Nghiên cứu mô hình quản lý cảng biển thành phố Yokohama

.

Trong khuôn khổ Diễn đàn hợp tác phát triển đô thị Đà Nẵng lần thứ 9 tại Nhật Bản, đoàn công tác thành phố Đà Nẵng đã có buổi làm việc trao đổi chuyên sâu về mô hình quản lý cảng biển với Cục cảng và cầu cảng, Công ty Cảng quốc tế Yokohama - Kawasaki và Công ty Cảng thành phố Yokohama.

Ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải trình bày về hệ thống giao thông công cộng thành phố Đà Nẵng.
Ông Bùi Hồng Trung, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải trình bày về hệ thống giao thông công cộng thành phố Đà Nẵng.

Mô hình đề án chính quyền cảng là một trong những nội dung quan trọng được tập trung trao đổi, thảo luận trong buổi làm việc này.

Cảng Yokohama là 1 trong 5 cảng quốc tế chiến lược của Nhật Bản, gồm ba khu bến: Minami Honmoku, Honmoku và Daikoku được vận hành theo mô hình chủ cảng (Landlord Ports). Trong đó, chính quyền thành phố Yokohama sở hữu toàn bộ vùng đất, vùng nước cảng biển, trực tiếp quản lý cảng biển này (thông qua Cục quản lý cảng biển Yokohama), tổ chức lập quy hoạch và đầu tư xây dựng toàn bộ kết cấu hạ tầng và vận hành hệ thống cảng biển.

Việc vận hành và khai thác, kinh doanh cảng được thực hiện bởi Tập đoàn Cảng quốc tế Yokohama - Kawasaki (Công ty YKIP). Đây là một công ty được thành lập với 4 cổ đông gồm: Chính phủ (50%), thành phố Yokohama (47,25%), thành phố Kawasaki (2,25%) và tổ chức tài chính (0,5%) với số vốn khoảng 2 tỷ yên sẽ khai thác kinh doanh bến cảng, kho bãi, đầu tư toàn bộ trang thiết bị để thực hiện bốc xếp, vận chuyển, lưu kho bãi không chỉ của cảng Yokohama mà còn cả cảng Kawasaki.

Mô hình này được xây dựng trên cơ sở Luật Cảng và bến cảng. Với các nội dung quy định trong luật này, chính quyền địa phương sẽ được quyền cho thuê đất, cầu tàu và các cơ sở cảng liên quan đến hoạt động container; được thu phần chi phí liên quan đến phần cho thuê để tái đầu tư công trình. Công ty YKIP sẽ nhận được những ưu đãi từ Chính phủ trong các khoản vay tài chính (vay không lãi suất), chịu trách nhiệm bảo trì cũng như thu phí các cơ sở cảng container (thiết bị xử lý hàng hóa, tòa nhà văn phòng...). Các hạng mục công ty được phép cho thuê theo Luật Cảng và bến cảng sẽ gồm: đất, cầu tàu (cho thuê lại). Chi phí thu từ các hoạt động có liên quan nói trên sẽ được dùng để trả cho các khoản vay gốc của nhà đầu tư.

Ưu điểm của mô hình này là kết hợp hài hòa lợi ích, phát huy tối đa lợi thế, lợi ích của Nhà nước. Điểm đặc biệt so với mô hình của các nước châu Âu, Mỹ là việc thành lập một công ty kinh doanh trên cơ sở góp vốn cổ phần của Trung ương và chính quyền địa phương. Phương án này sẽ khắc phục được nhược điểm thường gặp ở các nước châu Âu khi vận hành mô hình này, bảo đảm sự phối hợp hài hòa, nhịp nhàng giữa cơ quan quản lý cảng và đơn vị kinh doanh cảng. Ngoài ra, mô hình một công ty vận hành cảng có cổ phần của cả 2 địa phương có cảng cùng khu vực sẽ bảo đảm được sự điều phối hài hòa thị phần vận chuyển hàng hóa của 2 địa phương, trên cơ sở phát huy tối đa hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Tuy nhiên, mô hình hoạt động của cơ quan quản lý cảng ở Yokohama vẫn còn một số vấn đề cần khắc phục như: phần vận hành của Công ty YKIP vẫn còn rườm rà; chủ hàng, chủ tàu chưa thể thông qua một đầu mối “một cửa” để thực hiện nộp các khoản phí, lệ phí, giá liên quan đến hoạt động logistics. Một số dịch vụ như: công tác hoa tiêu, lai dắt tàu vẫn giao cho các đơn vị tư nhân thực hiện có thể dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh về giá, ảnh hưởng đến khả năng thu hút các chủ hàng đến với cảng, cần có sự kiểm soát chặt chẽ, thường xuyên của chính quyền và Công ty YKIP.

Theo bà Lê Thị Kim Phương, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, đại diện thành phố Yokohama đã nắm vững tình hình và nhu cầu phát triển cảng của thành phố Đà Nẵng và sẽ tiếp tục đồng hành, trao đổi để hỗ trợ trong quá trình xây dựng mô hình chính quyền cảng hiệu quả. Đại diện Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng thể hiện sự ủng hộ đối với chương trình hợp tác giữa hai thành phố liên quan đến phát triển cảng biển. JICA Tokyo sẽ trao đổi cụ thể hơn với thành phố Đà Nẵng trong chuyến công tác sắp tới tại Việt Nam về dự án.

Hiện nay, Bộ Chính trị đồng ý chủ trương thí điểm xây dựng mô hình chính quyền cảng thống nhất tại thành phố Đà Nẵng theo hướng tiên tiến, hiện đại, phù hợp với các thông lệ quốc tế. Do đó, các nội dung trên sẽ là các dữ liệu quan trọng để xây dựng đề án.

Bài và ảnh: P.V

;
;
.
.
.
.
.