị trường 7.000 chậu hoa các loại với doanh thu đạt 400 triệu đồng. Do hạn chế về vốn nên vườn hoa của anh Chương hiện tại có quy mô chỉ 6.000m2, với số vốn đầu tư ban đầu 800 triệu đồng. Anh Chương cho biết, nhờ ứng dụng công nghệ nhà lưới nên tiết kiệm được một số chi phí mà năng suất vẫn bảo đảm.

Đối với lĩnh vực sản xuất lúa, từ năm 2013, huyện đưa vào khảo nghiệm mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả và đến nay tiếp tục nhân rộng mô hình sản xuất này. Đặc biệt, từ năm 2018, huyện bắt đầu đưa vào khảo nghiệm giống lúa mới J02 và HN6 trên địa bàn xã Hòa Châu, cho năng suất tốt, được thị trường ưa chuộng. Vì vậy, trong thời gian tới, những giống lúa mới này sẽ được nghiên cứu đưa vào cơ cấu giống lúa của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Lý, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, việc mạnh dạn áp dụng giống mới, kỹ thuật cao trong nông nghiệp huyện Hòa Vang không chỉ được áp dụng đối với lúa, rau quả, hoa, nấm... Trên lĩnh vực chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, huyện mạnh dạn lựa chọn, đầu tư có trọng điểm. Nổi bật có thể kể đến mô hình gà thả vườn an toàn sinh học tại xã Hòa Bắc quy mô bước đầu 600 con, do 3 hộ trên địa bàn xã mạnh dạn đầu tư; mô hình đầu tư cải tạo chất lượng đàn bò 175 con bò cho 6 hộ dân tại 4 xã Hòa Phú, Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương... Trong nuôi trồng thủy sản, ngành nông nghiệp huyện áp dụng các giống cá mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất như cá leo, cá thác lác, cá dìa, cua thương phẩm... tại thôn Trường Định, xã Hòa Liên; thực hiện các mô hình nuôi thủy sản nước ngọt theo hướng an toàn sinh học cho các hộ dân tại thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong.

Cũng theo ông Lý, giống mới cùng ứng dụng công nghệ đã giúp việc sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thời gian qua được tiến hành quanh năm, sản phẩm cho năng suất, chất lượng cao, góp phần giải quyết một số lao động, tăng thu nhập cho địa phương. Một số mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ trong sản xuất trên địa bàn tuy chỉ mới phát triển bước đầu nhưng đã đạt kết quả khá tốt, phù hợp với điều kiện tự nhiên, khí hậu và tiềm năng lợi thế của huyện.

Tuy nhiên, việc ứng dụng giống, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, đòi hỏi người nông dân phải có kỹ thuật sản xuất, được tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ; kinh phí đầu tư lớn dẫn đến tâm lý e ngại đầu tư, sợ rủi ro; một số mô hình sản xuất còn manh mún, thiếu ổn định. Nhiều hộ nông dân bày tỏ nguyện vọng được hỗ trợ hơn nữa về nguồn vốn vay để có thể mở rộng sản xuất, cung ứng lượng sản phẩm dồi dào và ổn định hơn cho thị trường.

“Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp huyện sẽ tiếp tục nghiên cứu, đưa vào sản xuất các giống mới có năng suất, chất lượng cao, tập trung vào các loại rau ăn lá, rau ăn quả, lúa hữu cơ, nấm ăn, cây ăn quả...; xem xét áp dụng các kỹ thuật canh tác mới trong sản xuất nông nghiệp như thủy canh, trồng cây trên các loại giá thể mới; tiếp tục ứng dụng các công nghệ mới trong sản xuất như hệ thống nhà màng, nhà kính, nhà lưới, tưới nhỏ giọt, tưới tự động, tưới phun sương. Đồng thời, huyện đẩy mạnh kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn huyện”, ông Nguyễn Văn Lý khẳng định.

THANH TÂN

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
khóa điện tử yale vinlockDịch vụ GPU Cloud Server hiệu năng cao in hộp giấy Chọn mẫu Máy in 3D Giá rẻ đẹp Giá iphone 16 pro internet viettel chất lượng và độ ổn định
.
.
.