Hợp tác đào tạo nhân lực ngành du lịch: Đôi bên cùng lợi

.

Nhân lực ngành du lịch đang thiếu hụt là bài toán của những địa phương có tốc độ phát triển du lịch nhanh như Đà Nẵng. Trong đó, vai trò của các bên trong việc hợp tác, đào tạo cho đúng, trúng với nhu cầu là rất cần thiết.

Bản thân người lao động phải nỗ lực học để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.  Trong ảnh: Một nhân viên bếp đang chuẩn bị món ăn.
Bản thân người lao động phải nỗ lực học để đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp. Trong ảnh: Một nhân viên bếp đang chuẩn bị món ăn.

Tính đến hết năm 2018, Đà Nẵng có tổng số 785 cơ sở lưu trú với 35.615 phòng (tăng 92 cơ sở với 6.835 phòng so với cùng kỳ năm 2017); toàn thành phố có 331 đơn vị kinh doanh lữ hành (tăng 37 đơn vị so với năm 2017)... Với tốc độ phát triển du lịch như vậy, nhu cầu về nhân lực ngành du lịch là rất lớn. Vì thế, các cơ sở và doanh nghiệp (DN) đều đã tìm đến nhau và đưa ra các giải pháp phù hợp.

Qua tìm hiểu, một số trường cao đẳng, đại học, đặc biệt là các trường cao đẳng nghề trên địa bàn thành phố, đã từng bước thay đổi, tiến gần hơn với DN để cùng bắt tay hợp tác với mong muốn có được đội ngũ lao động biết làm nghề khi ra trường.

Theo ThS Lê Đức Trung, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng, khoảng cách giữa các đơn vị đào tạo và người sử dụng đào tạo là có. Nguyên nhân chủ yếu là phía các đơn vị đào tạo không phải đào tạo nhân lực cho một DN cụ thể, mà đào tạo cho nhiều DN nên học viên được học theo một chương trình chuẩn chung. Từ đó, mỗi DN khi tuyển dụng sẽ phải cân nhắc, lựa chọn và đào tạo cho phù hợp với yêu cầu của cá nhân, đơn vị.

Với lý do trên, hai năm nay Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng đã có những thay đổi phù hợp với thực tế, đó là trường đã xây dựng bộ chuẩn đầu ra của 7 nghề mà trường đang đào tạo. Song song đó, trường còn ký kết hợp tác với gần 50 đối tác là các khu nghỉ dưỡng (resort), khách sạn từ 3-5 sao, các đơn vị lữ hành để gửi sinh viên (SV) thực tập trong quá trình học; đồng thời, thường xuyên trao đổi với phía DN để biết được nhu cầu thực tế của các DN cần gì ở lao động. Từ đó, nhà trường có những điều chỉnh cho phù hợp trong quá trình giảng dạy.

Đơn cử như các DN thường thiếu hụt nhân lực vào mùa cao điểm khách du lịch từ tháng 3 đến tháng 11 hằng năm, thì thay vì chỉ cho SV đi thực tập vào cuối mỗi khóa học, nhà trường sẽ sắp xếp lịch học phù hợp để các em được đi thực tập vào dịp DN cần. “Vào mùa cao điểm khách, DN rất cần lao động, SV đến thực tập, thì SV mình sẽ được thực hành nghề, được trực tiếp tham gia vào công việc các em dự định làm sau này”, ThS Lê Đức Trung chia sẻ.

Chính nhờ những thay đổi trong tư duy đào tạo nghề này mà trong những năm gần đây, khoảng 85-90% học viên của Trường Cao đẳng Du lịch Đà Nẵng ra trường có việc làm ngay. Theo lý giải của ThS Lê Đức Trung, trong quá trình học, SV sẽ có 2 lần thực tập (một lần 3 tháng và một lần 4,5 tháng), nhiều SV đã biết được tính chất công việc và biết làm nghề, DN thấy phù hợp thì sẽ giữ các em ở lại làm việc luôn. Các ngành nghề trong lĩnh vực du lịch chủ yếu là làm dịch vụ nên mình chủ động thay đổi để đào tạo phù hợp với nhu cầu cũng là điều tất yếu.

TS. Trương Sỹ Quý, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Kinh tế, Đại học Đà Nẵng cũng cho rằng, hiện nay các trường cao đẳng, đại học đều có những ký kết, hợp tác với các DN lưu trú, lữ hành. Trong quá trình đào tạo, SV sẽ có nhiều thời gian thực hành nghề hơn trước. Hạn chế chủ yếu hiện nay của nhân lực du lịch ngành khách sạn chính là trình độ ngoại ngữ. Do đó, bản thân người lao động phải nỗ lực để đáp ứng được nhu cầu của DN.

Thực tế cho thấy, mỗi DN đều có những yêu cầu khác nhau, nhất là những vị trí quan trọng như trưởng bộ phận, quản lý… Người quản lý ngoài ngoại ngữ tốt còn cần các kỹ năng khác như: quản lý tiết kiệm, tối ưu trong sử dụng lao động… nên nhiều quản lý giỏi thường được các đơn vị, DN mời gọi về làm khiến đội ngũ nhân lực luôn bị thiếu hụt.

“Do đó, để giữ chân lao động, các DN nên dùng các chế độ đãi ngộ, phúc lợi xã hội, môi trường làm việc tốt để giữ chân lao động; đồng thời cũng cần tạo ra các việc làm mới, cơ hội mới để nhân viên phát triển bản thân, có cơ hội thăng tiến và gắn bó lâu dài”, TS. Trương Sỹ Quý phân tích.

Không chỉ ở phía nhà trường, bản thân các DN cũng có những động thái nhất định trong việc nâng cao chất lượng cho đội ngũ lao động của mình. Nhiều năm nay, Công ty CP Du lịch và Tiếp thị Giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) - Chi nhánh Đà Nẵng là đối tác thường xuyên của một số các trường cao đẳng, đại học đào tạo du lịch trên địa bàn thành phố. Không chỉ tiếp nhận SV thực tập, tham gia các buổi chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm về nghề, công ty còn thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn ngắn hạn để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ hướng dẫn viên của công ty.

Mới đây, Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitour) cũng đưa vào hoạt động Trung tâm Đào tạo du lịch Việt Nam Vitour để đào tạo một số những lĩnh vực của ngành du lịch. Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (Vitour) cho biết, do nhu cầu thực tế nhân lực của công ty luôn cần đội ngũ lao động có tay nghề, vì thế trung tâm được thành lập để chủ động tạo nguồn lao động có chất lượng cao, đáp ứng ngay công việc cho các đơn vị của DN. Sau đó là đào tạo, cung ứng nguồn nhân lực du lịch chất lượng, đạt chuẩn theo tiêu chuẩn Kỹ năng nghề quốc gia - VTOS cho ngành du lịch nói chung.

Theo đánh giá của cả phía nhà trường và DN, việc hợp tác này không chỉ đem lại lợi ích cho đôi bên mà cho chính bản thân các học viên là lao động sau này. Học và thực hành nghề một cách nghiêm túc sẽ giúp các học viên ra trường sớm trở thành lao động lành nghề. Trong năm 2019, Sở Du lịch thành phố cũng sẽ ban hành Kế hoạch nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch năm 2019; tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng, bổ sung hướng dẫn viên và hướng dẫn viên tại các thị trường đông khách như Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... để nâng cao chất lượng của nhân lực ngành du lịch nói chung.

Bài và ảnh: THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.