Hiệu quả bước đầu từ phân cấp quản lý cơ sở lưu trú

.

Thời gian qua, số lượng các cơ sở lưu trú (CSLT) phát triển nhanh chóng đặt ra vấn đề quản lý, kiểm tra, giám sát của cơ quan Nhà nước phải thường xuyên, kịp thời. Vì vậy, ngành du lịch triển khai thí điểm công tác phân cấp, ủy quyền quản lý CSLT cho UBND các quận; từ đó mang lại những hiệu quả ban đầu, đồng thời cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập cần giải quyết.

Lượng khách đến Đà Nẵng ngày càng tăng cao, việc phân cấp quản lý cơ sở lưu trú sẽ giúp cho các địa phương quản lý tốt hơn cơ sở lưu trú cũng như nguồn khách.  TRONG ẢNH: Khách tham quan Bảo tàng Đà Nẵng.  											Ảnh: THU HÀ
Lượng khách đến Đà Nẵng ngày càng tăng cao, việc phân cấp quản lý cơ sở lưu trú sẽ giúp cho các địa phương quản lý tốt hơn cơ sở lưu trú cũng như nguồn khách. TRONG ẢNH: Khách tham quan Bảo tàng Đà Nẵng.

Ngành du lịch thành phố thời gian qua có sự tăng trưởng đáng kể về số lượng và chất lượng, trong đó cả số lượng khách, cơ sở lưu trú, việc làm... Trong giai đoạn 2013-2017, tốc độ tăng trưởng bình quân về số lượng CSLT du lịch khoảng 15,38%, tốc độ tăng trưởng về số lượng phòng đạt 20,54%.

Tính đến thời điểm hiện tại, Đà Nẵng có khoảng 828 CSLT với 38.006 phòng, tăng 94 cơ sở với 5.622 phòng so với cùng kỳ năm 2018. Trong đó  khách sạn hạng 1 sao và tương đương là 379 khách sạn với 6.296 phòng, chiếm 17,5% tổng số phòng; căn hộ, biệt thự du lịch cao cấp và đạt chuẩn là 19 đơn vị với 1.285 phòng, chiếm 3,6% tổng số phòng; nhà nghỉ du lịch, homestay là 46 đơn vị với 498 phòng, chiếm 1,4% tổng số phòng.

Ở phân khúc này, lượng CSLT quá nhiều nên Sở Du lịch thành phố đã xây dựng đề án “Phân cấp, ủy quyền quản lý Nhà nước về du lịch trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”, ủy quyền cho các quận, huyện quản lý các khách sạn có quy mô dưới 20 phòng (bao gồm khách sạn đã xếp hạng một sao và khách sạn chưa xếp hạng có quy mô tương đương 1 sao), nhà nghỉ du lịch, nhà có phòng cho khách du lịch thuê (homestay), nhà trọ giường tầng (hostel).

Bà Lê Thị Ái Diệp, Trưởng phòng Quản lý lưu trú (Sở Du lịch thành phố) cho hay, việc triển khai thí điểm nội dung ủy quyền quản lý Nhà nước đối với CSLT dưới 20 phòng đã đạt được một số kết quả khả quan. Cụ thể, tại 3 địa phương triển khai thí điểm là UBND quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn và Hải Châu đã triển khai được 4/6 nhiệm vụ trọng tâm như: thực hiện hướng dẫn, định kỳ kiểm tra điều kiện kinh doanh lưu trú du lịch theo luật du lịch; chịu trách nhiệm kiểm tra, giám sát điều kiện tối thiểu về cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ; chịu trách nhiệm kiểm tra, phát hiện các CSLT du lịch tự công bố hoặc mạo nhận hạng sao khi chưa được cơ quan có thẩm quyền công nhận; chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan trong các công tác bảo vệ môi trường, phòng chống tệ nạn xã hội…

Trong đó còn 2 nhiệm vụ chưa được triển khai là tiếp nhận và xử lý thông tin, phản ánh của khách du lịch và thống kê, nắm tình hình hoạt động, tình hình nguồn nhân lực tại các CSLT; chủ trì, tổ chức tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ và kỹ năng cho các CSLT theo ủy quyền.

Qua một năm thí điểm, theo bà Ái Diệp, UBND quận Sơn Trà là địa phương triển khai tích cực và có hiệu quả nhất các nhiệm vụ đề ra. Đặc biệt, thông qua việc đi kiểm tra các điều kiện tối thiểu, quận Sơn Trà đã kết hợp triển khai kiểm tra, nhắc nhở các nội dung trên, đồng thời có báo cáo gửi Sở Du lịch cũng như các đơn vị liên quan ở quận biết và hướng dẫn các CSLT thực hiện các nội dung còn thiếu sót.

