Dịch tả lợn châu Phi và giá xăng ổn định khiến CPI giảm

.

Cùng với quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán, dịch tả lợn châu Phi bùng phát ở 20 địa phương phía Bắc và sự chủ động điều hành giá xăng dầu đã làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3-2019 giảm 0,21% so với tháng trước.

Giá hàng hóa, thực phẩm sau Tết giảm góp phần giúp giảm CPI. Ảnh: H. Dương
Giá hàng hóa, thực phẩm sau Tết giảm góp phần giúp giảm CPI. Ảnh: H. Dương

So với cùng kỳ năm trước, CPI tháng 3 vẫn tăng 2,7%. Tính chung quý I năm 2019, CPI bình quân tăng 2,63% so với cùng kỳ năm 2018 - đây là mức tăng bình quân quý I thấp nhất trong 3 năm gần đây.

Theo số liệu được Tổng cục Thống kê công bố sáng 29-3, trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng có chỉ số giá giảm.

Cụ thể: hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,42%; may mặc, mũ nón và giày dép giảm 0,17%; văn hóa, giải trí và du lịch giảm 0,09%; đồ uống và thuốc lá giảm 0,08%; bưu chính viễn thông giảm 0,07%; hàng hóa và dịch vụ khác giảm 0,04%; thiết bị và đồ dùng gia đình giảm 0,03%.

Có 4 nhóm tăng gồm: Giao thông tăng 2,22%; Nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 0,78%; Thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,03%; Giáo dục tăng 0,01%.

Ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho biết, các nguyên nhân làm giảm CPI tháng 3 năm 2019 là nhu cầu tiêu dùng sau Tết giảm khiến giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống giảm từ 0,75% đến 5,3% so với tháng trước, đặc biệt giá thịt lợn giảm 5,3% do ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi.

Điều này làm chỉ số giá nhóm Hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm 1,42%, góp phần giảm CPI chung 0,51%. Giá rau tươi cũng giảm 1,53% do thời tiết thuận lợi nên sản lượng rau tươi dồi dào và nhiều chủng loại.

Giá vé tàu hỏa giảm 14,4% do Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giảm giá vé sau dịp Tết Nguyên đán. Giá vé ô tô khách giảm 5,22% do một số đơn vị kê khai tăng giá trước Tết, tháng 3-2019 giảm trở về giá cũ.

Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu dùng về hàng hoá, dịch vụ của người dân sau Tết Nguyên đán giảm nên giá các mặt hàng may mặc, mũ nón, giầy dép, đồ uống, thuốc lá trở về mặt bằng giá trước Tết Nguyên đán.

So sánh CPI tháng 3 và CPI quý I trong các năm gần đây. Nguồn: Tổng cục Thống kê
So sánh CPI tháng 3 và CPI quý I trong các năm gần đây. Nguồn: Tổng cục Thống kê

Ngoài những yếu tố giúp giảm CPI thì cũng có một số yếu tố làm tăng CPI tháng 3 năm 2019 như giá gas tăng 4,88% do các doanh nghiệp trong nước điều chỉnh giá từ ngày 1-3-2019, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,2%; giá điện bình quân tăng 8,36% từ ngày 20-3-2019.

Theo ông Nguyễn Bích Lâm, việc tăng giá điện chưa ảnh hưởng nhiều vào giá điện trong tháng 3/2019 nên chỉ số giá điện sinh hoạt tháng 3-2019 chỉ tăng 0,33% so với tháng trước.

Để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, liên Bộ Công Thương - Tài chính đã tăng xả quỹ bình ổn giá xăng dầu để giữ ổn định mặt hàng này trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng. Nhờ đó, giá xăng dầu và giá điện không tăng cùng thời điểm, tránh tác động mạnh đến CPI tháng này.

Theo Báo Tin tức

;
;
.
.
.
.
.