ĐNO - Trong khuôn khổ "Tọa đàm Liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học công nghệ" diễn ra sáng 30-3, bên cạnh các báo cáo tổng quan về thực trạng và khả năng cung ứng nguồn nhân lực, thực trạng đổi mới khoa học và công nghệ của thành phố, chia sẻ về nhu cầu lao động của doanh nghiệp, còn có 3 phiên chuyên đề tập trung vào một số ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng.
Các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo thảo luận, đề xuất sôi nổi tại các phiên tọa đàm. Trong ảnh: Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh chủ trì tọa đam kết nối cung - cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực ICT và dịch vụ du lịch. Ảnh : THU HÀ |
Tại đây, các cơ sở đào tạo, chuyên gia, doanh nghiệp tập trung thảo luận, đưa ra các giải pháp, ý kiến xoay quanh những vấn đề trọng tâm này.
Phiên chuyên đề tọa đàm Kết nối cung - cầu nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và dịch vụ du lịch diễn ra sôi nổi dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh. Theo đó, các đại biểu tập trung thảo luận xoay quanh vấn đề kết nối cung – cầu nguồn nhân lực của hai ngành trọng điểm là công nghệ thông tin và du lịch.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu Việt Anh, Đại học Đà Nẵng đề xuất, chính quyền thành phố nên có một diễn đàn, nơi các cơ sở đào tạo gặp gỡ với các giám đốc nhân sự hay các chuyên gia nhân sự của các công ty dịch vụ. Thực tế, các cơ sở đào tạo hiện nay đều rất nỗ lực đưa doanh nghiệp đến gần với nhà trường hơn, nhưng để đáp ứng được nhu cầu thực tế thì nhà trường và doanh nghiệp phải cùng bắt tay nhau hợp tác.
Bà Hương dẫn chứng, để có một đội ngũ nhân sự tốt thì mọi thông tin phải “trong”, tức là phải rõ ràng. Nên có một nơi cung cấp các thông tin để sinh viên nắm bắt và tự đánh giá được năng lực của mình đến đâu, có phù hợp với vị trí đó của doanh nghiệp hay không và doanh nghiệp cũng biết được tình hình mặt bằng chung của nhân sự như thế nào.
Ông Nguyễn Minh, Tổng thư ký Hội Khách sạn Đà Nẵng cho rằng, nhà trường nên cung cấp những cái doanh nghiệp đang cần chứ không nên cung cấp những cái mà nhà trường đang có. Đơn cử, như việc giảng dạy ứng dụng công nghệ thông tin của nhà trường cho sinh viên trong công việc thực tế chưa theo kịp xu thế của 4.0. Nếu khi hỏi sinh viên ngành du lịch mới ra trường về các phần mềm sử dụng cho ngành thì hầu như không biết, đây chính là cái thiếu sót; hoặc kỹ năng xử lý tình huống phàn nàn của khách trên thực tế hầu như không có…
Kết luận tại phiên chuyên đề, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh đánh giá cao sự chú trọng quan tâm và nỗ lực của các sở, ngành, các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và các đơn vị liên quan trong thời gian qua đã có sự phối hợp chặt chẽ để phát triển nguồn nhân lực cho thành phố. Phó Chủ tịch Lê Trung Chnh đề nghị các sở, ngành, đặc biệt các cơ sở đào tạo, doanh nghiệp chủ động tăng cường triển khai các giải pháp, nhiệm vụ, hướng tới mục tiêu kết nối cung - cầu nguồn nhân lực lĩnh vực ICT và dịch vụ du lịch thực sự bền chặt và hiệu quả; đặc biệt chú trọng triển khai xây dựng cơ chế phối hợp giữa 3 bên Nhà nước, cơ sở đào tạo và doanh nghiệp để phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam chia sẻ các khó khăn trong tuyển dụng lao động hiện nay. Ảnh: KHANG NINH |
Tại phiên tọa đàm chuyên đề Kết nối cung - cầu nguồn nhân lực lĩnh vực sản xuất, ông Phạm Trường Sơn, Phó Ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) cho biết, tính đến tháng 3-2019, số lao động làm việc tại Khu CNC và các KCN là hơn 77.400 người. Mỗi năm, trong giai đoạn 2015-2019, số lao động trong các KCN tăng khoảng 1,5%.
Theo ông Sơn, năng suất lao động thực tế ngành công nghiệp thành phố đạt khoảng 126 triệu đồng/người/năm. Phần lớn lao động tại Khu CNC và các KCN là lao động phổ thông, chưa qua đào tạo. Sau khi được tuyển dụng, các lao động sẽ tham gia các khóa đào tạo ngắn hạn do doanh nghiệp tổ chức. Song, ngay cả sau khi được đào tạo, kỹ năng làm việc của nhiều lao động phổ thông cũng chưa đáp ứng yêu cầu của công việc. Trong khi đó, đa số lao động có chuyên môn kỹ thuật khi được tuyển dụng vẫn phải được doanh nghiệp đào tạo lại, bổ sung kỹ năng mới.
