Phát triển du lịch cộng đồng

.

Du lịch cộng đồng gắn với phát triển kinh tế của người dân địa phương là vấn đề được chính quyền thành phố quan tâm, hướng đến. Một số đề án, kế hoạch đang triển khai tại xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang từng bước giúp đẩy mạnh phát triển du lịch về phía tây của thành phố, góp phần đa dạng thêm các sản phẩm du lịch cũng như tạo được dấu ấn đặc trưng cho điểm đến.

Anh Đinh Văn Như (áo thổ cẩm), chủ mô hình homestay đang trao đổi với đơn vị tư vấn cũng như các sở, ngành liên quan trong một chuyến khảo sát.
Anh Đinh Văn Như (áo thổ cẩm), chủ mô hình homestay đang trao đổi với đơn vị tư vấn cũng như các sở, ngành liên quan trong một chuyến khảo sát.

Là một trong những mô hình được xây dựng thí điểm đầu tiên tại thôn Giàn Bí, mô hình homestay nhà anh Đinh Văn Như (thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) đang trong quá trình hoàn thiện. Homestay này nằm trong khuôn viên của gia đình anh Như, nép bên bờ sông, giữa những rặng tre và rừng cây xanh mướt. Mô hình homestay của anh Như nằm trong nội dung của đề án “Xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn văn hóa truyền thống người Cơ tu tại thôn Tà Lang - Giàn Bí”, xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang đến năm 2020”. Đề án này được các chuyên gia, những người làm du lịch nói chung rất quan tâm.

Theo ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, để mô hình thí điểm nhà anh Như được xây dựng một cách bài bản, địa phương đã ký kết với Công ty TNHH Tư vấn Dịch vụ và Phát triển Du lịch CBT (thành phố Hồ Chí Minh), có chuyên gia tư vấn, hỗ trợ trong quá trình xây dựng. Chuẩn bị cho các bước tiếp theo khi homestay đầu tiên của thôn Giàn Bí đi vào hoạt động, hiện tại địa phương đã tổ chức thành công hai lớp khôi phục nghề dệt thổ cẩm cho 32 phụ nữ Cơ tu của 3 thôn, bước đầu đã hình thành hơn 100 sản phẩm dệt thủ công truyền thống; mở lớp nâng cao nghệ thuật cồng chiêng và tung tung za zá, hình thành nhóm dịch vụ ẩm thực trong cộng đồng có thể phục vụ hơn 10 đoàn khách đến tham quan, trải nghiệm…

Ngoài ra, địa phương cũng phối hợp với các đơn vị liên quan tập huấn kỹ năng du lịch như: huấn luyện nhóm du lịch mạo hiểm, đi bộ (treckking) do một người dân địa phương làm trưởng nhóm đã hoạt động được hơn một năm; đưa người dân địa phương đi học tập kinh nghiệm tại các mô hình homestay tại vùng Tây Bắc, Quảng Nam, Quảng Bình…; đào tạo được 6 thuyết minh viên; vận động được 5 hộ dân tham gia dự án du lịch cộng đồng…

Nên có quy hoạch chi tiết vùng sản phẩm du lịch

Ông Lê Tấn Thanh Tùng, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam Vitours cho hay, ở góc độ lữ hành, các doanh nghiệp rất mong muốn có sản phẩm du lịch tốt ở xã Hòa Bắc. Vì thế, ông Lê Tấn Thanh Tùng đề xuất, thành phố cần chỉ đạo gấp rút quy hoạch cụ thể, chi tiết vùng sản phẩm du lịch tại xã Hòa Bắc để kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch; khu vực lưu trú không nên làm quá nhiều. Ngoài ra, cần tạo cơ chế chính sách để thu hút đầu tư, khuyến khích cho người dân địa phương đầu tư những mô hình anh Như đang làm.

Bà Lê Thị Kim Chi, Giám đốc Khối thị trường khách trong nước, Công ty CP Vietnam Travel Mart cũng cho rằng, xác định đưa Hòa Bắc là điểm đến thì phải xem địa phương đã có gì và còn thiếu gì. Nếu nghiêng về phát triển sinh thái thì phải làm sao có được những cái mà ở nơi khác không có, tức là tạo ra được sự khác biệt thì mới có thể thu hút khách.

Khi hình thành được sản phẩm cần phải tính toán xem có duy trì được sản phẩm đó lâu dài hay không. Ngoài ra, vấn đề ẩm thực và nhân lực cũng cần phải được quan tâm, phát triển thì mới có thể bảo đảm được dịch vụ đi kèm. Bà Chi chia sẻ thêm, các sản phẩm liên quan đến du lịch cộng đồng này thường kén khách, phải xác định rõ đối tượng khách chứ không nên làm ồ ạt; nên có sự tư vấn, giám sát của chuyên gia để theo đúng xu hướng phát triển. Ngoài ra, công tác truyền thông rất cần được quan tâm.

Ông Nguyễn Xuân Bình, Phó Giám đốc Sở Du lịch cho hay, với mô hình homestay ở Hòa Bắc đang được đầu tư như hiện nay thì cần có sự khác biệt. Vấn đề là cần sớm có một quy hoạch tổng thể, vì nếu không kiểm soát bài bản ngay từ bây giờ thì sau này sẽ rất khó cho sau này. Bên cạnh đó, yếu tố cộng đồng rất quan trọng với mô hình du lịch cộng đồng. Cần làm tốt ba yếu tố này để không chỉ phát triển du lịch cộng đồng ở Hòa Bắc mà tương lai còn có thể mở rộng ra ở các điểm đến khác.

Bài và ảnh: THU HÀ

;
;
.
.
.
.
.