Gói 5.000 tỷ đồng liệu có đủ lực đẩy lùi tín dụng đen?

.

Để chương trình giải ngân đẩy lùi tín dụng đen có hiệu quả cao, ngành Ngân hàng cần có những chính sách, điều kiện cụ thể để trong quá trình thực hiện.

Theo số liệu thống kê của Bộ Công an, trong 4 năm trở lại đây, cả nước có 7.624 vụ phạm tội liên quan đến tín dụng đen, gồm 56 vụ giết người, 398 vụ gây thương tích, 629 vụ cướp tài sản, 836 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.809 vụ lừa đảo, 3.581 vụ lạm dụng tín nhiệm, 165 vụ hủy hoại tài sản… Trong đó có 170 vụ lừa đảo, lạm dụng liên quan đến việc huy động vốn với lãi suất cao, số tiền chiếm đoạt lên đến hàng nghìn tỷ đồng.

Trước thực trạng tín dụng đen diễn biến phức tạp như hiện nay, Chính phủ chỉ đạo phải triển khai các biện pháp quyết liệt để ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen. Theo đó, nếu người dân tiếp cận được tín dụng qua kênh chính thức khi có nhu cầu vốn, với thủ tục, hồ sơ đơn giản thì sẽ không phải tìm đến tín dụng đen.

Trước mắt, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) được yêu cầu nghiên cứu triển khai gói tín dụng khoảng 5.000 tỷ đồng hỗ trợ cho vay tiêu dùng với thủ tục, hồ sơ nhanh gọn, có thể sáng vay, chiều giải ngân với khoản vay không quá 30 triệu đồng, lãi suất hợp lý nhằm đáp ứng nhu cầu cấp thiết và chính đáng của người dân.

Các gói vay tiêu dùng, cho vay đối tượng thu nhập thấp được khuyến khích không chỉ ở nông thôn, vùng sâu vùng xa mà cả ở đô thị, các khu công nghiệp - khu chế xuất nhằm đáp ứng nhu cầu vốn của nhiều đối tượng khách hàng.

Đẩy lùi tín dụng đen là yêu cầu rất cấp thiết hiện nay.
Đẩy lùi tín dụng đen là yêu cầu rất cấp thiết hiện nay.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng, đẩy lùi tín dụng đen là yêu cầu rất cấp thiết hiện nay, tuy nhiên, làm sao để giải pháp này được thực hiện hiệu quả lại là điều đáng bàn.

Theo TS. Nguyễn Minh Phong, việc triển khai chương trình 5.000 tỷ là nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm góp phần đẩy lùi vấn nạn tín dụng đen… Bản chất của gói tín dụng này nhằm hỗ trợ, bổ sung lượng tín dụng giá rẻ, tạo điều kiện thuận lợi cho người có nhu cầu vay chính đáng.

Tuy nhiên, tính khả thi của chương trình này đến đâu phụ thuộc vào nguồn vốn mà NHNN dành cho Ngân hàng Agribank thực hiện cũng như phụ thuộc vào khả năng vốn của Ngân hàng chính sách và các điều kiện để tiếp cận nguồn vốn này.

Ông Phong đánh giá, về cơ bản, tính khả thi của chương trình này khá cao, bởi ước tính, tín dụng đen đang cho vay khoảng 2.500 tỷ đồng, như vậy, gói 5.000 tỷ sắp được triển khai có thể đủ khả năng phủ lượng cầu lớn của thị trường tín dụng đen. Tất nhiên phải loại trừ nhu cầu không chính đáng của một số đối tượng như: vay nóng để đánh đề, đầu cơ, chứng khoán hoặc làm những việc khác mang tính rủi ro cao.

“Để chương trình giải ngân đẩy lùi tín dụng đen có hiệu quả cao, Ngân hàng Nhà nước nên có những chính sách, điều kiện cụ thể để trong quá trình thực hiện, ngân hàng không vướng phải sự vướng mắc, cản trở nào”, ông Phong nói.

Còn theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, thực chất đây là hoạt động kinh doanh tiền tệ, do đó phải đi theo tiêu chuẩn và chuẩn mực của ngân hàng. Gói hoạt động theo chương trình tín dụng thì phải nhắm đúng đối tượng, điều kiện, tiêu chuẩn.

“Ngoài ra, việc thiết kế dòng tín dụng cần đa dạng hơn, tích cực hơn, có lợi hơn cho người dân tiếp cận, nhất là những người có nhu cầu chính đáng. Hệ thống luật pháp nhận diện tín dụng đen cũng phải đầy đủ hơn. Cùng với đó, Công an, các ngành chức năng cần vào cuộc chặt chẽ, quyết liệt hơn trong việc cảnh báo cũng như ngăn chặn kịp thời nạn tín dụng đen”, ông Ngô Trí Long cho hay.

Một số ý kiến khác thì cho rằng, về nguyên tắc, điều kiện vay càng dễ thì rủi ro càng tăng. Gói 5.000 tỷ đồng là gói vay tín chấp, người vay được giải ngân rất nhanh, nếu họ không trả được nợ hoặc dính vào vòng lao lý lúc đang gánh khoản vay thì ngân hàng sẽ rất khó xử lý. Để gói tín dụng này hoạt động hiệu quả, hạn chế rủi ro, ngân hàng phải thẩm định kỹ.

Người đi vay có thể không có dòng tiền ổn định nhưng phải chứng minh được dòng tiền trả nợ. Gói vay này ra đời nhằm giúp người dân tiếp cận nguồn vốn ngân hàng mà không cần tài sản thế chấp, do đó, ngân hàng cần có công cụ hữu hiệu để thu hồi vốn.

Thông tin từ Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) cho hay, trong thời gian chờ đợi Chính phủ ban hành chính sách mới về tín dụng đối với hộ mới thoát nghèo theo hướng mở rộng đối tượng cho vay, hạn chế các hộ dân tìm đến nguồn tín dụng đen, Agribank đã và đang có những hoạt động góp phần ngăn chặn và đẩy lùi nạn tín dụng đen.

Theo đó, một trong những giải pháp quan trọng để đẩy lùi nạn tín dụng đen là phải giải quyết tận gốc vấn đề “khát vốn” của người dân; tăng khả năng tiếp cận vốn của người dân là một cách hữu hiệu để giảm tín dụng đen.

Agribank cũng đã tích cực cải cách các thủ tục hành chính để khách hàng có thể tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một cách nhanh gọn, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay. Nếu như trước đây khách hàng phải tìm đến ngân hàng để được vay vốn thì giờ đây, ngân hàng đã chủ động tìm đến khách hàng để giúp khách hàng thực hiện các thủ tục vay vốn.

Đồng thời, đơn vị này còn triển khai mạnh mẽ dịch vụ ngân hàng lưu động trên toàn quốc, để những khách hàng vùng sâu vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cũng có cơ hội tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

Theo VOV

 

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.