Tại kỳ họp thứ 11, HĐND thành phố ban hành Nghị quyết về quy định chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản xa bờ trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2019-2025. Chính sách này hỗ trợ các tàu cá xa bờ được trang bị đầy đủ máy, thiết bị hiện đại để gia tăng sản lượng khai thác, giảm tổn thất sau thu hoạch, giảm thiểu sức lao động trên tàu cá, tạo sự an tâm cho ngư dân bám biển sản xuất, bảo đảm an toàn cho tàu cá hoạt động trên biển, nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng thu nhập cho ngư dân và đẩy mạnh khai thác xa bờ gắn với bảo vệ an ninh, quốc phòng, chủ quyền biển, đảo quốc gia.
Nhu cầu hỗ trợ mua sắm máy móc và lắp đặt các thiết bị bảo quản sản phẩm hải sản của ngư dân (ảnh) là rất lớn. |
Với chính sách hỗ trợ phát triển khai thác hải sản xa bờ vừa được HĐND thành phố thông qua, các chủ tàu cá khai thác thủy sản hoặc hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản có công suất từ 90CV trở lên của thành phố sẽ được hỗ trợ 40% kinh phí mua bảo hiểm thân tàu đối với các tàu cá khai thác thủy sản hoặc hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản có công suất từ 90CV trở lên của thành phố (ngoài mức hỗ trợ 50% theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ).
Hỗ trợ 100% kinh phí mua thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá và kinh phí thuê bao năm đầu tiên (tính từ thời điểm kết nối thiết bị phục vụ trong khai thác thủy sản, hậu cần đánh bắt nguồn lợi thủy sản) cho tàu có tổng công suất máy chính từ 90CV trở lên và có chiều dài lớn nhất từ 15m trở lên (thiết bị giám sát hành trình mới, chủ tàu phải cam kết sử dụng, bảo quản thiết bị giám sát hành trình lắp đặt trên tàu cá tối thiểu là 3 năm).
Hỗ trợ 50% kinh phí với tổng mức hỗ trợ tối đa không quá 500 triệu đồng/tàu để trang bị máy, thiết bị dùng trong bảo quản sản phẩm như: hầm bảo quản sản phẩm bằng vật liệu Polyurethane (PU), hầm (thùng) bảo quản sản phẩm có gắn thiết bị lạnh, máy và thiết bị sản xuất nước đá sệt, đá vảy, đá tuyết cấp đông, máy và thiết bị bảo quản sản phẩm bằng công nghệ nano; máy, thiết bị dùng trong khai thác thủy sản gồm: máy, thiết bị dò cá; máy và thiết bị định dạng tự động AIS, ra-đa, máy, thiết bị lọc nước biển làm nước ngọt sử dụng trên tàu cá.
Nhu cầu hỗ trợ mua sắm máy móc và lắp đặt các thiết bị bảo quản sản phẩm của ngư dân là rất lớn. |
Ngư dân Huỳnh Quốc Việt (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), chủ tàu cá ĐNa 90729 TS cho hay: “Tàu của tôi đã được thành phố hỗ trợ kinh phí lắp đặt hệ thống định vị và quản lý tàu cá, nhưng tôi cũng chưa thể mua được bảo hiểm thân tàu cho tàu cá vì tốn kinh phí quá lớn. Tôi và các ngư dân khác rất mong mỏi nhận được kinh phí hỗ trợ 40% của thành phố để mua bảo hiểm thân tàu”.
Còn ngư dân Nguyễn Cu (trú phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà), chủ tàu cá ĐNa 90875 TS nhìn nhận: “Trong những năm qua, nhiều ngư dân đã được hỗ trợ trang bị hầm bảo quản sản phẩm bằng foam PU, hầm lạnh… mang lại hiệu quả kinh tế cao do cá giữ được độ tươi lâu hơn. Chúng tôi rất vui khi thành phố có chủ trương hỗ trợ ngư dân ứng dụng các thiết bị bảo quản sản phẩm, công nghệ hàng hải hiện đại và kinh phí mua bảo hiểm thân tàu để nâng cao hiệu quả kinh tế và góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc”.
Ông Đặng Văn Hồng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông-lâm-ngư thành phố cho biết, hiện nay, việc ứng dụng khoa học và công nghệ vào sản xuất và phát triển ngành thủy sản càng trở nên cấp bách và cần thiết hơn bao giờ hết để tăng năng suất, chất lượng, sản lượng thủy sản, tăng hiệu quả kinh tế, hướng tới phát triển nền sản xuất nông nghiệp hiện đại, ứng dụng công nghệ cao vừa để phục vụ nhu cầu thiết yếu về nông sản thực phẩm của đô thị vừa phục vụ phát triển du lịch.
Tuy nhiên, việc đầu tư các công nghệ mới với chi phí quá cao nên ngư dân chưa mạnh dạn đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng. Vì thế, việc có các chính sách hỗ trợ ngư dân, đặc biệt là hỗ trợ mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại để lắp đặt trên tàu cá sẽ giúp ngư dân nâng cao hiệu quả kinh tế, an tâm bám biển và góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Theo Sở NN&PTNT thành phố, dự kiến từ nay đến năm 2025, sẽ có khoảng 700 tàu cá được hỗ trợ kinh phí mua bảo hiểm thân tàu với tổng kinh phí hỗ trợ đến 64,66 tỷ đồng; hỗ trợ 550 tàu lắp đặt thiết bị giám sát hành trình với tổng kinh phí 30,8 tỷ đồng; hỗ trợ 140 tàu mua máy móc, lắp đặt thiết bị bảo quản sản phẩm… với tổng kinh phí hỗ trợ 70 tỷ đồng. “Những chính sách hỗ trợ mới của thành phố sẽ là động lực mới tiếp tục thúc đẩy nghề cá vươn khơi và hiện đại hóa”, ông Nguyễn Đỗ Tám, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho hay.
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP