Phát triển công nghiệp phụ trợ: Tín hiệu khởi sắc

.

Theo quy hoạch phát triển công nghiệp thành phố giai đoạn 2011-2020, công nghiệp phụ trợ được coi là một trong những mũi nhọn ưu tiên hàng đầu, nhưng trên thực tế ngành công nghiệp này vẫn còn nhiều hạn chế.

Sản xuất tại Xí nghiệp chế biến lâm sản Hòa Nhơn, Hòa Vang. Ảnh: KHÁNH HÒA
Sản xuất tại Xí nghiệp chế biến lâm sản Hòa Nhơn, Hòa Vang. 

Bước sang năm 2019, những chuyển biến đã bắt đầu rõ nét khi song hành với việc đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án sản xuất công nghệ cao, du lịch, dịch vụ y tế…, Đà Nẵng thúc đẩy nhanh việc kêu gọi các nhà đầu tư uy tín trên cả nước cũng như địa phương tham gia tích cực vào lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Tín hiệu tích cực đầu tiên có thể kể đến là việc Công ty CP Long Hậu khởi công xây dựng nhà xưởng cho thuê nằm trong Khu Công nghệ cao (CNC) Đà Nẵng với tổng vốn đầu tư khoảng 1.050 tỷ đồng. Trong đó, nhà xưởng tập trung thu hút các doanh nghiệp (DN) sản xuất phụ trợ CNC. Đây chính là những nhà cung ứng cho các DN sản xuất tại Khu CNC Đà Nẵng. Khi dự án được lấp đầy sẽ thu hút khoảng 120 DN phụ trợ với tổng vốn đầu tư (của số lượng nhà đầu tư thứ cấp này) khoảng 1,1 tỷ USD; đồng thời tạo khoảng 8.000 việc làm cho lao động địa phương.

Tại lễ công bố dự án, Công ty CP Long Hậu đã ký kết thỏa thuận giữ nhà xưởng đầu tiên với Công ty TNHH Hatsuta Seisakusho (Nhật Bản), quy mô đầu tư hơn 60 tỷ đồng, sử dụng diện tích 6.000m2 nhà xưởng xây sẵn để triển khai Nhà máy sản xuất thiết bị chữa cháy CNC đầu tiên ở Việt Nam. Sự tham gia của nhà đầu tư cung cấp dịch vụ phụ trợ như Công ty CP Long Hậu góp phần thúc đẩy phát triển mạnh mẽ hoạt động công nghiệp phụ trợ và sự phát triển của Khu CNC Đà Nẵng

Ông Trần Hồng Sơn, Tổng Giám đốc Công ty CP Long Hậu cho rằng, sự quyết tâm của lãnh đạo thành phố trong thu hút đầu tư cũng như kết quả đạt được trong thời gian qua là động lực quan trọng, mở ra hướng phát triển mạnh mẽ cho công nghiệp phụ trợ tại Đà Nẵng. Trước những tiềm năng của thành phố, công ty sẽ tiếp tục đầu tư các dự án khu công nghiệp phụ trợ và khu công nghiệp Hòa Ninh với tổng diện tích 400ha, tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng. Khi được lấp đầy, dự án là môi trường sản xuất của khoảng 200 DN; tạo ra 25.000 việc làm và đóng góp hằng năm khoảng 2 tỷ USD vào kim ngạch xuất nhập khẩu của Đà Nẵng.

Các nhà đầu tư khi triển khai dự án tại Đà Nẵng không chỉ có nhu cầu về nhà xưởng mà còn kèm theo nhiều nhu cầu khác về các khu chức năng có đầy đủ tiện ích nhà ở, giải trí, nhà trẻ, khu mua sắm… để phục vụ đội ngũ cán bộ, chuyên gia cao cấp sinh sống và làm việc. Đơn cử, Tập đoàn Universal Alloy (UAC, Hoa Kỳ) - chủ đầu tư dự án sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Sunshine bày tỏ mong muốn thành phố hỗ trợ tập đoàn trong việc thuê đất nhằm xây dựng một khu nhà ở cho đội ngũ chuyên gia khi sang Đà Nẵng làm việc.

