Đà Nẵng có thể giải quyết vấn đề nguồn nhân lực chất lượng cao, đặc biệt trong các lĩnh vực mũi nhọn như: công nghệ thông tin, du lịch, khoa học công nghệ... bằng việc kết nối và hợp tác giữa doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và nhà nghiên cứu. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của thành phố cần xây dựng định hướng chung, xác lập “bản đồ” nhân sự của từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí phát biểu khai mạc tọa đàm. Ảnh: KHANG NINH |
Đó là những ý kiến được nêu tại tọa đàm “Liên kết phát triển nguồn nhân lực và đổi mới khoa học-công nghệ” do UBND thành phố tổ chức vào sáng 30-3.
Tham dự có Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng, các Phó Chủ tịch UBND thành phố Trần Văn Miên, Lê Trung Chinh và gần 300 đại biểu đến từ các sở, ngành, trường đại học, cao đẳng, cơ sở đào tạo nghề, DN...
Phát biểu khai mạc tọa đàm, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí nhấn mạnh, Đà Nẵng xác định nguồn nhân lực là một trong những yếu tố then chốt nhằm tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư và phát triển kinh tế - xã hội. Đà Nẵng có nguồn lao động dồi dào (chiếm 55% dân số), chỉ số “Chất lượng đào tạo lao động” trong bảng xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) tăng dần qua các năm.
Song, chất lượng nguồn nhân lực Đà Nẵng vẫn còn nhiều hạn chế; tỷ lệ lao động đã qua đào tạo thấp, ít lao động tay nghề cao. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn, DN phải tốn nhiều thời gian và nguồn lực để đào tạo lại sau tuyển dụng.
Ngoài ra, hệ thống thông tin thị trường lao động chưa phản ánh khách quan, kịp thời, chưa mang tính dự báo tốt. “Sợi dây” liên kết giữa DN và các trường đại học, cơ sở nghiên cứu chưa chặt chẽ; do đó, tính ứng dụng của nhiều nghiên cứu khoa học chưa cao, chưa được DN biết đến hoặc ứng dụng.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí khẳng định, thời gian tới, Đà Nẵng triển khai chương trình phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tập trung vào các lĩnh vực mũi nhọn, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Thành phố cũng sẽ rà soát, hoàn thiện chính sách nhập cư; nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học; thực hiện liên thông, minh bạch thị trường lao động.
Trong khuôn khổ tọa đàm diễn ra 3 phiên chuyên đề, tập trung bàn thảo nguồn nhân lực cho một số lĩnh vực kinh tế mũi nhọn của thành phố.
2 điểm yếu của lao động phổ thông
Đối với lĩnh vực sản xuất, ông Phạm Trường Sơn, Phó ban Quản lý Khu Công nghệ cao (CNC) và các khu công nghiệp (KCN) cho biết, tính đến tháng 3-2019, số lao động làm việc tại Khu CNC và các KCN Đà Nẵng là hơn 77.400 người.
Mỗi năm trong giai đoạn 2015 - 2019, số lao động trong các KCN tăng khoảng 1,5%. Theo ông Sơn, năng suất lao động thực tế ngành công nghiệp thành phố đạt khoảng 126 triệu đồng/người/năm. Phần lớn lao động phổ thông tại Khu CNC và các KCN có 2 điểm yếu: chưa qua đào tạo hoặc đã qua đào tạo nhưng vẫn chưa đáp ứng tốt yêu cầu công việc; ý thức nghề nghiệp, tác phong chưa cao.
Nhiều DN bày tỏ khó khăn trong việc tuyển dụng nhân sự. Ông Nguyễn Văn Phu, Giám đốc Công ty TNHH Daiwa Việt Nam (KCN Hòa Khánh) cho hay, hiện nay có tình trạng cạnh tranh mạnh mẽ lao động giữa các DN trong nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài. Việc tuyển dụng qua các trung tâm giới thiệu việc làm cũng không hiệu quả.
