Sức hấp dẫn của một điểm đến chính là lý do để khách du lịch không chỉ đến một lần mà còn nhiều lần sau.
Ngành du lịch đang có nhiều cạnh tranh, nên cần tạo ra những sản phẩm khác biệt để thu hút khách. Trong ảnh: Khách tham quan tại khu du lịch Bà Nà Hills. |
Trong báo cáo “Điểm nhấn du lịch 2018” của Tổ chức Du lịch thế giới, Đông Nam Á là khu vực có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới. Trong đó, Việt Nam là quốc gia đứng trong top 6 thị trường có tốc độ tăng trưởng khách du lịch nhanh nhất. Điều này cho thấy các điểm đến trong nước đang có sức cạnh tranh và thu hút khách du lịch.
Du lịch Đà Nẵng cũng có những tăng trưởng đáng kể về số lượng khách. Trong 3 tháng đầu năm 2019, Đà Nẵng ước đón khoảng trên 1,2 triệu lượt khách, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó, khách quốc tế khoảng 856.382 lượt, tăng 37,1% so với cùng kỳ năm 2018; khách nội địa khoảng 359.569 lượt, tăng 8% so với cùng kỳ năm 2018.
Tuy nhiên, trong nghiên cứu về dự án đóng góp của du lịch trong kinh tế-xã hội của thành phố do Sở Du lịch phối hợp thực hiện, lượng khách quốc tế chủ yếu là khách mới đến Đà Nẵng lần đầu chiếm 81,1%; lần thứ hai trở lên chiếm 18,9%; lần thứ ba 3% và lần thứ tư 4%. Khách nội địa đến Đà Nẵng từ lần thứ hai trở lên có tỷ trọng cao hơn với 23,2%, lần ba 10,6% và lần tư trở lên là 24,2%.
Phần lớn lý do khách lựa chọn điểm đến Đà Nẵng là nhờ có môi trường sạch đẹp, thành phố năng động, từng bước hiện đại, an toàn với phong cảnh thiên nhiên đa dạng, phong phú, nhiều điều thú vị để trải nghiệm và khám phá. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa, dịch vụ ổn định, có nhiều mức giá dịch vụ khác nhau và vẫn giữ được những nét văn hóa truyền thống tạo nên một hình ảnh, dấu ấn riêng.
Những người làm du lịch cho rằng, đặt giữa bức tranh toàn cảnh về du lịch thì Đà Nẵng đang phải cạnh tranh với nhiều điểm đến cả trong nước và quốc tế. Theo ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) - Chi nhánh Đà Nẵng, thời gian qua, ngành du lịch thành phố rất nỗ lực xây dựng các sản phẩm du lịch mới để thu hút khách. Việc làm mới các sản phẩm thường xuyên chính là yếu tố quan trọng để hấp dẫn khách.
Hiện tại, Đà Nẵng có sức hút từ hình ảnh cây cầu Vàng, nhưng vài ba năm nữa, khi người ta đã đi hết, sản phẩm này không còn thu hút khách thì phải có được sản phẩm du lịch mới thay thế.
Ông Đoàn Hải Đăng cũng đưa ra gợi ý, có thể xây dựng một cây cầu kính đi bộ như ở Trung Quốc, Mỹ, đây sẽ là một điểm đến mới dành cho du khách. Trên thực tế, khách đến một điểm du lịch không chỉ đi một điểm mà sẽ tham quan cả những điểm đến khác của địa phương. Khi đó, một sản phẩm mới được du khách chụp hình, “check in” không chỉ đơn thuần là quảng bá sản phẩm đó mà còn quảng bá cả một điểm đến nói chung. Vài ba triệu lượt khách cùng tìm đến, chắc chắn kèm theo đó là chi tiêu cho các dịch vụ ăn uống, mua sắm đồ lưu niệm, lưu trú. Nhờ có thêm những sản phẩm du lịch mới, số ngày lưu trú của khách tại Đà Nẵng cũng sẽ tăng lên.
Ông Đoàn Hải Đăng chỉ ra rằng, hiện nay chi tiêu của khách tại Việt Nam nói chung còn khá thấp so với các nước khác. Cụ thể, khách quốc tế chi tiêu ở Việt Nam 96USD/ngày, Singapore 300USD/ngày, Dubai 500USD/ngày… “Vấn đề của chúng ta là làm gì cho khách tiêu tiền. Câu trả lời chính là sản phẩm du lịch, cần có những sản phẩm du lịch mới để làm tăng sức hấp dẫn cho điểm đến, cần có những nhà đầu tư lớn”, ông Đăng bày tỏ.
Bên cạnh sản phẩm thường xuyên, những người làm du lịch cho rằng, một trong những sản phẩm chuyên biệt khác của Đà Nẵng rất thu hút khách du lịch (đặc biệt là khách nội địa) đó là sự kiện lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng. Trong 2 tháng 5 và 6-2018, sự kiện này thu hút hơn 1,58 triệu lượt khách, tăng 25,54% so với cùng kỳ năm 2017.
Tuy nhiên, một số người làm lữ hành lại đưa ra ý kiến, dù sự kiện lễ hội pháo hoa quốc tế Đà Nẵng rất thu hút khách, nhưng sau hơn 10 năm, sự kiện bắt đầu “cũ”, không còn nhiều hấp dẫn như trước. Hiện nay, Đà Nẵng có một sản phẩm khá độc đáo nên được khai thác đó là sản phẩm sinh thái ở Sơn Trà, có thể khai thác tour đi bộ, khám phá thiên nhiên, thảm thực vật tại đây.
Ông Cao Trí Dũng, Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng cũng cho rằng, Đà Nẵng vẫn còn rất nhiều tiềm năng để tạo ra các sản phẩm mới. Trong đó, thành phố chưa khai thác hết các tiềm năng của biển từ trên bờ đến mặt nước và bên dưới. Trên bờ có thể là các hoạt động thể thao, vui chơi tắm biển, mặt nước là các trò chơi thể thao mạo hiểm như: lướt ván, fly-board (một loại ván trượt có ống đẩy, động cơ phản lực hút nước và một chiếc jetski); dưới nước có lặn biển ngắm san hô, đi bộ dưới biển…
Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, bên cạnh việc xây dựng các kế hoạch phát triển thị trường khách, việc tạo ra các sản phẩm mới để tăng sức hấp dẫn cho điểm đến rất cần thiết. Ngành du lịch thành phố đang đề xuất hình thành dịch vụ du lịch đường biển tại bán đảo Sơn Trà; nghiên cứu công tác quản lý, khai thác dịch vụ tại các bãi biển trong và ngoài nước để đề xuất các sản phẩm, dịch vụ mới tại bãi biển; đồng thời, tiếp tục hoàn thiện các điểm dừng chân, tuyến điểm du lịch, phương án quản lý khách tại bán đảo Sơn Trà; khảo sát đánh giá tài nguyên du lịch Đà Nẵng và các vùng phụ cận, khảo sát hạ tầng du lịch hoặc thuê tư vấn quy hoạch các điểm, khu vực có tiềm năng phát triển du lịch và thực hiện kêu gọi đầu tư các dự án du lịch phù hợp với định hướng phát triển chung của thành phố… nhằm bổ sung thêm các sản phẩm du lịch để phục vụ du khách đến với Đà Nẵng.
Bài và ảnh: HÀ KHUÊ