Lâm sản tăng cao nhất trong các nhóm hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD

.

Thị trường xuất khẩu lâm sản hiện nay chủ yếu vẫn là 5 thị trường truyền thống là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản.

Sản xuất, chế biến gỗ tại Công ty trách nhiệm hữu hạn khai thác, chế biến lâm sản Đà Lạt (Lâm Đồng). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)
Sản xuất, chế biến gỗ tại Công ty trách nhiệm hữu hạn khai thác, chế biến lâm sản Đà Lạt (Lâm Đồng). (Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN)

Theo Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, giá trị xuất khẩu lâm sản tháng 3-2019 đạt 922 triệu USD, đưa kim ngạch xuất khẩu quý 1/2019 đạt xấp xỉ 2,4 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm 2018.

Đây là mức tăng cao nhất trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu trên 1 tỷ USD của Việt Nam trong quý 1.

Trong kim ngạch xuất khẩu lâm sản nói trên, giá trị gỗ và sản phẩm gỗ đạt 2,26 tỷ USD, tăng 10% so với cùng kỳ 2018. Giá trị xuất siêu ước đạt 1,82 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ năm 2018.

Thị trường xuất khẩu lâm sản hiện nay chủ yếu vẫn là 5 thị trường truyền thống là Mỹ, Nhật Bản, EU, Trung Quốc và Hàn Quốc, chiếm khoảng 87% tổng kim ngạch xuất khẩu lâm sản.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 08/CT-TTg về một số nhiệm vụ, giải pháp phát triển nhanh và bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ phục vụ xuất khẩu.

Một trong những mục tiêu là trong 10 năm tới, ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn trong sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam; xây dựng thương hiệu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ Việt Nam, phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu trên thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ có thương hiệu uy tín trên thị trường thế giới.

Hiện, các địa phương tiếp tục thực hiện chỉ tiêu kế hoạch lâm nghiệp năm 2019; tiếp tục chăm sóc diện tích rừng mới trồng, bảo vệ và khoanh nuôi tái sinh rừng.

Các tỉnh phía Bắc tập trung chuẩn bị cây giống và hiện trường trồng rừng, trồng cây phân tán, tổ chức Tết trồng cây.

Các địa phương đã chuẩn bị được 187,2 triệu cây giống các loại và đã trồng 24.967ha rừng tập trung, tăng 38% so với cùng kỳ năm 2018, trong đó trồng rừng sản xuất: đạt 24.894ha tăng 39,5%; trồng được trên 11 triệu cây phân tán các loại, tăng 20%.

Trong quý 1, số vụ vi phạm các quy định về bảo vệ rừng cả nước giảm 615 vụ, tương ứng giảm 20% so với quý 1/2018; diện tích rừng bị thiệt hại giảm 84ha, tương ứng giảm 40%./.

Theo TTXVN/Vietnam+

;
;
.
.
.
.
.