Ông Phu chia sẻ, Công ty Daiwa Việt Nam từng nhiều lần kết nối với các trường đại học, cao đẳng để tìm kiếm nhân sự, song không thành công vì các trường chưa có bộ phận chuyên trách làm đầu mối thực hiện công việc này.
Đại diện Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng (KCN Hòa Khánh) mong muốn nhà trường phối hợp với DN tổ chức các khóa học ngắn hạn tại DN; qua đó giúp sinh viên và giảng viên nắm bắt tốt hơn nhu cầu thực tế của DN, các xu hướng công nghệ mới…
Trong khi đó, ông Hồ Sỹ Tân, Phó Giám đốc Công ty Kad Industrial (KCN Hòa Khánh) đề nghị, thành phố nên tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa, dịch vụ cho người lao động tại các KCN, bởi đây là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu để “giữ chân” người lao động.
Đại diện các trường: Đại học Bách khoa, Đại học Sư phạm Kỹ thuật (Đại học Đà Nẵng), Đại học Kiến trúc Đà Nẵng cho biết, nhà trường sẵn sàng phối hợp với DN trong công tác đào tạo, giúp sinh viên (SV) ra trường có việc làm, đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng.
PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Hiệu trưởng Trường Đại học Bách khoa đề nghị DN trở thành “một bộ phận” của nhà trường, trực tiếp tham gia vào đào tạo chứ không chỉ dừng ở khái niệm “hỗ trợ” chung chung. Trong khi đó, các cơ quan chức năng thành phố cần xây dựng bản đồ nhân sự, dự báo các biến động lao động trong các ngành nghề kinh tế mũi nhọn của thành phố hiện nay.
Nhân lực CNTT và du lịch phải mang tính toàn cầu
Đối với lĩnh vực du lịch và CNTT, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh khẳng định, nguồn nhân lực là yếu tố quyết định sự phát triển của hai ngành này. Do đó, yêu cầu nhân lực CNTT và du lịch phải mang tính toàn cầu, hội nhập quốc tế sâu rộng như: biết ngoại ngữ, làm việc nhóm, nắm bắt kịp nhu cầu, thị hiếu của khách hàng. Nhân sự hoạt động ở các khâu của dịch vụ du lịch quyết định việc tăng số ngày lưu trú của khách. Nhân lực CNTT dồi dào sẽ thu hút đầu tư, tạo ra các sản phẩm mới chất lượng cho cộng đồng.
Bà Nguyễn Thị Mỹ Hương, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh (Đại học Đà Nẵng) đề xuất, chính quyền thành phố nên có một diễn đàn, nơi các cơ sở đào tạo gặp gỡ các giám đốc nhân sự hay chuyên gia nhân sự của các công ty dịch vụ. Các cơ sở đào tạo đều rất nỗ lực đưa DN đến gần với nhà trường nhưng để đáp ứng được nhu cầu thực tế thì nhà trường và DN phải cùng hợp tác.
Bà Hương dẫn chứng, để có một đội ngũ nhân sự tốt thì mọi thông tin phải “trong”, tức phải rõ ràng. Nên có một nơi cung cấp thông tin để SV nắm bắt và tự đánh giá được năng lực bản thân đến đâu, có phù hợp với vị trí của DN hay không. DN cũng biết được tình hình mặt bằng nhân sự như thế nào.
Nhân lực ngành công nghệ thông tin ngoài chuyên môn giỏi còn phải có khả năng nắm bắt công nghệ mới, có kỹ năng mềm. TRONG ẢNH: Các kỹ sư phần mềm làm việc tại Công ty TNHH MTV Tư vấn giải pháp công nghệ thông tin Toàn Cầu Xanh. Ảnh: KHANG NINH |
Ông Lê Trí Hải, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Đà Nẵng, thành viên Hiệp hội Phần mềm Đà Nẵng gợi ý, chính quyền địa phương có thể xây dựng cơ sở dữ liệu về nguồn nhân lực giống như một cổng thông tin; qua đó các cơ sở giáo dục - đào tạo có thể cập nhật danh sách và thông tin cơ bản của SV để DN tham khảo. Nếu cơ sở đào tạo có SV cần đi thực tập thì nên cung cấp danh sách đó để DN có thể nắm bắt.
