Đà Nẵng đang bước vào cao điểm của mùa du lịch. Chính vì vậy, thành phố yêu cầu các đơn vị vận chuyển, lữ hành phối hợp tích cực trong việc cải thiện môi trường du lịch nhằm mang lại ấn tượng tốt cho du khách khi đến tham quan thành phố.
Tạo ấn tượng tốt cho du khách đến tham quan thành phố bằng phong cách chuyên nghiệp, thân thiện. |
Theo Sở Du lịch, 5 tháng đầu năm nay, khách du lịch đạt hơn 2,5 triệu lượt, tăng 15,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế đạt gần 1,2 triệu lượt, chiếm 46% tổng lượt khách đến Đà Nẵng. Ông Nguyễn Văn Hiền, Tổng Giám đốc Công ty CP Vận tải và Dịch vụ Phú Hoàng (Taxi Tiên Sa) cho biết, lượng hành khách nước ngoài mà hãng phục vụ chiếm xấp xỉ 50% số hành khách di chuyển hằng ngày. Do đó, công ty khi đào tạo cho tài xế taxi luôn hướng dẫn một số câu giao tiếp tiếng Anh cơ bản, nếu hành khách có yêu cầu gì cụ thể hơn mà tài xế không hiểu thì có thể liên hệ trực tiếp lên tổng đài. Hiện tổng đài taxi Tiên Sa đã bố trí các tổng đài viên giao tiếp được tiếng Anh, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… để phục vụ du khách tốt nhất.
Anh Trần Văn Dũng, tài xế hãng taxi Tiên Sa cho rằng: “Mỗi tài xế taxi gần như là người tiếp xúc đầu tiên với du khách khi đến thành phố. Cứ thử suy nghĩ, nếu tiếp xúc người đầu tiên ở nơi xa lạ đã cộc cằn, cáu gắt, tạo ấn tượng xấu thì trước sau gì du lịch cũng đi xuống. Hiểu điều đó nên tôi cùng các tài xế taxi khác luôn tuân thủ những nhắc nhở của công ty về quy cách ứng xử, lời chào khi khách lên xe, xuống xe. Bên cạnh đó, mỗi tài xế phải tâm niệm rằng mình là một hướng dẫn viên du lịch của thành phố, vì có rất nhiều hành khách khi lên xe sẽ hỏi tài xế nên đi đâu, ăn gì...”.
Tuy nhiên, thực tế thời gian vừa qua vẫn tồn tại một số phản ánh của du khách về vấn đề ùn tắc giao thông, đặc biệt là trong mùa lễ hội. Theo ông Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty Du lịch Vietravel - Chi nhánh Đà Nẵng, Phó Chủ tịch Hội Lữ hành thành phố, các nhà xe thường xuyên tiếp xúc với du khách nên việc thể hiện “văn minh” khi tham gia giao thông, lịch sự với du khách là hết sức cần thiết. Song song đó là bảo đảm an toàn tài sản, tính mạng của du khách và của chính nhà xe khi lưu thông trên đường. Mỗi hướng dẫn viên du lịch phải làm tốt quy tắc ứng xử quy định với hướng dẫn viên là thân thiện - yêu nghề - chuyên nghiệp.
Để tạo ấn tượng tốt với du khách, cùng với việc tập trung phát triển sản phẩm du lịch, thành phố luôn quan tâm cải thiện nguồn nhân lực phục vụ trong hoạt động du lịch. Sở Du lịch thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nghề, kiến thức du lịch, kỹ năng giao tiếp cho cộng đồng tại các điểm du lịch, nhân viên làm việc trong các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch, đội ngũ lái xe, nhân viên phục vụ trên ô-tô vận chuyển khách du lịch, lái xe xích-lô được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ du lịch, nâng cao khả năng giao tiếp, phục vụ.
Sở Du lịch cho biết, sẽ tiếp tục siết chặt quản lý, tăng cường thanh tra, kiểm tra hoạt động kinh doanh lữ hành và hướng dẫn viên du lịch, bảo đảm môi trường du lịch hoạt động lành mạnh. Công an Cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng phối hợp với các đơn vị chức năng, trong đó có Sở Du lịch quản lý, giám sát hành khách xuất nhập cảnh; tạo điều kiện đón tiễn các đoàn khách dự hội nghị an ninh, xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế; tạo điều kiện cho các công ty lữ hành đón tiếp khách du lịch; triển khai đồng bộ “Văn hóa ứng xử trong Công an nhân dân” trong giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh cho hành khách.
“Sở Du lịch xác định phải quản lý chặt chẽ các doanh nghiệp, không để xảy ra những ảnh hưởng bất lợi cho du khách. Hiện Trung tâm Hỗ trợ du khách của Sở Du lịch thường xuyên phối hợp với các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết các khiếu nại của du khách liên quan đến các vấn đề cung ứng dịch vụ, chèo kéo, “chặt chém” khách… bảo đảm an ninh, an toàn cho du khách trong hành trình tham quan thành phố”, ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch đề cập.
Bài và ảnh: MINH LÊ