Chuyển đổi số trong doanh nghiệp: Doanh nghiệp và chính quyền cùng 'vượt khó'

.

Chuyển đổi số đang là xu hướng trên thế giới. Đối với các doanh nghiệp (DN), chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích như: tối ưu quy trình sản xuất kinh doanh, cắt giảm chi phí, nắm bắt nhanh chóng nhu cầu của khách hàng, đưa ra những sản phẩm - dịch vụ giá trị... 

Tại Đà Nẵng, “làn sóng” chuyển đổi số đã lan đến các DN ở mọi quy mô, từ lớn đến vừa và nhỏ, tuy nhiên, các DN cũng đối mặt với không ít thách thức, cần có sự chung sức của chính quyền để chuyển đổi số thành công.

Bài 1: Doanh nghiệp chuyển mình

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo, điện toán đám mây…, chuyển đổi số là yêu cầu tất yếu đối với DN nếu muốn cạnh tranh và phát triển.

Chuyển đổi số đang là lộ trình tất yếu của các doanh nghiệp nếu muốn cạnh tranh và phát triển. TRONG ẢNH: Không gian làm việc chung IoT Space.    	     Ảnh: KHANG NINH
Chuyển đổi số đang là lộ trình tất yếu của các doanh nghiệp nếu muốn cạnh tranh và phát triển. TRONG ẢNH: Không gian làm việc chung IoT Space. Ảnh: KHANG NINH

Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường (KCN Hòa Cầm) là một DN hoạt động lâu năm trong lĩnh vực chế tạo thiết bị công nghiệp nặng ở Đà Nẵng. Cách đây 2 năm, công ty nhận thầu một công trình lớn, có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển lâu dài. 

Trước cơ hội này, ban lãnh đạo công ty quyết định nhập các máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại như: phần mềm thiết kế không gian 3 chiều, robot quản trị kế toán… để cải tổ các quy trình quản lý, vận hành nhằm đáp ứng tốt yêu cầu của đối tác.

Ông Hà Giang, người sáng lập Công ty CP Cơ khí Hà Giang Phước Tường cho biết: “Điều chúng tôi thay đổi không chỉ là máy móc, thiết bị, mà chính là mô hình quản trị. Nhờ vậy, chúng tôi đủ khả năng đáp ứng được các yêu cầu về thời gian, năng suất, khối lượng công việc của khách hàng, nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Bên cạnh các DN có thâm niên, những DN nhỏ và vừa cũng đang tích cực tham gia vào quá trình số hóa. Công ty TNHH Công nghệ Things Changing (quận Thanh Khê) được thành lập từ năm 2016, chuyên thiết kế và chế tạo đồ chơi giáo dục cho thiếu nhi.

Với định hướng thị trường chủ yếu ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, ông Trần Ngọc Việt, Giám đốc công ty cho biết, công ty đã đầu tư xây dựng trang web giới thiệu và bán hàng có giao diện hiện đại, dễ sử dụng, tích hợp phương thức thanh toán trực tuyến bằng thẻ ngân hàng nội địa hoặc Internet Banking. Theo ước tính, số đơn hàng công ty ông Việt bán được nhờ thương mại điện tử chiếm hơn 2/3 tổng số đơn hàng.

Trao đổi tại hội thảo Giới thiệu giải pháp công nghệ thông tin trong kỷ nguyên số do Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) tổ chức tại Đà Nẵng ngày 29-6 vừa qua, ông Nguyễn Công Tiến, Giám đốc dự án Chính phủ số, VNPT nhìn nhận, chuyển đổi số có thể được xem như “con sóng” tác động đến hầu như tất cả các đối tượng trong xã hội. Sự phát triển nhanh chóng của các công nghệ tiên tiến như: phân tích dữ liệu lớn, trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, điện toán đám mây, kết nối diện rộng, công nghệ Internet vạn vật... đang chuyển đổi mọi mặt của kinh doanh, sản xuất và tiêu dùng.

Đối với DN, chuyển đổi số là việc tích hợp công nghệ và kỹ thuật số vào từng khía cạnh trong quá trình hoạt động của tổ chức với mục tiêu chính là gia tăng hiệu quả vận hành, nâng cao sự hài lòng của khách hàng và là tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường. Các DN chậm chuyển đổi số sẽ sớm bị đào thải vì không có khả năng cạnh tranh về năng suất, chất lượng, khả năng thấu hiểu khách hàng qua dữ liệu, khả năng tạo mô hình và dịch vụ mới.