Trong khi đó, ông Nguyễn Minh, Tổng Thư ký Hội Khách sạn Đà Nẵng cho rằng, nhà trường nên cung cấp những cái DN đang cần chứ không nên cung cấp những cái đang có. Đơn cử, việc giảng dạy ứng dụng CNTT hiện chưa theo kịp xu thế cách mạng công nghiệp 4.0. Khi hỏi sinh viên ngành du lịch mới ra trường về các phần mềm sử dụng trong ngành thì hầu như các em không biết; hoặc kỹ năng xử lý tình huống phàn nàn của khách trên thực tế hầu như không có.
Gỡ bỏ rào cản về nhận thức và cơ chế, chính sách
Trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng nêu ý kiến, để gỡ bỏ rào cản về nhận thức và cơ chế, chính sách, cần sự tham gia của các nhà khoa học và DN. Cụ thể, các trường đại học xây dựng chương trình đào tạo tiếp cận với thị trường, tăng kỹ năng ngoại ngữ và kỹ năng mềm cho SV. Trong khi đó, các DN hỗ trợ khởi nghiệp để góp phần phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo của thành phố.
Đại học Đà Nẵng đề xuất giải pháp nghiên cứu, đào tạo nhân lực và chuyển giao công nghệ, cụ thể là mô hình kết nối cung - cầu giữa các trường đại học của thành phố và miền Trung. Bên cạnh đó, Đại học Đà Nẵng với DN và thành phố cũng cần tăng cường hợp tác để phát triển không gian sáng tạo và khởi nghiệp.
Theo ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố, cần có thêm quỹ hỗ trợ mang tính “mạo hiểm” (không hoàn lại) cho những dự án khoa học; kết hợp với việc đơn giản hóa các thủ tục hỗ trợ cho DN.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh: Phải có cơ chế phối hợp giữa chính quyền, trường học và doanh nghiệp Cần đặc biệt chú trọng triển khai xây dựng cơ chế phối hợp giữa 3 bên: Nhà nước, cơ sở đào tạo và DN để phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới. Do đó, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Du lịch phối hợp chặt chẽ với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội triển khai có hiệu quả đề án “Phát triển nguồn nhân lực cho các ngành kinh tế mũi nhọn của thành phố”; đồng thời, tham mưu UBND thành phố bổ sung nội dung và đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù để phát triển nguồn nhân lực lĩnh vực CNTT, du lịch vào Kế hoạch của UBND thành phố về triển khai Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Văn An: 4 lời giải trọng tâm cho bài toán nhân lực Cần tập trung vào 4 giải pháp để bảo đảm cung ứng nguồn nhân lực tại Đà Nẵng. Thứ nhất, cần ứng dụng CNTT trong quản lý, dự báo nhu cầu lao động đối với các ngành, lĩnh vực mà thành phố đang kêu gọi đầu tư. Thứ hai, phát triển hệ thống kết nối việc làm giữa người lao động và DN qua Internet, mở rộng và xã hội hóa hệ thống dịch vụ việc làm. Thứ ba, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới đào tạo nghề để phù hợp với nhu cầu của xã hội. Thứ tư, tạo cơ chế để DN tham gia xây dựng giáo trình đào tạo, tham gia hội đồng sát hạch đầu ra sinh viên, “đặt hàng” nhân sự cho các cơ sở đào tạo. |
Theo báo cáo của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, tính đến tháng 12-2018, trên địa bàn thành phố có hơn 23.600 doanh nghiệp, với hơn 341.800 lao động. Giai đoạn 2013-2018, mỗi năm thành phố có thêm hơn 115.100 việc làm mới (tăng 23,28%/năm). Dự báo đến năm 2025, Đà Nẵng cần có thêm hơn 250.000 lao động, đến năm 2030 là thêm 450.000 lao động. |
KHANG NINH - THU HÀ - MAI QUẾ