Cần tìm ra các giải pháp mới, sáng tạo và hiệu quả hơn trong việc triển khai cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo ra được một chiến dịch truyền thông rộng khắp. Đối với cộng đồng doanh nghiệp (DN), không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã và hình thức sản phẩm nhằm phù hợp hơn với thị hiếu của người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí trao tặng bằng khen của UBND thành phố cho các tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong việc tham gia cuộc vận động. |
Đó là chỉ đạo của Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức ngày 12-6.
Cơ hội lớn cho doanh nghiệp và người tiêu dùng
Theo đánh giá của Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố, kết quả lớn nhất mà cuộc vận động đem lại, đó là đã khơi dậy được lòng tự tôn dân tộc, tạo lập niềm tin đối với đông đảo người dân khi quan tâm và ưu tiên sử dụng hàng hóa do DN trong nước sản xuất.
Về phía DN đã ý thức mạnh mẽ việc nâng cao chất lượng sản phẩm, mở rộng thêm các kênh phân phối, các đại lý tiêu thụ sản phẩm, tích cực trong các hoạt động liên kết đưa sản phẩm tiêu dùng về nông thôn, các địa bàn vùng sâu, vùng xa… Nhiều đơn vị sản xuất, kinh doanh hàng Việt hoạt động hiệu quả đã tạo việc làm cho hàng chục, hàng trăm lao động với mức thu nhập ổn định, tích cực đóng góp vào phát triển kinh tế địa phương, góp phần quảng bá sản phẩm của Việt Nam ra nước ngoài.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất, chế biến, kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế cho rằng, cuộc vận động mở ra thời cơ thuận lợi cho DN sản xuất trong nước bứt phá để khẳng định được chỗ đứng ngay trên chính “sân nhà”. “Cuộc vận động như một bài kiểm tra để rà soát lại đối với các DN sản xuất, kinh doanh trong cả nước. Ở đó, những ai làm ăn chân chính và đặt lợi ích của người tiêu dùng lên hàng đầu thì người đó sẽ thắng. Qua 10 triển khai, cuộc vận động đã đem lại nguồn lợi lớn cho những DN nhỏ và vừa; khích lệ và tạo niềm tin để chúng tôi kiên trì trên hành trình đem sản phẩm thuần Việt ra với thị trường trong và ngoài nước”, ông Sơn bày tỏ.
Ông Trần Bá Tượng, Chủ tịch HĐQT Hợp tác xã Mây tre An Khê, không chỉ đầu tư cải thiện mẫu mã, chất lượng sản phẩm, đơn vị còn tích cực đem sản phẩm đi chào hàng ở những hội chợ hàng Việt do quận Thanh Khê cũng như thành phố tổ chức. Hiện nay, doanh thu của đơn vị luôn tăng trưởng từ 15-20%/năm, giải quyết việc làm cho hơn 250 lao động ở Đà Nẵng và một số địa phương khác với mức lương dao động từ 5-10 triệu đồng/người/tháng.
Nhiều sản phẩm hàng Việt có chất lượng của địa phương được người tiêu dùng nhận diện, tin yêu và vươn tầm trong nước và thế giới như: sản phẩm may mặc của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Giày BQ, bánh khô mè bà Liễu, rau La Hường, nước mắm Nam Ô, nước mắm Văn Tranh, nấm sạch An Hải Đông, mây tre An Khê, sản phẩm từ quế của Công ty TNHH Sản xuất chế biến kinh doanh xuất nhập khẩu Hương Quế, tân dược của Công ty CP Dược Danapha….
Cần nhiều cách làm hay và sáng tạo hơn nữa
Theo ý kiến của nhiều DN và người dân, bước vào một giai đoạn mới, cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cần được triển khai với những cách làm sáng tạo và thiết thực hơn. Trong khi đó, chính bản thân DN phải lấy việc nâng tầm chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm hàng Việt và tiêu chí vì lợi ích chính đáng của người tiêu dùng là yếu tố “sống còn”.