Ông Sơn chỉ ra, một điểm yếu khác của nhiều lao động tại các KCN là ý thức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp chưa cao. Do đó, sự biến động lao động của các doanh nghiệp KCN chủ yếu là do người lao động tự ý bỏ việc, chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác, từ KCN này sang KCN khác.
Tại tọa đàm, nhiều doanh nghiệp bày tỏ khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự. Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (KCN Hòa Khánh) cho biết, hiện nay có tình trạng cạnh tranh mạnh mẽ lao động giữa các doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Việc tuyển dụng qua các trung tâm giới thiệu việc làm cũng không hiệu quả. Công ty Daiwa Việt Nam từng nhiều lần kết nối với các trường đại học, cao đẳng để tìm kiếm nhân sự, nhưng không thành công vì các trường chưa có bộ phận chuyên trách, làm đầu mối thực hiện công việc này.
Đại diện Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng (KCN Hòa Khánh) mong muốn, nhà trường phối hợp với doanh nghiệp tổ chức các khóa học ngắn hạn tại doanh nghiệp; qua đó giúp sinh viên và giảng viên nắm bắt tốt hơn nhu cầu thực tế của doanh nghiệp, các xu hướng công nghệ mới…
Các Trường Đại học Bách khoa (Đại học Đà Nẵng), Đại học Kiến trúc, Đại học Sư phạm Kỹ thuật, cho biết, sẵn sàng phối hợp với doanh nghiệp để giúp các sinh viên ra trường có việc làm, đáp ứng được nhu cầu nhà tuyển dụng. PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa đề nghị doanh nghiệp trở thành “một bộ phận” của nhà trường, trực tiếp tham gia vào đào tạo chứ không chỉ dừng ở khái niệm “hỗ trợ” chung chung. Trong khi đó, các cơ quan chức năng thành phố cần xây dựng bản đồ nhân sự, dự báo các biến động lao động trong các ngành nghề kinh tế mũi nhọn của thành phố hiện nay.
Đại diện Đại học Đà Nẵng đề xuất giải pháp cho việc nghiên cứu, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ, cụ thể là một mô hình kết nối cung - cầu giữa các trường đại học của thành phố và miền Trung; bên cạnh đó, tăng cường hợp tác giữa Đại học Đà Nẵng với doanh nghiệp và thành phố trong việc phát triển không gian sáng tạo và khởi nghiệp.
Về phía các nhà khoa học, đại diện Viện Nghiên cứu thủy lợi miền Trung - Tây Nguyên nêu các khó khăn như việc cung cấp nước cho các khu vực vùng sâu vùng xa Hòa Bắc, Hòa Ninh hay tận dụng nguồn lực của địa phương…; đồng thời nêu giải pháp như sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, ứng dụng kỹ thuật.
Theo ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, cần có thêm quỹ hỗ trợ mang tính “mạo hiểm” (không hoàn lại) cho những dự án khoa học; kết hợp với việc đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Phát biểu kết luận phiên tọa đàm, Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên cho biết, trong thời gian tới, lãnh đạo thành phố sẽ có cuộc họp chuyên đề, giao các sở, ngành quyết liệt xây dựng và triển khai kế hoạch hành động giải bài toán nhân lực. Các cơ quan chức năng cần tăng cường truyền thông về nhu cầu lao động qua các phương tiện thông tin đại chúng. Theo đó, việc hướng nghiệp phải được thực hiện ngay từ bậc học phổ thông, không chỉ đối với học sinh mà còn cả phụ huynh.
Các cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền thành phố ký kết thỏa thuận hợp tác. Ảnh: MAI QUẾ |
Tại phiên Liên kết phát triển Khoa học và Công nghệ giữa cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền thành phố, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, cần có một “địa chỉ” để kết nối “3 nhà” gồm nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp.
Ông Đặng Việt Dũng cho rằng, để gỡ bỏ rào cản về nhận thức và cơ chế, chính sách thì cần sự tham gia của các nhà khoa học, các doanh nghiệp. Cụ thể, các trường đại học là xây dựng một chương trình đào tạo tiếp cận với thị trường, tăng kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho sinh viên. Các doanh nghiệp hỗ trợ khởi nghiệp để góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thành phố.
Tọa đàm đi đến ký kết thỏa thuận hợp tác giữa đại diện các cơ sở giáo dục đại học với cộng đồng doanh nghiệp và chính quyền thành phố nhằm hướng tới giải quyết những yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, của thành phố và các nhà khoa học cũng kịp thời nắm bắt được những vấn đề mới.
THU HÀ – KHANG NINH – MAI QUẾ