ĐNO - Đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019 với chủ đề “Việt Nam 2045 – Khát vọng hùng cường và sứ mệnh doanh nhân: Tổ quốc gọi tên mình” tổ chức tại Cung hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng sáng 5-10.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu tại Diễn đàn Doanh nhân Việt Nam 2019 |
Phát biểu chỉ đạo tại diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên nhiều lĩnh vực.
Từ một nước nông nghiệp lạc hậu, Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, một điểm đến hấp dẫn về đầu tư trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Nền kinh tế Việt Nam đang phát triển năng động, tốc độ tăng trưởng cao; kinh tế vĩ mô ổn định, quốc phòng được giữ vững, an ninh, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Đặc biệt, môi trường kinh doanh liên tục được cải thiện và chủ động hội nhập mạnh mẽ vào nền kinh tế thế giới.
Theo Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, để đạt được những kết quả nêu trên, đó là sự cố gắng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và phải kể đến đóng góp quan trọng của các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam. Doanh nghiệp chính là đội quân chủ lực, trong đó các doanh nhân là “những vị tướng lĩnh”, “những sĩ quan chỉ huy” để lãnh đạo, quản lý, dẫn dắt doanh nghiệp tạo ra sản phẩm quyết định đến sự tăng trưởng kinh tế, phát triển xã hội, tạo thêm nhiều việc làm, góp phần nâng cao đời sống nhân dân.
Cả nước hiện có trên 715.000 doanh nghiệp hoạt động, trên 5 triệu hộ kinh doanh; số lượng doanh nhân khoảng 5-7 triệu người. Khu vực doanh nghiệp dưới các loại hình khác nhau đang đóng góp trên 60% GDP, khoảng 70% nguồn thu ngân sách Nhà nước, thu hút hàng chục triệu lao động. Từ năm 2016 đến nay, tỷ trọng đóng góp vào tổng sản phẩm trong nước của kinh tế ngoài Nhà nước liên tục tăng, chiếm 43,3% năm 2018.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả kinh tế - xã hội đã đạt được, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng, nền kinh tế nước ta vẫn đang đứng trước không ít khó khăn, thách thức. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân dù phát triển mạnh mẽ nhưng đa số quy mô còn nhỏ, siêu nhỏ, thiếu vắng những doanh nghiệp đầu đàn; năng lực cạnh tranh và hiệu quả hoạt động còn ở mức thấp trong tương quan với các doanh nghiệp quốc tế và khu vực.
Các doanh nhân Việt Nam còn thiếu kinh nghiệm quản lý và tính chuyên nghiệp, thiếu kiến thức về pháp luật và kinh doanh, còn bị động trong cạnh tranh và hội nhập, thiếu tính liên kết trong hoạt động.
Trong thời gian tới, Chính phủ sẽ tập trung triển khai những nhiệm vụ trọng tâm gồm: tập trung hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường trong định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, trọng tâm là phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và hạ tầng đô thị lớn, hạ tầng năng lượng, hạ tầng viễn thông – công nghệ thông tin.
Chính phủ tập trung đào tạo nguồn nhân lực đủ khả năng tiếp cận khoa học công nghệ tiên tiến; thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, gắn với việc phát triển cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, doanh nghiệp và của nền kinh tế.
Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục tập trung tái cấu trúc nền kinh tế; xây dựng chiến lược, quy hoạch phát triển; tiếp tục hội nhập sâu rộng vào khu vực và quốc tế, mở rộng thị trường cho sản phẩm, hàng hóa Việt Nam, đẩy mạnh việc đàm phán, ký kết và thực hiện các Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương, đa phương và khu vực; tạo môi trường chính trị ổn định, môi trường hòa bình là điều kiện quyết định cho phát triển đất nước.
Phó Thủ tướng cũng khẳng định, để doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam phát huy tối đa vai trò của mình, Chính phủ cam kết luôn đồng hành, lắng nghe, bảo vệ và tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp; đồng thời mong muốn các doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng làm giàu chính đáng cho mình và cho đất nước, làm giàu bằng trí tuệ, bản lĩnh, kinh nghiệm và tiếp thu những thành tựu của nhân loại để phát triển doanh nghiệp.
Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp tập trung tái cấu trúc đầu tư, nâng cao chất lượng sản phẩm trên cở sở nhu cầu của thị trường, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển trên nền tảng công nghệ số; tăng cường liên kết, phối hợp giữa các doanh nghiệp với nhau để hợp tác cùng phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Đặc biệt là cần chủ động mở rộng thương mại quốc tế, tận dụng tối đa các cơ hội từ Hiệp định Thương mại song phương, đa phương thế hệ mới như: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại Tự do (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ Đầu tư giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EVIPA)…
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tin tưởng nhiệm vụ và sứ mệnh của doanh nghiệp, doanh nhân nặng nề nhưng rất vẻ vang và cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ phát huy những thành tích đã đạt được, khắc phục những hạn chế, vượt qua khó khăn, thách thức, đóng góp nhiều hơn nữa vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng để nâng cấp doanh nghiệp cần tập trung vào phát triển bền vững và chuyển đổi số |
Cũng tại diễn đàn, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, sức mạnh và vị thế của mỗi quốc gia phụ thuộc trước hết vào sức mạnh kinh tế và trên mặt trận kinh tế thì doanh nghiệp là lực lượng chủ công. Từ hành trình “thoát nghèo” tới hành trình “vượt khỏi bẫy thu nhập trung bình” và trở nên giàu có đòi hỏi những cố gắng, nỗ lực vượt trội về thể chế, môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh. Muốn “vượt bẫy thu nhập trung bình” phải vượt “bẫy chất lượng thể chế trung bình”. Doanh nghiệp giữ vai trò động lực trong quá trình này.
Theo Chủ tịch VCCI, nâng cấp doanh nghiệp đang trở thành yêu cầu cấp thiết ở Việt Nam và phải được thực hiện trên 2 đường ray chính là phát triển bền vững và chuyển đổi số. Các định hướng và nỗ lực của chương trình quốc gia phát triển doanh nghiệp phải tập trung vào nâng cao chất lượng của các doanh nghiệp trong nền kinh tế. Chiến lược phát triển của doanh nghiệp phải coi phát triển bền vững là nền tảng, đổi mới, sáng tạo và chuyển đổi số là động lực.
Hơn 1000 doanh nhân từ 63 tỉnh thành khắp cả nước hội tụ dưới tượng đài Mẹ Việt Nam |
Nằm trong chương trình Diễn đoàn Doanh nhân Việt Nam 2019, lúc 6 giờ 15 sáng ngày 5-10, hơn 1000 doanh nhân từ 63 tỉnh thành khắp cả nước hội tụ dưới tượng đài Mẹ Việt Nam nằm trong khuôn viên Cung hội nghị quốc tế Ariyana Đà Nẵng để làm lễ chào cờ và hát quốc ca, hướng về biển đảo quê hương, đất nước.
Tin và ảnh: MAI QUẾ