Ngoài ra, quận Sơn Trà cũng đã chủ động thành lập Tổ hỗ trợ du khách để kịp thời hỗ trợ và giải quyết một số vấn đề, sự cố khách du lịch gặp phải như mất xe máy, đi lạc… khi tham quan lưu trú trên địa bàn quận.

Chia sẻ về những khó khăn khi thực hiện nhiệm vụ phân cấp ủy quyền quản lý Nhà nước về CSLT du lịch, bà Võ Thị Phương, Trưởng phòng Văn hóa-Thông tin quận Sơn Trà cho rằng, khó nhất vẫn là nguồn nhân lực ít, thời gian triển khai thí điểm chỉ trong 1 năm nên ngay việc sắp xếp đi kiểm tra cũng không hề dễ dàng.

“Chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ với Phòng Quản lý lưu trú của Sở Du lịch để lấy số liệu CSLT của địa phương, từ đó rà soát hết lại số lượng CSLT, sau đó sắp xếp đi khảo sát, kiểm tra. Khi đi kiểm tra lại gặp một khó khăn khác là các CSLT phản ứng khi Phòng Văn hóa-Thông tin quận sao lại đi làm công tác kiểm tra này. Chúng tôi lại phải giải thích, tuyên truyền cho họ hiểu được vấn đề. Theo đó, các CSLT hợp tác, trong 3 tuần liên tiếp chúng tôi đi kiểm tra được 39/89 CSLT trên địa bàn quận”, bà Phương cho biết.

Việc ủy quyền, phân cấp quản lý cơ sở lưu trú về địa phương sẽ giúp công tác quản lý các cơ sở lưu trú được tốt hơn.
Việc ủy quyền, phân cấp quản lý cơ sở lưu trú về địa phương sẽ giúp công tác quản lý các cơ sở lưu trú được tốt hơn.

Đồng quan điểm, đại diện Phòng Văn hóa-Thông tin quận Thanh Khê cũng bày tỏ những khó khăn trong việc triển khai các hoạt động phân cấp, ủy quyền vì một số cán bộ phụ trách công tác ủy quyền tại các phòng và ngành chức năng chưa qua đào tạo về du lịch, chưa có nhiều kinh nghiệm quản lý Nhà nước về du lịch đối với lĩnh vực lưu trú du lịch nên việc tiếp cận và triển khai một số nội dung sẽ gặp khó…

Phó Giám đốc Sở Du lịch Trương Thị Hồng Hạnh nhìn nhận, công tác ủy quyền quản lý Nhà nước về CSLT du lịch mới triển khai thời gian đầu mang tính thí điểm trong khi lực lượng nhân sự Phòng Văn hóa-Thông tin các quận mỏng lại phụ trách nhiều lĩnh vực liên quan đến du lịch, văn hóa, thông tin…

Vì vậy, các địa phương đều gặp khó khăn trong công tác bố trí cán bộ chuyên trách về du lịch; lãnh đạo của một số địa phương còn chưa chú trọng đến lĩnh vực du lịch do đây không phải là thế mạnh của địa phương nên công tác chỉ đạo, rà soát còn hạn chế.

Do đó, ngành du lịch sẽ tiếp tục theo dõi, hỗ trợ, hướng dẫn UBND các quận trong quá trình triển khai các nhiệm vụ được ủy quyền quản lý Nhà nước đối với CSLT theo đề án phân cấp ủy quyền đã ban hành; tiếp tục tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao kiến thức, chia sẻ kinh nghiệm, nghiệp vụ đối với CSLT cho cán bộ phụ trách công tác ủy quyền ở các quận.

Ngoài ra, ngành cũng đề nghị các địa phương quan tâm, đôn đốc, rà soát, phân công và ưu tiên bố trí nhân sự chuyên trách trong thực hiện nhiệm vụ này; nghiên cứu, học tập kinh nghiệm của quận Sơn Trà trong việc thành lập Tổ hỗ trợ du khách để kịp thời xử lý và hỗ trợ du khách khi gặp các vấn đề, sự cố phát sinh khi lưu trú và tham quan trên địa bàn…

“Tới đây, Sở Du lịch thành phố sẽ tổ chức buổi gặp mặt, hướng dẫn và trao đổi việc triển khai các nội dung ủy quyền cho các Phòng Văn hóa-Thông tin các địa phương, đặc biệt là các quận, huyện còn lại chưa triển khai thí điểm; mời đại diện Phòng Văn hóa-Thông tin quận, huyện tham gia tập huấn bộ tiêu chí chuẩn chuyên nghiệp trong kinh doanh lưu trú du lịch và tập huấn công tác thống kê cho các CSLT…”, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho hay.

Bài và ảnh: NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.