Bảo đảm an toàn thực phẩm qua sơ chế

.

Hiện nay, tất cả các chợ trên địa bàn thành phố đều bày bán một lượng lớn thực phẩm đã qua sơ chế như các loại nem chả, mắm nêm, hải sản khô, cà pháo, kiệu dầm… Chợ truyền thống là nơi cung ứng nguồn thực phẩm sơ chế lớn cho người tiêu dùng và khách du lịch.

Vì vậy, việc đẩy mạnh tuyên truyền, kiểm tra cũng như giám sát nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm đối với các mặt hàng như kể trên là vô cùng cần thiết.

Đối với các chợ có nguồn cung hàng đã qua sơ chế lớn như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Phước Mỹ… việc bảo đảm ATTP đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ sự an toàn cho người mua cũng như giữ uy tín của chợ dân sinh - du lịch nổi tiếng. (ảnh chụp tại chợ Hàn)
Đối với các chợ có nguồn cung hàng đã qua sơ chế lớn như chợ Hàn, chợ Cồn, chợ Phước Mỹ… việc bảo đảm ATTP đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc bảo vệ sự an toàn cho người mua cũng như giữ uy tín của chợ dân sinh - du lịch nổi tiếng. (ảnh chụp tại chợ Hàn)

Chợ Hàn, với hàng ngàn lượt người dân và du khách đến mua sắm, tham quan hằng ngày, vấn đề bảo đảm an toàn thực phẩm không chỉ là nhiệm vụ trọng tâm để giữ vững uy tín và thương hiệu chợ dân sinh và du lịch của thành phố, mà còn là nền tảng để xây dựng thành công chợ văn minh thương mại theo các tiêu chí đánh giá mới, cao hơn so với trước đây.

Theo Ban Quản lý chợ Hàn, đơn vị đang triển khai thí điểm việc xây dựng chợ an toàn thực phẩm với nhiều tiêu chí mới, chặt chẽ hơn. Đơn cử, đối với các mặt hàng bày bán phải ghi rõ nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, có số điện thoại, tên chủ hộ kinh doanh để có thể liên lạc khi cần; xuất hóa đơn khi bán hàng; bảo đảm phân khu cụ thể giữa các ngành hàng đã qua sơ chế, ăn uống với hải sản tươi sống, rau củ quả nhằm tránh lây nhiễm chéo; có nhà vệ sinh tự hoại, số nhà vệ sinh phải bảo đảm phù hợp với quy mô của chợ…

Các tiểu thương phải được cấp giấy xác nhận kiến thức về an toàn thực phẩm do Ban quản lý an toàn thực phẩm thành phố cấp; có giấy khám sức khỏe định kỳ theo đúng quy định của pháp luật; người bán hàng ăn uống phải sử dụng găng tay khi bán thức ăn...

Nếu như chợ Hàn nổi tiếng với các loại đặc sản là hải sản khô, mắm nêm, kiệu ngâm chua ngọt… thì chợ Cồn lại chiếm ưu thế về không gian rộng rãi dành cho ngành hàng ăn uống, đi kèm đó là phong phú các loại mứt trái cây, trái cây sấy khô…

Đặc biệt, chợ còn được biết đến là “thiên đường của những món ăn vặt” thu hút nhiều người dân, du khách đến thưởng thức như: ốc hút, sách bò trộn, khoai đường ngào, các loại chè… Với khối lượng lớn các loại thực phẩm đã qua sơ chế được bày bán như vậy, đặt ra những yêu cầu cao trong việc bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng cũng như khách du lịch nhằm hạn chế đến mức thấp nhất những sự cố liên quan đến sức khỏe.

Ông Nguyễn Đắc Hùng, Trưởng Ban Quản lý chợ Cồn cho biết, hiện toàn chợ có hơn 700 hộ kinh doanh ngành hàng ăn uống cố định và cả hàng rong. Để kiểm soát được chất lượng, độ an toàn của thực phẩm đã sơ chế, hằng năm đơn vị tổ chức các đợt tuyên truyền, vận động người kinh doanh ký cam kết bảo đảm an toàn đối với các mặt hàng bày bán cũng như có ý thức chấp hành về các quy định giữ gìn vệ sinh chung.

“Thời gian qua, những mặt hàng đã qua sơ chế có đóng gói, chúng tôi đều yêu cầu các tiểu thương phải ghi rõ nhãn mác, nguồn gốc xuất xứ và cam kết chịu trách nhiệm về chất lượng của sản phẩm. Năm 2019, Ban quản lý chợ tiến hành nhân rộng việc dán mã tem QR code từ mô hình đang được chợ Hàn áp dụng, nhằm áp dụng công nghệ vào việc trích xuất nguồn gốc xuất xứ của hàng hóa cũng như là biện pháp mạnh mẽ hơn nhằm nâng cao ý thức chấp hành của người kinh doanh. Năm 2018, đơn vị cũng được bố trí nguồn kinh phí để nâng cấp 2 nhà vệ sinh cũng như một phần khu vực kinh doanh rau củ quả”, ông Hùng cho hay.

Theo Ban Quản lý các chợ quận Sơn Trà, hiện có 240 hộ kinh doanh tại 7 chợ trên địa bàn quận, chưa kể hàng rong. Để hướng đến xây dựng chợ an toàn thực phẩm, hằng năm đơn vị triển khai công tác tuyên truyền các tiểu thương chú trọng công tác giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm an toàn cho nguồn thực phẩm, trong đó có các loại thực phẩm đã qua sơ chế, không để xảy ra các sự cố đáng tiếc. Riêng hai năm trở lại đây, nhiều chợ trên địa bàn như chợ Phước Mỹ, An Hải Bắc… được đầu tư mới hệ thống bàn ăn, lát gạch sàn, quầy kệ… nhằm bảo đảm tính thẩm mỹ cũng như nâng dần tính chuyên nghiệp trong kinh doanh cho người dân.

Ông Nguyễn Tấn Hải, Trưởng Ban Quản lý an toàn thực phẩm thành phố nhìn nhận, trên địa bàn có 70 chợ truyền thống, trong đó 5 chợ thuộc cấp thành phố quản lý, còn lại do các quận, huyện và phường, xã quản lý. Do đó, để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nói chung, các mặt hàng đã qua sơ chế nói riêng, UBND thành phố đã ban hành Quyết định số 5556/QĐ-UBND ngày 21-11-2018; trong đó quy định rõ, đối với các mặt hàng nông lâm thủy sản đã qua chế biến, không bao gói sẵn như các loại chả, mực rim, bò khô… khi kinh doanh, bày bán tại chợ phải có nhãn hàng hóa hoặc sổ sách ghi chép về nguồn gốc xuất xứ đầy đủ, đúng quy định. Đối với các thực phẩm chín phải bày bán ở khu vực cách ly với thực phẩm sống tránh lây nhiễm chéo, dùng găng tay bảo đảm vệ sinh khi bán…

Bài và ảnh: HOÀNG LINH

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.