Những năm gần đây, ngành công nghệ thông tin (CNTT) và dịch vụ du lịch của Đà Nẵng tăng trưởng rất ấn tượng. Trong đó, nguồn nhân lực của các ngành này có vai trò rất quan trọng đối với sự phát triển chung của thành phố, vì vậy, theo đánh giá của các doanh nghiệp (DN), nguồn nhân lực tốt là phải đáp ứng được các yêu cầu mang tính hội nhập quốc tế sâu rộng như: giỏi chuyên môn, thích ứng với thay đổi công nghệ, có kỹ năng mềm, giỏi ngoại ngữ, làm việc nhóm, nắm bắt kịp nhu cầu thị hiếu của khách hàng…
Nhận định tốt về nhu cầu thực tế của thị trường lao động sẽ giúp cả 3 phía là đào tạo, doanh nghiệp và học viên. Trong ảnh: Một buổi thực hành bếp của các nhân viên khách sạn. Ảnh: THU HÀ |
* Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng: Cần có đội ngũ hướng nghiệp chuyên nghiệp
Lâu nay, bài toán nguồn nhân lực được nói đến nhiều nhưng quan trọng là phải nhận thức được đúng vai trò của các bên cả nhà trường, DN và bản thân người học. Hiện nay, nhiều sinh viên nhận thức chưa đúng về nghề nghiệp các em theo học là do chưa được hướng nghiệp một cách kỹ càng.
Cách tốt nhất để tránh tình trạng học nhầm nghề, mơ hồ về nghề nghiệp trong tương lai là cần có đội ngũ tư vấn hướng nghiệp chuyên nghiệp. Tư vấn tốt ngay từ ban đầu, thì học sinh sẽ có cái nhìn đúng về nghề nghiệp tương lai.
Thực tế, giáo dục giống như làm kinh tế. Người làm giáo dục giỏi là phải đánh giá được thị trường, xã hội đang cần cái gì, thiếu cái gì, nhà trường nên chủ động tìm hiểu nhu cầu của xã hội, xem các DN đang cần gì để từ đó có những chiến lược đào tạo dài hạn, ngắn hạn, ngành nghề phù hợp.
Nếu cần thì kết nối, hợp tác với DN để hai bên cùng có lợi bằng cách cho học sinh học tập trung lý thuyết rồi cho đi thực hành lúc DN đang mùa cao điểm khách. Như vậy vừa có lợi cho sinh viên (có cơ hội thực hành nghề), vừa có lợi cho DN (có người làm lúc đông khách).
* Ông Nguyễn Minh, Tổng Giám đốc khách sạn Seven Sea (đường Võ Nguyên Giáp): Đào tạo lao động phù hợp với thực tế
Chủ thể chính để hưởng thụ trong ngành dịch vụ du lịch là khách hàng, vì thế phải mang đến cho khách hàng những sản phẩm đạt tiêu chuẩn. Chúng ta hay nói về công nghệ 4.0 nhưng thực tế hiện nay, tuy một số trường đã đưa ứng dụng công nghệ vào giảng dạy nhưng việc giảng dạy, ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn vẫn chưa theo kịp được xu thế của công nghệ. Đơn cử, các sinh viên ra trường hầu như không rành về phần mềm đang được sử dụng trong các khách sạn.
Các trường nên mạnh dạn đầu tư các phần mềm này để đào tạo, giảng dạy cho sinh viên, bởi sau khi ra trường, các em chính là những người sẽ sử dụng những công nghệ này khi làm việc tại khách sạn. Bên cạnh đó, nên để các em được tiếp cận công việc thực tế càng sớm càng tốt.
Ngoài việc học chuyên môn nghiệp vụ ngắn hạn, dài hạn, các cơ sở đào tạo, học viên, người lao động cũng cần quan tâm đến ngoại ngữ chuyên đề theo các thị trường khách cụ thể. Ví dụ như những thị trường khách du lịch có ngoại ngữ ít thông dụng hay tập trung vào việc đầu tư, đào tạo phù hợp với nhu cầu thị trường ngành du lịch đang thiếu như đội ngũ nhân viên phục vụ buồng phòng, lễ tân nam.
* Ông Vi Văn Việt, Giám đốc Công ty Đào tạo IVieteck: Nên có một diễn đàn thống kê và dự báo về nhân lực
Để cả phía đào tạo và DN nắm bắt được tình hình của nhân lực các ngành chủ chốt, nên có một diễn đàn thống kê và dự báo về nhân lực lao động. Khi đó, các đơn vị đào tạo sẽ dựa vào diễn đàn thống kê và dự báo này để nhắm trúng và đúng nhu cầu thực tế. Việc DN tham gia quá sâu vào vấn đề đào tạo của các trường cũng không hẳn là tốt mà nên dựa vào dự báo, có định hướng dự báo lâu dài để đào tạo thì sẽ tốt hơn.
* Ông Vương Ngọc Hoàng, Giám đốc Công ty TNHH Công nghệ điện tự động Biển Đông (ESTEC), Khu Công nghệ cao: Sinh viên kỹ thuật cần tập trung học nội dung cốt lõi của ngành
Trong lĩnh vực tự động hóa, số hóa, các trường đại học, cao đẳng nên có sự định hướng tốt hơn, cập nhật các công nghệ mới để đưa vào chương trình đào tạo. Thực trạng hiện nay ở nhiều trường là sinh viên học nhiều kiến thức rộng nhưng lại thiếu chuyên sâu vào cốt lõi của ngành.
Sinh viên cần phải học các kỹ năng lập kế hoạch, thuyết trình, giao tiếp và ngoại ngữ mới có thể làm việc tốt sau khi ra trường. Bất cập hiện nay là sinh viên mới ra trường đều đạt chuẩn đầu ra về ngoại ngữ, nhưng số lượng sinh viên có thể dùng ngoại ngữ để giao tiếp, làm việc thực sự lại không nhiều.
* Ông Trần Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Mabuchi Motor Đà Nẵng (KCN Hòa Khánh): Không nên học và làm theo kiểu “chưa biết bò đã lo học chạy”
Nguồn nhân lực tốt phải đáp ứng được xu thế hội nhập quốc tế, có các kỹ năng mềm. Ảnh: THU HÀ |
Tại Mabuchi Motor, tôi thấy có rất nhiều trường hợp sinh viên ra trường nhưng không thể áp dụng kiến thức đã học ở trường vào làm việc tại nhà máy. Nhiều em biết cách vận hành, lập trình robot nhưng lại thiếu tư duy logic. Các em làm theo thói quen mà không tìm hiểu làm sao để tạo ra được con robot hiệu quả nhất. Điều này giống như “chưa biết bò đã lo học chạy”.
Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các trường đại học, cao đẳng, trường nghề khối ngành kỹ thuật tổ chức các khóa đào tạo ngắn hạn tại nhà máy cho sinh viên, giảng viên. Công ty cũng sẵn sàng cử các đoàn làm việc về các trường để làm công tác kết nối DN - nhà trường, từ đó tìm ra lời giải cho các bài toán: nhà máy đang cần gì, nhà trường nên làm gì, chúng ta nên cập nhật kiến thức về công nghệ tự động như thế nào...
THU HÀ - KHANG NINH ghi