Tại Đà Nẵng, Công ty TNHH Phần mềm FPT (FSoft) là một trong những đơn vị đi đầu trong việc chuyển đổi số và cung cấp các giải pháp chuyển đổi số cho DN khác. Ông Hồ Tuấn Phương, Giám đốc FSoft Đà Nẵng cho biết, phương pháp chuyển đổi số mà cả Tập đoàn FPT - trong đó có Fsoft Đà Nẵng, lựa chọn dựa trên nguyên tắc hướng tới xây dựng hệ thống với dữ liệu “nearly real time” (gần như thời gian thực) để hỗ trợ ra quyết định kịp thời và chính xác.

Nguyên tắc của FSoft khi tư vấn cho DN chuyển đổi số là lựa chọn những vấn đề “đau đầu” nhất mà DN đang gặp phải, sau đó đánh giá sơ bộ để lựa chọn ra những công việc có thể giải quyết trong thời gian đủ ngắn (3-6 tháng) và ưu tiên tập trung xử lý theo thứ tự. Nhờ vậy, DN có thể thấy ngay được lợi ích của chuyển đổi số và từng bước chuyển đổi để trở nên hiệu quả hơn.

Chuyển đổi số đang là lộ trình tất yếu của các doanh nghiệp nếu muốn cạnh tranh và phát triển. Trong ảnh: Không gian làm việc tại Enouvo Space.
Chuyển đổi số đang là lộ trình tất yếu của các doanh nghiệp nếu muốn cạnh tranh và phát triển. Trong ảnh: Không gian làm việc tại Enouvo Space.

Ông Phương nhận định, có 3 cái khó mà các DN thường vướng phải trên con đường chuyển đổi số. Thứ nhất là lãnh đạo thiếu sự cam kết, không quan tâm đến chuyển đổi số, chưa nhận thức được công nghệ có thể giúp DN mình những gì và không đầu tư đủ công sức để đưa chuyển đổi số tới thành công. Thứ hai là thiếu sự tham gia của cả tổ chức.

Theo ông Phương, chuyển đổi số không phải là câu chuyện của một cá nhân, một bộ phận mà là của toàn bộ tập thể DN. Thứ ba là công nghệ. DN cần đánh giá đúng sự sẵn sàng về công nghệ của bản thân, tránh những lời giải rất tốn kém và mất thời gian như “hiện đại hóa toàn bộ hệ thống công nghệ thông tin”.

Bà Hoàng Thị Bích Hạnh, Phó phòng phụ trách Phòng Nghiên cứu kinh tế - chính sách (Viện Công nghiệp phần mềm và nội dung số, Bộ Thông tin và Truyền thông) cho biết, chuyển đổi số là con đường tất yếu phải đi, nhưng DN cần hiểu rõ, cần nắm vững và có sự đầu tư đúng đắn vào những ứng dụng công nghệ để phục vụ mục tiêu phát triển DN chứ không nên áp dụng công nghệ theo xu thế.

Các DN trước hết cần phải bắt đầu với lộ trình chuyển đổi số gồm: đánh giá tình trạng hiện tại của DN; xác định rõ ràng mục tiêu, tầm nhìn và mong muốn đạt được trong tương lai; nhận định khoảng cách giữa hiện tại và mong muốn trong tương lai; xây dựng một lộ trình phù hợp cho DN.

Bộ Thông tin và Truyền thông hiện đang lấy ý kiến về dự thảo đề án chuyển đổi số quốc gia. Khi được ban hành, đề án sẽ là cơ sở, định hướng để các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp xây dựng, triển khai đồng bộ kế hoạch chuyển đổi số của từng lĩnh vực.

Theo đó, mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số sẽ chiếm 25% GDP, 50% DN nhỏ và vừa chuyển dịch lên nền tảng số, phát triển ít nhất 80.000 DN công nghệ số Việt Nam, đưa Việt Nam trở thành một trong các nhà sản xuất thiết bị điện tử, viễn thông, xuất khẩu phần mềm, xuất khẩu dịch vụ công nghệ thông tin lớn trên thế giới.

Bài và ảnh: PHONG LAN - MAI QUẾ

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.