Thị trường là vấn đề sống còn của doanh nghiệp

.

Doanh nghiệp (DN) muốn bán được sản phẩm phải tiếp cận và mở rộng thị trường. Thị trường càng lớn, sản phẩm càng có cơ hội tiêu thụ cao, tạo ra lợi nhuận cho DN để đóng góp vào ngân sách Nhà nước, giải quyết việc làm…; ngược lại, nếu thị trường hẹp, DN sẽ khó phát triển. Trong bối cảnh cạnh tranh như hiện nay, thị trường càng đóng vai trò quyết định tới sự sống còn của DN.

Hội chợ là kênh thông tin tìm kiếm thị trường hiệu quả của các doanh nghiệp. Ảnh: Xuân Duyên
Hội chợ là kênh thông tin tìm kiếm thị trường hiệu quả của các doanh nghiệp. Ảnh: Xuân Duyên

* Ông Lê Trung Thảo, Giám đốc Xí nghiệp chế biến gỗ Vinafor Đà Nẵng: Doanh nghiệp cần  thông tin để mở rộng thị trường

Việt Nam đã chính thức thông qua Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP); tuy nhiên, thông tin đăng tải trên các trang web của thành phố để DN có thể vào tra cứu chưa nhiều, nhất là các quy định về xuất xứ hàng hóa. Thị trường xuất khẩu chính của chúng tôi vẫn là Mỹ.

Trong tương lai gần, để mở rộng hoạt động sản xuất-kinh doanh, chúng tôi muốn tìm kiếm các thị trường mới trong khu vực cũng như các nước tham gia Hiệp định CPTPP. Bên cạnh đó, chúng tôi mong muốn được thành phố hỗ trợ cho đơn vị trong việc triển khai các vùng trồng nguyên liệu theo hướng DN đầu tư và làm đầu ra cho sản phẩm do người dân trồng. Với nhu cầu tăng quy mô, năng suất lao động, đơn vị cũng mong được quan tâm trong việc mở rộng khu vực nhà xưởng, xưởng sản xuất.

Diện tích nhà xưởng hiện nay đã bộc lộ hạn chế và cản trở việc gia tăng đơn hàng của đơn vị khi không bảo đảm đủ lượng hàng cung cấp cho thị trường.

* Ông Hà Minh Quân, Giám đốc Công ty TNHH MTV Hoàng Khánh An (chuyên gia công thép): Thị trường bị thu hẹp bởi cạnh tranh không lành mạnh

Từ sau Tết Kỷ Hợi đến nay, chi phí phôi thép đầu vào tăng khiến nhiều DN thép gặp khó khăn, trong khi giá thép thành phẩm không tăng tương ứng. Tình trạng cung vượt cầu vẫn tiếp diễn dẫn tới sự cạnh tranh giữa các nhà sản xuất nhằm duy trì thị phần.

Đặc biệt, có tình trạng lực lượng đầu cơ thu gom từ lúc thép còn rẻ nên giá thép thành phẩm giảm, ảnh hưởng tiêu cực đến giá bán của các DN sản xuất chính quy và kéo lợi nhuận sụt giảm. Do đó, Nhà nước cần xem xét hỗ trợ DN ngành thép xây dựng các biện pháp như điều tra chống bán phá giá một số mặt hàng thép trong nước đã sản xuất được nhằm bảo vệ các nhà sản xuất. Ngoài ra, hỗ trợ các DN khắc phục những tồn tại từ công nghệ lạc hậu, tiêu hao nguyên nhiên liệu.

* Ông Trần Ngọc Việt, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ ThingsChanging: Cần nhiều hội chợ, triển lãm giới thiệu hàng hóa Việt

Hiện công ty chúng tôi có hai dòng sản phẩm chính là máy công nghệ cao plasma và đồ chơi, thiết bị giáo dục STEM (khoa học - công nghệ - kỹ thuật - toán học). Đối với dòng sản phẩm máy công nghệ cao plasma, chúng tôi hướng đến khách hàng là các công ty, xưởng sản xuất quy mô nhỏ thông qua phương thức bán hàng trực tiếp, tiếp thị qua mạng xã hội. Riêng sản phẩm đồ chơi và thiết bị giáo dục STEM, ThingsChanging xác định đây là sản phẩm cao cấp, do đó việc tiếp cận thị trường được đầu tư kỹ lưỡng hơn.

Đối với thị trường trong nước, công ty thường tìm đến các đơn vị phân phối sản phẩm cùng ngành; tham dự các hội chợ, triển lãm kết nối hàng Việt; tham dự các ngày hội sách của thành phố; truyền thông trên mạng xã hội.

Đối với thị trường xuất khẩu, công ty tìm kiếm thông tin các đơn vị qua trang thương mại điện tử của Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Thương mại), tham dự các hội chợ xuất khẩu... Sắp tới, ThingsChanging sẽ quảng bá sản phẩm tại Hội chợ Lifestyle Việt Nam 2019 do Hiệp hội Xuất khẩu hàng thủ công Mỹ nghệ Việt Nam tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh.

Đà Nẵng nên xây dựng tạp chí về thông tin các ngành nghề sản xuất của thành phố; trong đó, các DN có thể giới thiệu thông tin sản phẩm, ngành nghề...

Đây sẽ là tài liệu cung cấp cho khách tham quan tại các hội chợ xúc tiến thương mại quốc tế, vì các chương trình triển lãm kết nối hàng Việt đóng vai trò quan trọng trong việc cung cấp cho DN các thông tin, nền tảng kiến thức để phát triển kinh doanh. Thành phố nên tiếp tục tổ chức và mở rộng quy mô của các chương trình này, tạo điều kiện cho DN kết nối với thị trường rộng mở.

* Bà Trần Thị Kim Bình, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hương Quế: Sớm thông tin, hướng dẫn DN thực thi các hiệp định thương mại

Thị trường tiêu thụ các sản phẩm của công ty chúng tôi nói riêng và DN Việt Nam nói chung rộng mở, được hưởng lợi rất nhiều từ các nguyên tắc, điều khoản của Hiệp định CPTPP và các hiệp định thương mại tự do (FTA).

Vấn đề là đưa những thuận lợi đó đến sớm cho DN nắm bắt và thực hiện. Vì thế, cần có thông tin và sự chuyển giao kịp thời cho DN, có thể bằng văn bản hoặc tốt hơn là Sở Công thương và Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tại Đà Nẵng triển khai tập huấn theo từng nhóm hàng để nhanh chóng hướng dẫn cho DN tiếp cận, nâng cao hiệu quả thuận lợi mang lại.

Mặt khác, các nhóm hàng bị ảnh hưởng nhiều thì cần có những cảnh báo, khuyến cáo, lời khuyên, hướng dẫn. Một vấn đề đáng quan ngại là nhiều lãnh đạo DN Đà Nẵng nói riêng và Việt Nam nói chung đã trên 40 tuổi nên không thể có trình độ, năng lực tốt như doanh nhân của các nước phát triển, do đó việc tiếp cận, khai thác các thuận lợi sớm là rất quan trọng.

Chúng tôi mong muốn Bộ Công thương, VCCI và Sở Công thương cần sớm thông tin, khuyến cáo, hướng dẫn chi tiết cho DN nắm bắt các lợi thế và bất lợi từ các hiệp định nói trên để sớm tiếp cận, triển khai thực hiện.

Nhóm PV ghi

;
;
.
.
.
.
.