Để chợ đêm độc đáo, hấp dẫn

Bài cuối: Kỳ vọng một chợ đêm xứng tầm

.

Chợ đêm Sơn Trà và chợ đêm Thanh Khê hiện chưa thể đáp ứng được yêu cầu về một khu chợ đêm thực sự quy mô, chuyên nghiệp và xứng tầm cho Đà Nẵng, trong khi dự án chợ đêm Bạch Đằng vẫn còn trong giai đoạn nghiên cứu đầu tư.

Cần có những sản phẩm chuyên biệt, gắn với đặc trưng của địa phương để thu hút khách hơn nữa. Trong ảnh: Du khách Hàn Quốc đang mua sắm tại gian hàng quà tặng vẽ tay Jimmy shop tại chợ đêm Sơn Trà. Ảnh: Thu Hà
Cần có những sản phẩm chuyên biệt, gắn với đặc trưng của địa phương để thu hút khách hơn nữa. Trong ảnh: Du khách Hàn Quốc đang mua sắm tại gian hàng quà tặng vẽ tay Jimmy shop tại chợ đêm Sơn Trà. Ảnh: Thu Hà

Chợ đêm Bạch Đằng, đến khi nào?

Được kỳ vọng sẽ làm nên một sản phẩm “chuyên nghiệp, chất lượng” cho ngành du lịch Đà Nẵng cũng như góp phần đánh thức tiềm năng của dòng sông Hàn, tạo được vệt kết nối với cây cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi đang “ngủ yên” trong nhiều năm qua, nhưng qua 2 năm từ khi lên ý tưởng, đến nay chợ đêm kết hợp phố đi bộ Bạch Đằng vẫn chưa triển khai đầu tư.

Hiện UBND quận Hải Châu đang dự thảo phương án phố đi bộ và chợ đêm Bạch Đằng với quy mô 2,78ha, từ ngã ba Bạch Đằng - Trần Thị Lý đến ngã ba Bạch Đằng - Bình Minh 5 và lô đất phía tây đường Bạch Đằng với các khu chức năng chính gồm: không gian các tuyến phố đi bộ, khu gian hàng cố định, khu gian hàng di động, khu tổ chức sự kiện lớn, khu biểu diễn nghệ thuật đường phố, khu quản lý kỹ thuật, khu vệ sinh, bãi đậu xe… với thời gian hoạt động từ 18 giờ đến 2 giờ sáng hôm sau dành cho khu di động và từ 9 giờ đến 2 giờ đối với khu cố định.

Trao đổi với Báo Đà Nẵng, ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu cho biết, sau khi báo cáo dự thảo phương án, quận đang lấy ý kiến của các hộ chung quanh chợ đêm theo quy định của Luật Quy hoạch trước khi triển khai các bước tiếp theo theo yêu cầu của thành phố.

Trước đó, ngày 8-3, tại buổi nghe UBND quận Hải Châu báo cáo về phố đi bộ, chợ đêm Bạch Đằng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng yêu cầu đơn vị thực hiện dự thảo đề án cần bổ sung phương án tài chính trong đề án, trong đó có 2 nhóm chính là đấu thầu và cho thuê.

Giá thuê mặt bằng, giá thuê cố định cũng phải có phương án cụ thể. Sở Xây dựng đề nghị tổ chức lập quy hoạch chi tiết 1/500, lấy ý kiến của cộng đồng, vừa là lấy ý kiến vừa là thông báo. Sở Tài nguyên và Môi trường hỗ trợ, lập quy hoạch chi tiết.

Tại buổi làm việc trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Đặng Việt Dũng cho rằng, đây là chợ đêm đầu tiên làm một cách bài bản, hy vọng sản phẩm du lịch của thành phố sẽ đến nơi đến chốn. Các ngành phải tập trung hỗ trợ. Cụ thể, Sở Công thương phối hợp Sở Du lịch tuyển chọn mặt hàng, giới thiệu được các mặt hàng lưu niệm đặc trưng của Đà Nẵng. Sở Du lịch nên đưa sản phẩm này vào các chương trình tour của các đơn vị lữ hành để khách biết đến. Sở Văn hóa và Thể thao có các chương trình văn hóa, văn nghệ đặc sắc, hấp dẫn…

Được biết, có nhiều đơn vị, nhà đầu tư rất quan tâm đến dự án phố đi bộ và chợ đêm Bạch Đằng. Họ cũng đề xuất được tham gia đấu thầu công khai nhằm tìm ra phương án hiệu quả nhất.