Ông Phan Hải, Giám đốc Công ty TNHH Giày BQ cho rằng, trong xu thế cạnh tranh toàn cầu hiện nay, DN Việt muốn giành được chỗ đứng trên “sân nhà” thì bên cạnh nâng cao chất lượng mẫu mã của sản phẩm, còn phải quan tâm đầu tư chất lượng và văn hóa dịch vụ chăm sóc khách hàng. Không thể kinh doanh thuần túy theo kiểu “đứt đoạn” như trước đây mà phải bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng trong suốt quá trình sử dụng sản phẩm.
Ở khía cạnh khác, ông Phạm Bắc Bình, Giám đốc Công ty TNHH Bình Vinh, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa thành phố đề xuất, việc ưu tiên sử dụng các loại hàng hóa, sản phẩm, dịch vụ có chất lượng do các DN, nhà sản xuất ở địa phương làm ra sẽ góp phần làm cho cuộc vận động thật sự thiết thực và hiệu quả; cần tiếp tục phối hợp nhân rộng, tôn vinh những sản phẩm hàng Việt uy tín, chất lượng, góp phần định hướng tiêu dùng trên thị trường.
Trong thời gian tới, để tiếp tục đẩy mạnh tính hiệu quả của cuộc vận động, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đặng Thị Kim Liên, Trưởng ban Chỉ đạo cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” thành phố cho biết, sẽ tập trung thực hiện 5 nội dung chính, đó là: thực hiện “3 giác” (tự giác mua sắm, sử dụng hàng hóa, sản phẩm Việt Nam có chất lượng; phát giác và tố giác các hành vi gian lận, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng); đẩy mạnh giới thiệu, quảng bá sản phẩm hàng Việt, nhất là hàng hóa của DN, cơ sở sản xuất tại Đà Nẵng; hỗ trợ DN xây dựng sản phẩm đặc trưng; tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, nhân rộng các mô hình thực hiện tốt cuộc vận động…
Kết luận hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí khẳng định, cuộc vận động này là chủ trương quan trọng của Đảng và Nhà nước, được Ban Thường vụ Thành ủy hết sức quan tâm. Cuộc vận động đã tạo nên được những đổi mới mạnh mẽ trong nhận thức, ý thức và nâng cao trách nhiệm của các cấp ngành, địa phương, DN và người dân đối với việc ưu tiên sử dụng hàng Việt Nam, cũng như tìm ra giải pháp để nâng tầm sản phẩm hàng Việt.
Đà Nẵng có những thương hiệu hàng Việt nổi tiếng cả nước, tạo được sự tin dùng của người dân như sản phẩm dệt may của Tổng Công ty CP Dệt may Hòa Thọ, Công ty CP Dệt may 29-3... |
Để tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao hiệu quả của cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Phó Bí thư Thường trực Võ Công Trí yêu cầu cần tìm ra các giải pháp mới, sáng tạo và hiệu quả hơn trong việc triển khai cuộc vận động; đẩy mạnh công tác tuyên truyền để tạo ra được một chiến dịch truyền thông rộng khắp.
Đối với cộng đồng DN, cần không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm, thay đổi mẫu mã và hình thức sản phẩm nhằm phù hợp hơn với thị hiếu của người tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Cơ quan chức năng cần quyết liệt đấu tranh với tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; kiểm soát tốt nhằm giữ bình ổn thị trường, môi trường kinh doanh lành mạnh.
“Năm 2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 với mục tiêu đưa Đà Nẵng trở thành đô thị ở tầm châu lục. Để làm được điều này, thành phố phải đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế 12%/năm và quan trọng hơn cả, phải đạt được chất lượng tăng trưởng bền vững. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, yêu cầu nỗ lực cao của cả hệ thống chính trị, sự chung tay góp sức của người dân và cộng đồng DN. Trong đó, việc nâng cao chất lượng, đẳng cấp của sản phẩm Việt cũng là yếu tố quan trọng góp phần thúc đẩy nền kinh tế của thành phố phát triển”, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí nhấn mạnh.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA