Trong cuộc thi thuyết trình ý tưởng khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê tổ chức vào đầu tháng 7, bà Trương Thị Gái gây ấn tượng cho cả hội thi vì dù là thí sinh lớn tuổi nhất, bà vẫn tự tin trình bày dự án khởi nghiệp mang nặng tâm huyết của mình.
Người phụ nữ này có một cơ sở sản xuất nước mắm cá cơm truyền thống trên đường Lê Độ (phường Xuân Hà). Bà kể, năm 2018, khi có nhiều thông tin về việc nước mắm công nghiệp sử dụng các loại hóa chất gây hại cho sức khỏe, bà đã suy nghĩ về việc tự làm nước mắm theo cách thức truyền thống ông cha để lại, bởi Đà Nẵng có nguồn cá dồi dào. Nghĩ là làm, bà Gái đã liên kết với một số hội viên Chi hội Phụ nữ Thuận An 6 (quận Thanh Khê) để xây dựng nhóm sản xuất nước mắm cá cơm sạch.
Đến mùa cá cơm (tháng 2-3), các chị em trong chi hội đến bến cá Thọ Quang (quận Sơn Trà) thu mua cá, rửa sạch, để ráo rồi ướp muối theo tỷ lệ 10 cá - 3 muối. Sau khi ướp khoảng 10-12 tháng, hỗn hợp cá - muối sẽ được lọc qua vải sạch để cho ra loại nước mắm tươi, thơm mùi đặc trưng của cá. Nhờ cá thu mua đúng vụ nên rất tươi, cộng thêm việc chọn muối ướp phải khô và sạch, các dụng cụ ướp, lọc đều sạch sẽ nên thành phẩm nước mắm rất thơm ngon, có màu đỏ đẹp mắt mà không cần chất tạo màu.
Năm đầu tiên tự làm nước mắm, nhóm sản xuất của bà Gái đã thu về 30 triệu đồng. Song, điều ý nghĩa hơn cả là dự án này đã đem lại việc làm cho hơn 5 lao động nhàn rỗi trong Chi hội Phụ nữ Thuận An 6. Nước mắm làm ra ban đầu chỉ bán hoặc biếu tặng người thân, bạn bè để lấy ý kiến phản hồi. Bà Gái cho biết, để có thể tiếp cận thị trường rộng hơn trong thời gian tới, nhóm sẽ tìm cách điều chỉnh độ mặn và giá thành nước mắm phù hợp, nhưng thành phần chỉ gồm cá và muối, không pha phẩm màu, chất tạo mùi, bảo đảm tốt cho sức khỏe.
Cũng xuất phát từ công việc bếp núc, chị Trần Thị Thanh Lan (phường Thạc Gián) xây dựng Cơ sở sản xuất chả cá Trần Hồng từ nghề làm chả cá gia truyền. Chị cho hay, nguồn nguyên liệu làm chả cá chính là cá đỏ được lấy từ Lý Sơn (Quảng Ngãi). Cá đỏ vốn có độ dai nên khi làm chả không cần phải cho thêm phèn. Chị nói, quan trọng nhất trong sản xuất là phải bảo đảm chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, giữ uy tín cho thương hiệu; đồng thời quảng bá ẩm thực địa phương.
Hiện Cơ sở sản xuất chả cá Trần Hồng có 5 lao động và lượng khách hàng ổn định. “Chúng tôi thường chỉ sản xuất đủ để bán trong ngày, thậm chí chấp nhận thiếu hàng chứ hạn chế tối đa việc để chả cá trong tủ đông qua đêm”, chị Lan chia sẻ.
Từ trong bếp ra ngoài vườn đều là cơ hội để các chị em phụ nữ tìm cách khởi nghiệp. Cơ sở kinh doanh trồng ghép lan rừng Minh Huệ của chị Nguyễn Thị Minh Huệ (phường Vĩnh Trung) là một ví dụ. Trên mảnh đất 500m2, hai vợ chồng chị ươm trồng những giống lan rừng được mua từ trên vùng núi và các viện nghiên cứu. Chị Huệ bảo, sau khi đem về, thợ trồng lan phải lọc lại những cành lá gãy, sau đó dùng dớn để ươm lan. Sau khoảng 1 tháng thì cấy lên bảng gỗ hoặc các vật dụng như gốc tre, các loại gỗ có độ ẩm cao để lan dễ bám rễ hơn.
Theo chị Huệ, lan rừng là loài dễ trồng nhưng khó chăm, vì phải thuần cho lan quen với nguồn nước, không khí của thành phố. Trồng lan đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo tay và phải thông hiểu từng loại để cấy ghép sao cho có hồn, phù hợp với điều kiện sinh trưởng của từng loại. Ngoài ra, chị còn nghiên cứu cách bào chế các loại phân bón tự nhiên từ thực phẩm thông thường có sẵn trong nhà như chuối, nước vo gạo để giảm thiểu sử dụng phân bón hóa học, gây ảnh hưởng đến môi trường.
Nhìn nhận về các kết quả “khởi nghiệp” của chị em phụ nữ quận, bà Nguyễn Thị Mỹ Cảnh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Thanh Khê chia sẻ, nhắc tới khởi nghiệp, người ta thường nghĩ đó là lĩnh vực của thanh niên, những người trẻ nhanh nhạy nắm bắt xu hướng, công nghệ.
Tuy nhiên, đối với nhiều chị em phụ nữ lớn tuổi ở quận Thanh Khê, khởi nghiệp là khởi sự kinh doanh, sáng tạo những phương pháp mới để gây dựng sự nghiệp, tạo công ăn việc làm không chỉ cho bản thân mà còn cho cộng đồng. Trong thời gian tới, quận sẽ có những biện pháp hỗ trợ thiết thực như kết nối với nhà đầu tư, tài trợ trang thiết bị... để giúp các chị em thực hiện ước mơ khởi nghiệp.
PHONG LAN