Ông Trần Lực, Phó Giám đốc Công ty Dịch vụ lữ hành Saigontourist - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, các chợ đêm hiện nay dành cho khách du lịch mới chỉ là trải nghiệm, chưa phải là điểm đến để khách mua sắm, tiêu tiền. Khách du lịch đi mua sắm gồm nhiều đối tượng khác nhau, có người thích những sản phẩm du lịch gắn với văn hóa địa phương, nhiều người có tiền lại thích được mua sắm ở những trung tâm mua sắm lớn.

Vì thế, Đà Nẵng cần có những trung tâm mua sắm hàng tốt, có thương hiệu, tất nhiên đi kèm với đó là chính sách về giá cả phải tốt, khấu trừ thuế (hoàn thuế) cho khách hàng khi mua sắm. Như vậy, giải pháp đặt ra là nên có một trung tâm mua sắm đa dạng sản phẩm, quy mô và có biểu trưng của thành phố.

Nên có đội ngũ nghiên cứu các mặt hàng kinh doanh phù hợp, từ đó kêu gọi các thương hiệu tầm trung và tầm cao cấp tham gia, mời được các nhà đầu tư từ các nước trong khu vực đầu tư. Nên làm giống như các nước trong khu vực, quy hoạch bài bản, tạo thành một khu đẳng cấp để vừa đón khách du lịch đến tham quan, vừa kết hợp mua sắm.

Ông Châu Anh Dũng (Trưởng phòng Khai thác kinh doanh, Công ty Bảo Duy), chuyên khai thác khách du lịch đường thủy nội địa nhìn nhận, thành phố nên sớm triển khai thêm các sản phẩm hai bên bờ sông Hàn, nếu chợ đêm Bạch Đằng đi vào hoạt động, kết hợp với việc cho khách đi tham quan bằng đường thủy nội địa, ghé đến mua sắm, tham quan, vừa đa dạng hóa sản phẩm du lịch đường sông, vừa kích thích chi tiêu của khách. Vấn đề đặt ra là chợ đêm này được triển khai thì các tàu thủy nội địa có được cập bến cho khách lên xuống hay không.

Phải phục vụ được đa dạng các dòng khách

Theo ông Lê Văn Hiểu, Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, cần lựa chọn một khu vực có dân cư sinh sống để xây dựng khu chợ đêm cho Đà Nẵng. “Như Hà Nội có phố đi bộ Tạ Hiện, Huế có phố Tây, ở đó vừa có không gian để mọi người tản bộ, vừa có các hàng quán buôn bán từ ẩm thực đến ngành hàng thời trang. Cái níu chân du khách là nét văn hóa bản địa, vì họ đi du lịch là để khám phá điều này ở mỗi vùng đất”.

Còn theo ông Nguyễn Tiến Quang, Giám đốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - Chi nhánh Đà Nẵng, cần mở rộng việc lựa chọn vị trí tổ chức chợ đêm Bạch Đằng để có thể lựa chọn được địa điểm phù hợp nhất, tổ chức đấu giá công khai để chọn được nhà đầu tư có kinh nghiệm, nhất là đã có kinh nghiệm thực hiện điều này trên địa bàn.

Chợ đêm mới này phải hướng đến mục tiêu cao hơn chợ đêm Sơn Trà, chợ đêm Thanh Khê. Đó là phải đa dạng phân khúc phục vụ mọi đối tượng người dân và du khách, đa dạng nguồn hàng hóa từ bình dân đến những thương hiệu nổi tiếng.

“Sẽ rất khó để đưa ra được một phương án hoàn hảo nhất như trong ý tưởng, bởi một khu chợ đêm đúng nghĩa cần có thời gian vài năm, thậm chí hàng chục năm không ngừng bồi đắp để làm dày lên giá trị và nét văn hóa cộng đồng riêng có của nó. Điều cần nhất bây giờ là lựa chọn được vị trí tốt và bắt tay vào hành động, rồi tự khắc nhu cầu của thị trường, xu thế vận động của xã hội sẽ làm cho nó sôi động lên”, ông Quang nói.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, khi đã xây dựng chợ tập trung dành cho khách du lịch thì cần xác định đối tượng người mua là ai. Khi đó, chợ không đơn thuần có yếu tố thương mại mà phải chứa đựng văn hóa của địa phương và văn hóa của một điểm đến. Do đó, nếu xây dựng chợ chỉ để bán được hàng không thôi sẽ khó thành công, chưa kể đến các yếu tố khác như: chất lượng hàng hóa, vệ sinh an toàn thực phẩm… Vì vậy, chợ được xây dựng cần có tên tuổi, tạo được sự khác biệt bằng cách có những sản phẩm riêng có và gắn kết với không gian cộng đồng, dựa vào yếu tố văn hóa để hình thành sản phẩm.

THU HÀ - KHÁNH HÒA

;
;
.
.
.
.
.