Sáng 27-6, tại Đà Nẵng, Ban Thư ký ASEAN và Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam) tổ chức hội nghị thường niên của nhóm công tác thủy sản khu vực Đông Nam Á (AFCF) lần thứ 27 nhằm thảo luận các vấn đề hợp tác và phát triển nghề cá khu vực Đông Nam Á.
Phát biểu chào mừng AFCF 27, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh nhấn mạnh vai trò và sự đóng góp đáng kể của ngành thủy sản Đà Nẵng trong thời gian qua. Theo đó, thành phố hiện có 1.200 tàu, thuyền với tổng công suất trên 400.000CV (công suất bình quân hơn 300CV/tàu), sản lượng khai thác thủy sản hằng năm đạt từ 36.000-37.000 tấn.
Đà Nẵng đã xây dựng cơ sở hạ tầng đối với ngành thủy sản tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ, bao gồm: Khu công nghiệp dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang, chợ đầu mối thủy sản Thọ Quang. Trên địa bàn thành phố có 25 doanh nghiệp chế biến thủy sản với tổng công suất cấp đông 200 tấn/ngày (khoảng 55.000 tấn/năm). Thành phố cũng đã chỉ đạo thành lập văn phòng kiểm soát nghề cá tại cảng cá Thọ Quang để kiểm tra, kiểm soát tàu cập cảng, rời cảng. Hơn 10 năm qua, không còn tình trạng tàu cá của ngư dân thành phố Đà Nẵng bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
AFCF 27 diễn ra từ ngày 27 đến hết ngày 29-6. Các đại biểu các nước thành viên ASEAN cùng trao đổi các vấn đề về chống khai thác bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định (IUU) nhằm thực hiện kế hoạch hành động khu vực Đông Nam Á về chống khai thác IUU và hợp tác chặt chẽ giữa các nước ASEAN; quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản bền vững; truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ khai thác và nuôi trồng thủy sản; ứng phó và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu tới khai thác và nuôi trồng thủy sản trong khu vực; xây dựng các chính sách phát triển thủy sản bền vững trong khu vực; bảo đảm an ninh lương thực và hài hòa các biện pháp kiểm dịch động thực vật trong khu vực; nâng cao năng lực quản lý nghề cá…
VĂN HOÀNG