Một số bạn trẻ có ý tưởng khởi nghiệp rất tốt nhưng khi bắt tay thực hiện lại gặp hạn chế dẫn đến thất bại. Không có mẫu số chung cho việc chuyển từ ý tưởng thành hiện thực, song những người đã khởi nghiệp đều nhận ra một điều: “Hãy cứ mạnh dạn thử khi có thể”.
Tại diễn đàn Khởi nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo, các bạn trẻ chia sẻ từ ý tưởng đến hiện thức hóa con đường khởi nghiệp. |
Đó cũng là chia sẻ rất thật của các bạn trẻ tại diễn đàn Khởi nghiệp du lịch đổi mới sáng tạo 2019 do Trung tâm Ươm tạo khởi nghiệp Sông Hàn (Songhan Incubator-SHi) vừa tổ chức.
Mang đến diễn đàn dự án “Sách chuyền tay”, anh Phạm Ngọc Hoàng Huy nhớ lại, ban đầu ý tưởng này khá đơn giản, chỉ là thực hiện trao đổi sách, chủ yếu giữa các bạn trẻ vì anh nhận thấy hầu như nhà nào cũng có những quyển sách nhàn rỗi, nếu được tổng hợp lại sẽ rất nhiều.
Sau một tháng nghiên cứu thị trường với 1.600 sinh viên và những người thích đọc sách, Phạm Ngọc Hoàng Huy nhận thấy kết quả khá tích cực. Anh cũng tìm hiểu nguyên do một số mô hình sách đưa từ nước ngoài về vận dụng trong nước nhưng bị “chết yểu” nên càng quyết tâm nghiên cứu mô hình “Sách chuyền tay” sao cho phù hợp thực tế. Khó khăn lớn nhất của mô hình này là vấn đề kỹ thuật vì nhóm khởi nghiệp đều là những người làm về quản trị, điều hành.
Sau 8 tháng vận hành trực tuyến, “Sách chuyền tay” nhận được sự khích lệ từ cộng đồng. Dự án đã phục vụ được khoảng 25 triệu lượt khách du lịch; khoảng 8.000 lượt người thích đọc sách; đồng thời ra mắt trang web “Sách chuyền tay”. Điều đặc biệt ở dự án này là mỗi người dân đều có thể chung tay đóng góp để giá trị của mỗi cuốn sách được chuyền đi và trở nên hữu ích hơn.
Trong khi đó, anh Trần Đức Huy, Trưởng nhóm dự án Tourist Master chia sẻ: “Từ kinh nghiệm đúc kết sau những ngày tháng đi làm và cả đi du lịch của chính mình, tôi nhận thấy khách du lịch thường gặp rất nhiều khó khăn khi đi tự túc, nhất là ra nước ngoài. Dự án Tourist Master ra đời với mong muốn những người yêu thích du lịch có thể làm chủ chuyến đi của mình trong việc chuẩn bị, sắp xếp lịch trình khoa học, tiết kiệm thời gian và chi phí tối ưu nhất”.
Tourist Master hướng tới giá trị hợp tác Win-Win, trong tương lai, dự án mong muốn trở thành “Google thu nhỏ” cho những người đi du lịch. Mô hình này cũng kỳ vọng phù hợp với nhiều thị trường khác nhau, gần nhất là Đông Nam Á.
Điều phối của dự án Trevelcells Vũ Thảo Anh lại bày tỏ, là một nhân sự hỗ trợ khởi nghiệp, cũng là người mong muốn được khởi nghiệp, sau các chuyến khảo sát ở nhiều địa phương, nhóm dự án nhận thấy Việt Nam rất giàu tài nguyên để làm du lịch, đặc biệt là các làng nghề. Mỗi làng nghề đều có giá trị kinh tế tiềm năng và nhiều nghệ nhân giỏi, sản phẩm hay nhưng vấn đề lớn nhất là các làng nghề không tự phát triển được.
Travelcells giúp xây dựng hệ sinh thái đầy đủ, cung cấp các dịch vụ để làng nghề tương tác với khách du lịch và đưa sản phẩm ra thị trường. Vấn đề hạn chế lâu nay trong việc phát triển các làng nghề là công tác truyền thông không hiệu quả. Vì vậy, Travelcells xây dựng nền tảng tìm đối tác hỗ trợ nhau để khai thác tốt du lịch cộng đồng, kết nối các đơn vị cung cấp dịch vụ, du lịch để du khách thuận tiện nhất khi đến với các làng nghề.
Giám đốc Songhan Incubator Lý Đình Quân nhìn nhận, những người khởi nghiệp thường gặp khó khăn về nguồn lực ban đầu. Về cơ bản, các bạn trẻ đã biết ứng dụng công nghệ để tăng hiệu quả kinh doanh. Nếu được hỗ trợ, các mô hình khởi nghiệp này có thể trở thành những dự án phát triển tốt, nhất là những dự án về du lịch, vì lĩnh vực này đang cần thêm nhiều sản phẩm độc đáo, hấp dẫn khách du lịch.
Bài và ảnh: SONG KHUÊ