Cần cải thiện chi phí gia nhập thị trường

.

Một trong những khó khăn mà doanh nghiệp (DN) gặp phải trong quá trình tham gia tìm chỗ đứng trên thị trường hiện nay, đó là các thủ tục, mức chi phí cho việc gia nhập thị trường còn phức tạp và nhiều rào cản. Theo đó, để khuyến khích thành lập DN mới và giúp DN phát triển bền vững thì cần giải quyết tốt vấn đề này.

Cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về chi phí gia nhập thị trường là yếu tố cần thiết để khuyến khích khởi nghiệp.
Cắt giảm thủ tục hành chính, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp về chi phí gia nhập thị trường là yếu tố cần thiết để khuyến khích khởi nghiệp.

Ông Trần Minh Dõng, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Điện tử tin học Đà Nẵng (Viettronimex): Tối giản hơn nữa thủ tục hành chính

Tôi cho rằng, hiện nay các thủ tục hành chính liên quan đến DN đã rút ngắn rất nhiều, thậm chí việc thành lập DN rất dễ dàng. Tuy nhiên, những thủ tục liên quan để gia nhập thị trường còn rườm rà, tốn thời gian và kinh phí cho chủ DN.

Thông thường, ở lĩnh vực sản xuất, chi phí tuân thủ pháp luật lớn hơn bởi các thủ tục pháp lý phức tạp hơn, từ đăng ký thành lập DN, chuẩn bị các điều kiện kinh doanh (trường hợp ngành nghề kinh doanh có điều kiện) đến các thủ tục liên quan đến xây dựng như: thẩm định thiết kế, điều kiện về phòng cháy chữa cháy, xử lý phát thải môi trường, các điều kiện liên quan đến xuất nhập khẩu máy móc thiết bị, hàng loạt giấy phép các loại...

Với hơn 30 năm hoạt động kinh doanh, tôi rất thấu hiểu những khó khăn của DN, nhiều khi chính những thủ tục đó khiến doanh nhân “chùn chân” không muốn sáng tạo hay phát triển; vì vậy cần cắt giảm thêm nữa các quy định; đồng thời cần ban hành sớm các văn bản hướng dẫn thực hiện để DN hiểu và làm theo.

Ông Mai Văn Khoa, Giám đốc Công ty CP Adoor Việt Nam: Tháo gỡ cho doanh nghiệp khởi nghiệp thuận lợi hơn

DN khởi nghiệp thường gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình gia nhập thị trường. Bên cạnh các thủ tục hành chính còn rườm rà khiến thời gian “gia nhập ngành” bị kéo dài, DN còn gặp nhiều khó khăn khác để có thể chính thức gia nhập thị trường như: vốn, mặt bằng, các mối quan hệ kết nối kinh doanh…

Tất cả những nguyên nhân này khiến chi phí bình quân trên mỗi sản phẩm của DN khởi nghiệp cao hơn những DN có thời gian hoạt động nhiều năm. Theo quan sát của tôi, đây là một phần nguyên nhân dẫn đến hiện nay, số lượng DN khởi nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ nhiều hơn trong lĩnh vực sản xuất.

Theo tôi, để giảm chi phí pháp lý cho DN mới gia nhập ngành, cần nhanh chóng cải thiện các điều kiện về pháp lý sao cho đơn giản, nhưng vẫn bảo đảm sự cạnh tranh bình đẳng và chặt chẽ trong quản lý DN.

Mặt khác, DN mới gia nhập thị trường luôn gặp khó khăn trong tiếp cận các đối tác cung ứng đầu vào, phân phối sản phẩm, thuê mướn mặt bằng, nhân sự, vận chuyển hàng hóa, làm gia tăng chi phí khá lớn, trong khi khả năng huy động nguồn vốn đầu tư rất hạn chế. Do vậy, các chương trình trợ giúp DN khởi nghiệp cần tập trung vào các giải pháp tháo gỡ những khó khăn này.

Ông Nguyễn Hồng Cương, Giám đốc Công ty TNHH Ô-tô Hồng Sơn Star Đà Nẵng: Nâng cao sức cạnh tranh cho môi trường đầu tư của Đà Nẵng

Năm 2018, chỉ số “gia nhập thị trường” trong tổng điểm về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Đà Nẵng đạt 7,94 điểm, giảm 0,61 điểm so với năm 2017. Đây là mức điểm thấp nhất của Đà Nẵng kể từ năm 2011 cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương trên cả nước. Chỉ số này được xây dựng nhằm đánh giá sự khác biệt về chi phí gia nhập thị trường của các DN mới thành lập giữa các tỉnh với nhau.

Để DN nhanh chóng và thuận lợi gia nhập thị trường chịu sự ảnh hưởng lớn từ các thủ tục hành chính cũng như sự vào cuộc của các cơ quan chức năng. Thực tế cho thấy, các DN không phải cứ được cấp giấy phép kinh doanh là có thể gia nhập thị trường, hay nói cách khác là đi vào hoạt động ngay được, mà còn cần rất nhiều yếu tố khác.

Đối với những DN thành lập mới hoặc có quy mô nhỏ, siêu nhỏ thì bước đầu làm thủ tục cái gì cũng thấy thiếu, thấy khó, rất cần được quan tâm, hướng dẫn cụ thể, chi tiết. Trong khi đó, việc hỗ trợ này từ chính quyền và các sở, ngành chức năng vẫn còn hạn chế, do có một tỷ lệ không nhỏ cán bộ làm trực tiếp chưa tinh thông nghiệp vụ khiến DN phải tự mò mẫm, tìm hiểu.

Để hiện thực hóa mục tiêu phát triển DN, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, việc cấp bách cần làm hiện nay là cần tháo gỡ các rào cản gia nhập thị trường theo hướng giảm thiểu chi phí gia nhập thị trường và tạo cơ hội kinh doanh cho DN. Đây là những việc trong tầm tay khi có sự phân định rõ ràng về trách nhiệm, quyền hạn của chính phủ và chính quyền địa phương.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA
 

;
;
.
.
.
.
.