THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 43-NQ/TW

Cộng đồng doanh nghiệp sát cánh cùng thành phố

.

Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn 2045 đưa Đà Nẵng bước vào giai đoạn phát triển mới, hướng đến mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, phát triển năng động… Để góp phần hiện thực hóa các mục tiêu này, cộng đồng doanh nghiệp (DN), doanh nhân đóng vai trò tiên phong trong xây dựng và phát triển thành phố.

Đầu tư phát triển cảng biển để thúc đẩy dịch vụ logistics.
Đầu tư phát triển cảng biển để thúc đẩy dịch vụ logistics.

Ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Đà Nẵng: Đà Nẵng là điểm đến của dòng vốn đầu tư lớn trong và ngoài nước

Cùng với vị thế của đất nước ngày càng nâng lên trên trường quốc tế, sự thành công từ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, thành phố Đà Nẵng đang là điểm đến hấp dẫn về du lịch cũng như thu hút vốn đầu tư. Trong bối cảnh đó, Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển Đà Nẵng càng tăng sức hút cũng như tạo động lực thúc đẩy phát triển cho thành phố.

Với mục tiêu nghị quyết nêu ra như: xây dựng Đà Nẵng trở thành “vùng đô thị động lực của khu vực miền Trung”, là trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo, tài chính - ngân hàng…, cộng đồng DN đóng vai trò hết sức quan trọng. Chính họ là những người góp phần trực tiếp hiện thực hóa nghị quyết này cùng thành phố. Đặc biệt, những mục tiêu được nêu rõ cũng góp phần giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước và cộng đồng DN thành phố nhận diện được cơ hội từ những định hướng mang tính chiến lược này nhằm đưa ra kế hoạch đầu tư và phát triển phù hợp.

Cộng đồng DN, doanh nhân mong muốn thành phố ngoài tập trung đầu tư, hoàn thiện “hạ tầng cứng” là cảng biển, sân bay…, cần tiếp tục có những bước đột phá trong “nâng cấp hạ tầng mềm” thông qua việc đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất, hiệu quả để DN, nhà đầu tư khi thực hiện các thủ tục hành chính, tiếp cận dịch vụ công với tính minh bạch cao nhất, thời gian thấp nhất. Thành phố hướng tới nền hành chính hiện đại, thông minh thông qua việc ứng dụng rộng rãi việc thực hiện thủ tục hành chính trực tuyến ở các cơ quan, trước mắt tập trung vào những lĩnh vực có nhu cầu cao, được xác định còn nhiều phiền hà, khó khăn cho DN, người dân.

Năm 2019 được Đà Nẵng xác định là “Năm tiếp tục đẩy mạnh thu hút đầu tư”, cũng là năm khởi đầu quan trọng trong triển khai thực hiện Nghị quyết số 43-NQ/TW với mục tiêu xuyên suốt là tập trung gỡ vướng cho các dự án trọng điểm để nhanh chóng triển khai, đồng thời đẩy mạnh thu hút vào công nghệ cao và dịch vụ chất lượng cao. Đây được xem một “mũi tên” nhắm tới nhiều đích khi vừa khơi thông dòng vốn đầu tư, vừa giúp thực hiện định hướng quy hoạch phát triển của thành phố - là cách để sớm gia tăng quy mô GRDP, số lượng DN có quy mô lớn... Điều này gián tiếp tạo cơ hội phát triển cho các DN nhỏ và vừa, khu vực kinh tế tư nhân đang được nhìn nhận là một trong những động lực quan trọng của nền kinh tế và là khu vực tạo nhiều việc làm nhất.

Ông Lê Minh Phúc, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Du lịch biển VinaCapital, Phó Chủ nhiệm CLB FDI Đà Nẵng: Doanh nghiệp phải thay đổi để tận dụng tốt cơ hội

Từ Nghị quyết số 43-NQ/TW, chúng tôi kỳ vọng Đà Nẵng sẽ được tháo gỡ nhiều vướng mắc, nhất là những sai phạm cũ liên quan đến vấn đề đất đai sẽ được giải quyết dứt điểm để thành phố bứt phá trong xây dựng và phát triển. Bên cạnh đó, nghị quyết mới với những mục tiêu được nêu lên một cách rõ nét một lần nữa khẳng định vai trò đầu tàu của Đà Nẵng trong khu vực miền Trung. Điều này hết sức thuận lợi khi các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ có niềm tin để mạnh dạn rót vốn, còn doanh nghiệp địa phương cũng được quan tâm hơn.

Tôi cho rằng, trong thời gian tới, địa danh Đà Nẵng sẽ được nhắc đến nhiều hơn, là địa điểm hấp dẫn để thu hút các sự kiện trong nước và quốc tế. Nghị quyết số 43-NQ/TW ra đời là động lực để Đà Nẵng bước vào một giai đoạn phát triển mới với những mục tiêu cao hơn, xa hơn. Trong bối cảnh đó, những DN như chúng tôi bắt buộc phải thay đổi để phù hợp và bắt kịp tốc độ phát triển cũng như tận dụng tốt các cơ hội. Tuy nhiên, để thực hiện hóa nghị quyết này, thành phố còn rất nhiều việc cần làm, trong đó chúng tôi mong muốn thành phố tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, chuyên nghiệp hóa trong bộ máy hành chính.

Ông Phạm Bắc Bình, Giám đốc Công ty CP Bình Vinh, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV thành phố Đà Nẵng: Cần bảo đảm quỹ đất phục vụ sản xuất

Chúng tôi rất phấn khởi khi Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu trở thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bảo đảm cho một thành phố biển năng động, đầy sức cạnh tranh, hiện đại ở tầm khu vực và quốc tế. Đà Nẵng cũng sẽ trở thành trung tâm du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ ở khu vực và là trung tâm hội nghị quốc tế; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh của khu vực và cả nước; một động lực phát triển của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung-Tây Nguyên…

Tất cả các mục tiêu, đích đến đó đều có bóng dáng của các DN, doanh nhân, những người sẽ chung tay góp sức để hoàn thành. Chúng tôi mong muốn chung tay cùng thành phố để phấn đấu xây dựng một Đà Nẵng phát triển nhanh, mạnh mẽ hơn. Để mục tiêu và tầm nhìn trên trở thành hiện thực, Đà Nẵng cần một không gian rộng hơn, một nguồn quỹ đất phục vụ cho sản xuất; nâng cao chất lượng điều chỉnh quy hoạch chung và xét đến vấn đề quy hoạch mở rộng không gian địa lý để Đà Nẵng bứt phá và phát triển.
 

HOÀNG LINH ghi
 

;
;
.
.
.
.
.