Sáng 15-8, tại buổi làm việc giữa Hội đồng điều phối Mạng lưới khởi nghiệp Đà Nẵng (DSC) và đoàn chuyên gia thuộc tổ chức Hỗ trợ khởi nghiệp Thụy Sĩ (Swiss EP), Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, Chủ tịch DSC, cho biết Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ trở thành 1 trong 3 trung tâm khởi nghiệp lớn của cả nước.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh nhận định, qua gần 5 năm xây dựng, hệ sinh thái khởi nghiệp Đà Nẵng đã bước đầu tác động tích cực đến nhận thức của các doanh nghiệp, cơ sở đào tạo và cả hệ thống chính trị. Thành phố là địa phương tiên phong cả nước có Hội đồng điều phối Mạng lưới khởi nghiệp, thành lập một số vườn ươm, tổ chức thành công nhiều hội nghị khởi nghiệp quy mô toàn quốc và quốc tế.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh thẳng thắn nhìn nhận, so với thế giới, khởi nghiệp Đà Nẵng vẫn còn ở vị trí rất khiêm tốn, song tinh thần khởi nghiệp đã bắt đầu được hun đúc. Trong thời gian tới, khởi nghiệp Đà Nẵng có hai công việc quan trọng là triển khai đề án giáo dục khởi nghiệp tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố và thực hiện kế hoạch trở thành trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn quốc. Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ phối hợp với các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp quốc tế, trong đó có Swiss EP, để thực hiện hiệu quả các mục tiêu trên.
Ông Martin Webber, Phó Chủ tịch Thường trực Tập đoàn J.E.Austin Associates (Mỹ), chuyên gia của Swiss EP, cho hay một trong những nguyên tắc cơ bản nhất để xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp thành công là phải có nền tảng khoa học công nghệ và kinh tế vững chắc. Theo ông Webber, việc tổ chức nhiều sự kiện, xuất hiện nhiều vườn ươm khởi nghiệp không phải là thước đo cho một hệ sinh thái khởi nghiệp. Đà Nẵng nên giúp các dự án khởi nghiệp tiếp cận tốt với các nguồn lực kinh tế - xã hội, tạo diễn đàn cho các thành tố trong hệ sinh thái khởi nghiệp đầu tư vào khoa học và công nghệ, hỗ trợ các trường đại học thương mại hóa ý tưởng công nghệ…
Ông Võ Duy Khương, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vườn ươm Doanh nghiệp Đà Nẵng, cố vấn DSC, nhìn nhận Đà Nẵng vẫn chưa có thước đo định lượng để đánh giá hiệu quả hoạt động của hệ sinh thái khởi nghiệp. Đà Nẵng cần có đội ngũ doanh nhân hiểu và quan tâm đến khởi nghiệp; các trường đại học được tiếp cận với giáo trình dạy khởi nghiệp, tiến tới việc thành lập doanh nghiệp và các vườn ươm ngay trong trường đại học.
Một số đại biểu cũng hiến kế cho Đà Nẵng phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp như: xây dựng cơ chế để nhà đầu tư rót vốn vào khởi nghiệp; hỗ trợ các đơn vị ươm tạo về chi phí, thị trường; tăng cường vai trò của các trường đại học, cao đẳng...
KHANG NINH