Xây dựng đô thị sinh thái kết hợp quản lý tài nguyên thiên nhiên

.

Trong hai ngày 29 và 30-6, tại Đà Nẵng diễn ra hội thảo quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực miền Trung-Tây Nguyên do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố tổ chức, thu hút sự tham gia của các nhà khoa học, quản lý trong và ngoài nước nhằm chia sẻ các mô hình, kinh nghiệm và đề xuất các giải pháp, chính sách về quản lý tài nguyên thiên nhiên. Trong đó có những đề xuất cho Đà Nẵng phát triển bền vững, xây dựng đô thị sinh thái kết hợp quản lý tài nguyên thiên nhiên (TNTN), cũng như các mô hình cộng đồng quản lý TNTN.

Để xây dựng thành phố sinh thái, việc quản lý, khai thác và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên có vai trò quan trọng đặc biệt.   Ảnh: HOÀNG HIỆP
Để xây dựng thành phố sinh thái, việc quản lý, khai thác và bảo tồn tài nguyên thiên nhiên có vai trò quan trọng đặc biệt. Ảnh: HOÀNG HIỆP

Phát biểu tại hội thảo, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung đề cập, Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ hoàn thành xây dựng Đà Nẵng thành đô thị sinh thái; người dân được tiếp cận đầy đủ và công bằng với nước uống và sinh hoạt an toàn, đặc biệt an toàn trước thiên tai; bảo đảm 100% nước thải nguy hại được xử lý; độ che phủ rừng đạt 45%.

Trong các giải pháp thực hiện, chú trọng đến công tác quản lý TNTN, bảo tồn thiên nhiên, phát triển bản sắc đặc trưng của đô thị biển, sông, núi và triển khai có hiệu quả đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, chương trình hành động về thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng… Để xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị sinh thái theo mục tiêu và nhiệm vụ mà Nghị quyết số 43-NQ/TW đề ra, việc tìm kiếm các giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng và bảo tồn TNTN có tầm quan trọng đặc biệt. Hội thảo góp phần giúp thành phố có thêm những bài học kinh nghiệm quý để thực hiện thành công các mục tiêu và nhiệm vụ này.

Theo TS Đinh Quang Cường, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường thành phố, để trở thành thành phố thông minh, đô thị sinh thái đòi hỏi việc khai thác và sử dụng TNTN tiết kiệm, thông minh thông qua việc áp dụng tiến bộ công nghệ và cắt giảm chi phí, tạo ra sự phát triển kinh tế vượt bậc thay vì khai thác cạn kiệt nguồn TNTN. Nhằm tăng cường công tác quản lý TNTN, thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp mà Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra, trước hết cần chú trọng công tác điều tra cơ bản về TNTN để đánh giá tiềm năng, trữ lượng, chất lượng và từng bước xác định, đánh giá các giá trị kinh tế đối với các loại TNTN; xây dựng bộ cơ sở dữ liệu tổng hợp về TNTN đáp ứng yêu cầu phục vụ hoạch định chính sách quản lý tài nguyên, phát triển kinh tế - xã hội; thiết lập và nhân rộng các mô hình cộng đồng quản lý TNTN; tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản và cải tạo phục hồi môi trường trong khai thác khoáng sản; áp dụng triệt để các công cụ kinh tế, áp dụng triệt để nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả tiền” nhằm kiểm soát, quản lý hiệu quả việc khai thác, sử dụng TNTN…

Tại hội thảo, vấn đề xây dựng và nhân rộng các mô hình cộng đồng quản lý TNTN được các đại biểu quan tâm. Các nhà khoa học Nhật Bản đề xuất mô hình cộng đồng quản lý TNTN hướng vào việc phát triển nhiều loại hình kinh doanh du lịch (bao gồm cả du lịch sinh thái) để vừa phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, vừa bảo tồn TNTN hiệu quả. “Mô hình du lịch sinh thái dựa vào cộng đồng có tiềm năng như một nguồn thu nhập bền vững”, GS Miki Yoshizumi, Trường Đại học Ritsumeikan (Nhật Bản) nhấn mạnh.

Còn PGS.TS Võ Văn Minh, Hiệu phó Trường ĐH Sư phạm - Đại học Đà Nẵng cho rằng: “Đồng quản lý TNTN là phương thức quản lý phối hợp linh hoạt giữa các nhóm người sử dụng TNTN, chính quyền, các cơ quan bên bên ngoài vùng quản lý thông qua tư vấn, thương thuyết, thỏa thuận về vai trò, chia sẻ trách nhiệm và quyền hạn trong quản lý.

Đồng quản lý đúng nghĩa phải là phương thức kết hợp được tri thức khoa học với tri thức bản địa, khai thác tốt nhất văn hóa truyền thống, yếu tố nền tảng của cộng đồng phục vụ cho việc quản lý. Mô hình đồng quản lý TNTN được xem là mô hình lý tưởng bảo đảm cho sự phát triển bền vững của thành phố Đà Nẵng và hướng đến đô thị sinh thái như Bộ Chính trị đã định hướng tại Nghị quyết số 43-NQ/TW”.

HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
.
.
.