Là một trong những DN Đà Nẵng đầu tiên nhanh nhạy nắm bắt cơ hội hợp tác với các nhà đầu tư vào Đà Nẵng, Công ty CP Kỹ thuật xây dựng Dinco đã trở thành nhà thầu xây dựng các hạng mục công trình của dự án Sản xuất linh kiện hàng không vũ trụ Shunshine.

Ông Lê Trường Kỹ, Chủ tịch Dinco Group chia sẻ: “Chúng tôi phải đáp ứng rất nhiều yêu cầu khắt khe về kỹ thuật, uy tín và năng lực tài chính để trở thành đối tác của họ. Tôi tin rằng, trong tương lai gần, với làn sóng đầu tư mới này, DN Đà Nẵng sẽ có nhiều cơ hội tham gia cung ứng các dịch vụ phụ trợ cho những nhà đầu tư lớn”.

Trong khi đó, ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế kỳ vọng, khi các dự án lớn về du lịch được triển khai, công ty sẽ có thêm cơ hội hợp tác trở thành nhà cung cấp các sản phẩm về quế như: dép, lót giày, gói thơm hương quế… Trước những cơ hội mới, ông Sơn mong muốn được hỗ trợ giải quyết vướng mắc về đất mở rộng nhà xưởng, mở rộng năng lực sản xuất để có thể đáp ứng nhu cầu của những nhà đầu tư mới.

Ông Phạm Trường Sơn, Phó ban Quản lý Khu CNC và các khu công nghiệp Đà Nẵng cho biết, việc phát triển CNC không thể tách rời sự phát triển của các ngành công nghiệp hỗ trợ. Trên thực tế, các DN sản xuất CNC, đặc biệt là các DN quy mô lớn và sử dụng nhiều chi tiết cấu thành sản phẩm rất cần các nhà cung cấp đi kèm. Về quy hoạch, Khu CNC Đà Nẵng dành riêng một phân khu chức năng để phát triển công nghiệp phụ trợ với diện tích 30,76ha để tạo sự kết nối giữa các DN CNC và các DN phụ trợ CNC. Ngoài ra, thành phố đã quy hoạch khu phụ trợ phục vụ Khu CNC (ngay liền kề với Khu CNC) với diện tích 102ha và đang xây dựng hạ tầng kỹ thuật.

Với làn sóng đầu tư mới, công nghiệp phụ trợ trên địa bàn thành phố có nhiều cơ hội để phát triển.
Với làn sóng đầu tư mới, công nghiệp phụ trợ trên địa bàn thành phố có nhiều cơ hội để phát triển.

Ban Quản lý Khu CNC và các khu công nghiệp Đà Nẵng đang kêu gọi đầu tư vào các dự án xây dựng khu nhà ở trong Khu CNC với tổng mức đầu tư dự kiến 842 tỷ đồng nhằm cung cấp nhà ở tiện nghi, hiện đại cho người lao động, chuyên gia và nhà khoa học nghiên cứu làm việc tại đây. Loại hình nhà ở này gồm: biệt thự cao cấp, nhà liền kề có sân vườn và chung cư chất lượng cao.

Bên cạnh đó, Ban Quản lý cũng kêu gọi đầu tư dự án xây dựng Trung tâm Dịch vụ Khu CNC Đà Nẵng với tổng mức đầu tư dự kiến 316 tỷ đồng, cung cấp các dịch vụ phục vụ cho công việc và sinh hoạt của người lao động, chuyên gia và các nhà khoa học. Khi những dự án này triển khai và đi vào hoạt động sẽ hoàn thiện tốt hơn hạ tầng cơ sở, các dịch vụ phụ trợ đi kèm, đáp ứng tốt nhất các nhu cầu của những nhà đầu tư vào Đà Nẵng.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA
 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.