Cân bằng hơn giữa thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia

.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa trình Chính phủ báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động đối với Việt Nam của Hiệp định Thương mại tự do EU-Việt Nam (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư (IPA). Theo đó, FDI vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ EU và Việt Nam sẽ đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia.

Kết quả đánh giá tác động cho thấy thương mại hai chiều và đầu tư từ EU vào Việt Nam được dự báo sẽ tăng trưởng ở mức khá, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động. Thu ngân sách Nhà nước có thể được cải thiện và tăng trong trung hạn và dài hạn. Bên cạnh tác động chung tới các khía cạnh khác nhau của nền kinh tế, hai Hiệp định có các tác động khác nhau đối với các ngành do mức độ mở cửa, lợi thế cạnh tranh, năng lực của từng ngành là khác nhau. Ngoài ra, tác động gián tiếp thông qua sức ép cải cách thể chế cũng mang lại những ảnh hưởng tích cực tới nền kinh tế.

Riêng với IPA, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đánh giá, hiệp định sẽ giúp Việt Nam tiếp tục đổi mới cơ cấu kinh tế, hoàn thiện thể chế và môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư EU kinh doanh tại Việt Nam. Giúp Việt Nam đạt được cân bằng giữa việc thu hút đầu tư và bảo vệ lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, hỗ trợ phát triển bền vững, trên cơ sở những điểm tiến bộ của IPA so với các hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư đã ký giữa Việt Nam và các nước thành viên EU. IPA cũng thúc đẩy dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam do mức độ tự do hóa đầu tư của EU vào Việt Nam sẽ được tăng thêm, đặc biệt là trong một số ngành dịch vụ chuyên môn, dịch vụ tài chính, dịch vụ viễn thông, dịch vụ vận tải, dịch vụ phân phối.

Quy tắc xuất xứ trong EVFTA chặt chẽ hơn sẽ thúc đẩy nhà đầu tư nước ngoài tăng cường đầu tư vào sản xuất hàng hóa tại Việt Nam để tận dụng lợi thế về tiếp cận thị trường EU của Việt Nam, giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong các chuỗi giá trị toàn cầu. IPA giúp Việt Nam cải thiện chất lượng đầu tư nước ngoài, thu hút thêm các nhà  đầu tư trong một số ngành nghề mà EU có tiềm năng như công nghiệp chế biến, chế tạo sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, các dịch vụ chất lượng cao, dịch vụ ngân hàng, tài chính.

Tuy nhiên, việc chuẩn bị từ phía Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam về môi trường đầu tư kinh doanh, nguồn nhân lực, hạ tầng kỹ thuật, khả năng hấp thụ công nghệ... đóng vai trò quan trọng trong việc phát huy các cơ hội này.

IPA cũng giúp hỗ trợ sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân trong nước  thông qua tác động lan tỏa, do EU là khu vực có trình độ công nghệ phát triển cao, FDI gia tăng từ EU có thể đem theo thiết bị công nghệ cao. Tuy nhiên, kết quả này phụ thuộc phần lớn vào chất lượng nguồn nhân lực và khả năng hấp thụ công nghệ của khu vực trong nước.

Dự kiến đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ gia tăng không chỉ từ các nước thành viên EU tìm kiếm cơ hội tiếp cận thị trường Việt Nam, và thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường các nước ASEAN khác mà còn từ các nhà đầu tư các nước khác tìm kiếm cơ hội thông qua Việt Nam tiếp cận thị trường EU.

Theo đó, Việt Nam chủ trương chuyển hướng thu hút FDI từ số lượng sang chất lượng, ưu tiên các dự án có giá trị gia tăng cao, công nghệ tiên tiến, quản trị hiện đại, kết nối chuỗi cung ứng toàn cầu và có tác động lan tỏa, gắn kết hữu cơ với khu vực kinh tế trong nước, đồng thời phù hợp với quá trình cơ cấu lại nền kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng, năng suất và tính cạnh tranh của nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu phát triển bền vững, bảo vệ môi trường và công bằng xã hội.

Theo Chinhphu.vn


 

;
;
.
.
.
.
.