Phát triển sản phẩm du lịch để thu hút khách

.

Một điểm đến du lịch thu hút khách, ngoài việc tạo ra được ấn tượng dành cho du khách thì còn phải thường xuyên làm mới bằng cách bổ sung thường xuyên, liên tục các sản phẩm mới. Từ các sản phẩm du lịch mới này sẽ đẩy mạnh thu hút khách, tăng nguồn thu từ dịch vụ du lịch.

Năm 2018, hình ảnh cây cầu Vàng tại khu du lịch Bà Nà Hills xuất hiện, thu hút sự quan tâm của rất đông du khách trong nước và quốc tế.
Năm 2018, hình ảnh cây cầu Vàng tại khu du lịch Bà Nà Hills xuất hiện, thu hút sự quan tâm của rất đông du khách trong nước và quốc tế.

Những năm gần đây, ngành du lịch thành phố có sự thay đổi rõ rệt. Sự phối hợp giữa các sở, ngành địa phương cùng nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, hoạt động du lịch của Đà Nẵng đã đóng góp tích cực vào sự phát triển chung của thành phố, góp phần thay đổi diện mạo đô thị, kích thích phát triển các ngành kinh tế khác, tạo thêm nhiều việc làm và đóng góp vào nguồn thu ngân sách, nguồn thu xã hội.

Hiện nay, Đà Nẵng đang được biết đến là điểm đến mới của châu Á với đa dạng các sản phẩm, dịch vụ du lịch đặc sắc, nổi bật như cầu Vàng của Bà Nà Hills, Khu du lịch Suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Chợ đêm Sơn Trà, Chợ đêm Helio... Dịch vụ ẩm thực, tàu du lịch, xích lô du lịch; hệ thống sân golf, cơ sở lưu trú chất lượng cao với sự có mặt của hầu hết các thương hiệu khách sạn nổi tiếng thế giới...

Tuy nhiên, những người làm du lịch cũng bày tỏ sự lo lắng vì sự đơn điệu. Chủ tịch Hội Lữ hành Đà Nẵng Đoàn Hải Đăng, Giám đốc Công ty CP Du lịch và Tiếp thị giao thông vận tải Việt Nam (Vietravel) - Chi nhánh Đà Nẵng cho rằng, Đà Nẵng đã tạo ra được cơn sốt cầu Vàng đối với du khách trong nước và quốc tế đến với sản phẩm du lịch này thì cũng phải sớm nghiên cứu, đầu tư thêm những sản phẩm khác mới lạ tiếp theo; bởi tâm lý của khách đã đi một lần thì sẽ tìm kiếm những điểm đến mới hơn, khách sẽ chỉ quay trở lại nếu điểm đến đó có những sản phẩm thực sự độc đáo và ấn tượng.

Đồng quan điểm, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Sự kiện và Du lịch Kết Nối Mới (Necotour) Nguyễn Văn Tài cho rằng việc liên tục đa dạng hóa, làm mới tuyến, điểm du lịch, các chương trình du lịch khác nhau là cần thiết. Ông Nguyễn Văn Tài lý giải, nhược điểm của một điểm đến du lịch là dễ gây cảm giác nhàm chán nếu không có sản phẩm mới, vì thế phải đổi mới liên tục đồng thời phải nâng cao chất lượng dịch vụ cũng như quan tâm đến sự an toàn của du khách.

Các khu, điểm du lịch thường xuyên làm mới sản phẩm để thu hút khách.  TRONG ẢNH: Du khách tham quan, vui chơi tại Công viên khủng long trong Khu du lịch Suối khoáng nóng Núi Thần Tài.
Các khu, điểm du lịch thường xuyên làm mới sản phẩm để thu hút khách. TRONG ẢNH: Du khách tham quan, vui chơi tại Công viên khủng long trong Khu du lịch Suối khoáng nóng Núi Thần Tài.

Phó Giám đốc Sở Du lịch Đà Nẵng, bà Trương Thị Hồng Hạnh cho hay, để phát triển bền vững điểm đến Đà Nẵng, trong thời gian tới, Sở Du lịch thành phố cũng tính đến các giải pháp dài hạn phát triển các sản phẩm du lịch, đẩy mạnh thu hút khách để tăng nguồn thu từ dịch vụ du lịch như ưu tiên phát triển theo 4 nhóm sản phẩm chính gồm du lịch biển, nghỉ dưỡng cao cấp; du lịch mua sắm, hội thảo hội nghị; du lịch văn hóa lịch sử, sinh thái làng quê, làng nghề và du lịch đô thị (City Break) gắn với thành phố trung tâm (Hub City) của cả khu vực.

Trong đó, City Break  là loại hình du lịch ngắn ngày tại một thành phố là trung tâm vùng, thu hút du khách bằng sự hiện đại, tiện ích, mới mẻ, thời thượng, an ninh, an toàn, trong lành, mến khách… gắn với các giá trị văn hóa bản địa đặc sắc. Một số thành phố tiêu biểu của loại hình này đã triển khai thành công loại hình du lịch này là Hồng Kông (Trung Quốc), Singapore, Dubai (UAE)... City Break được kỳ vọng là sẽ thu hút sự trở lại của du khách, làm tăng nhanh lượng khách và nguồn thu du lịch.

Bên cạnh đó, ngành du lịch thành phố sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm du lịch bổ trợ như du lịch tâm linh, du lịch văn hóa-ẩm thực, chữa bệnh-làm đẹp, du lịch thể thao giải trí biển; hình thành các sản phẩm du lịch mới trên cơ sở khai thác nguồn tài nguyên du lịch từ núi, sông, rừng, biển; kết nối với các di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.

Các sản phẩm du lịch mới có khả năng thu hút khách cần thiết được định hướng đầu tư khai thác như đầu tư Sơn Trà thành Công viên sinh thái quốc gia; vịnh Đà Nẵng trở thành điểm nhấn cho các hoạt động hướng biển, trong đó có thể thao, giải trí biển, tổ chức sự kiện trên biển (thi lướt sóng, dù lượn, đua thuyền buồm…); tour trên vịnh (Làng Vân, Đảo Ngọc, Bãi Nam…); khai thác các bãi cát ven núi Hải Vân, Sơn Trà thành các điểm tham quan (Làng Vân, Sủng Cỏ, Bãi Cát Vàng, Bãi Đá Đen…).

Riêng với các dịch vụ bổ sung, ngành du lịch sẽ nghiên cứu, xây dựng và tổ chức chương trình diễn nghệ thuật quy mô lớn; các khu mua sắm tập trung, trung tâm thương mại lớn, cửa hàng miễn thuế trong thành phố, khu ngoại thành, phố đi bộ 24/7, chợ đêm, khu vui chơi giải trí quanh các khu nghỉ dưỡng và trên tuyến đường biển…

Bài và ảnh: NHẬT HẠ

;
;
.
.
.
.
.