Chuyển biến trong chính sách tín dụng cho hộ nghèo

.

Sau gần 5 năm triển khai thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22-11-2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội (CSXH) (Chỉ thị 40), đến nay, hoạt động tín dụng chính sách ở huyện Hòa Vang đã có nhiều chuyển biến tích cực. Nhiều nông dân ở huyện Hòa Vang tiếp cận nguồn vốn này để phát triển cuộc sống gia đình.

Nhờ vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang, gia đình ông Võ Văn Thành (thôn Trường Định, xã Hòa Liên) phát triển đàn bò lên 25 con, duy trì việc làm thường xuyên cho 2 lao động.
Nhờ vốn vay từ Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang, gia đình ông Võ Văn Thành (thôn Trường Định, xã Hòa Liên) phát triển đàn bò lên 25 con, duy trì việc làm thường xuyên cho 2 lao động.

Tháng 11-2017, ông Nguyễn Ngọc Nhi (thôn Trung Nghĩa, xã Hòa Ninh) vay 50 triệu đồng từ nguồn vốn ủy thác của UBND huyện Hòa Vang thông qua Ngân hàng CSXH huyện. Ông Nhi đã đầu tư nâng cấp tường rào, trồng 500 cây chuối lùn, hơn 100 cây đu đủ và cam để cung cấp trái cây sạch cho các trường học trên địa bàn.

Ngoài ra, ông Nhi mua máy ấp công suất 500 trứng ngày/đêm để cung ứng giống tại chỗ; nuôi thêm 500 con gà mái đẻ lấy trứng bán ra thị trường… Gia đình ông Nhi duy trì việc làm thường xuyên cho 2 lao động, thu hút thêm 2 lao động thời vụ để chăm sóc vườn cây ăn trái; bảo đảm thu nhập bình quân 4,5 triệu đồng đến 5 triệu đồng/người/tháng. Từ hoàn cảnh khó khăn, gia đình ông Nhi hiện đã có cuộc sống ổn định.

Cũng như ông Nhi, ông Võ Văn Thành (thôn Trường Định, xã Hòa Liên) thoát nghèo, vươn lên làm giàu nhờ vay 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hỗ trợ việc làm từ Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang. Đến nay, gia đình ông Thành đã phát triển đàn bò lên 25 con, giải quyết việc làm thường xuyên cho 2 lao động.

Ông Thành chia sẻ: “Ban đầu có ý định vay vốn làm ăn, nhưng sợ thủ tục phức tạp nên ngại. Tuy nhiên, khi đến xã làm thủ vay vốn, tôi thấy thủ tục đơn giản nhưng chặt chẽ. Hồ sơ vay sau khi được chính quyền địa phương xác minh chuyển đến Ngân hàng CSXH huyện để thẩm định và được nhận tiền vay ngay tại trụ sở UBND xã. Mỗi lần tới ngày trả lãi và gốc trong tháng tôi chỉ cần đến UBND xã là có nhân viên ngân hàng tiếp nhận, giảm được thời gian đi lại”, ông Thành nói.

Ông Đoàn Ngọc Cẩm, Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang cho biết, từ năm 2014, đơn vị triển khai thực hiện Chỉ thị 40. Theo đó, việc vay vốn của người dân không còn phải qua nhiều bước.

Ngân hàng CSXH huyện phối hợp cùng cấp ủy, chính quyền 11 xã  tổ chức mô hình Điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH tại trụ sở UBND 11 xã. Tại đây, cán bộ ngân hàng tiếp nhận hồ sơ vay vốn của người dân sau khi đã có xác nhận của chính quyền địa phương, giao vốn cho người vay, tiếp nhận tiền trả lãi và gốc hằng tháng do người dân chi trả.

Theo ông Cẩm, ngoài nguồn vốn phân bổ của Ngân hàng CSXH thành phố, hằng năm UBND huyện đã điều tiết nguồn vốn sang Ngân hàng CSXH huyện. Đến nay, số tiền do huyện điều chuyển sang Ngân hàng CSXH huyện năm sau đều cao hơn năm trước.

Từ năm 2014 đến nay, huyện Hòa Vang đã điều chuyển trên 4 tỷ đồng sang Ngân hàng CSXH huyện. Ngoài ra, nguồn vốn nhận ủy thác của thành phố đã cân đối cho Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang gần 100 tỷ đồng. Nguồn vốn này kết hợp với ngân sách của Trung ương đã tạo thêm nguồn lực đáp ứng nhu cầu vay vốn của người dân, nhất là nông dân.

Theo ông Nguyễn Hữu Trung, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Ninh, từ khi thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TƯ của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI), việc thực hiện tín dụng CSXH đối với người nghèo và các đối tượng khác phát huy được hiệu quả nhờ sự vào cuộc tích cực từ các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương; qua đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu địa phương; đồng thời giúp Ngân hàng CSXH huyện xử lý kịp thời những bất cập, khó khăn trong quá trình cho vay và thu hồi nợ, góp phần nâng cao chất lượng tín dụng.

“Hằng năm, nguồn vốn cho vay được địa phương quản lý chặt chẽ, các đối tượng được tiếp cận nguồn vốn, sử dụng đúng mục đích, nhiều hộ đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu nhờ nguồn vốn vay này”, ông Nguyễn Hữu Trung nói.

Đánh giá hiệu quả việc thực hiện tín dụng CSXH đối với người nghèo, ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Hòa Vang cho biết, qua gần 5 năm thực hiện, công tác phối hợp giữa Ngân hàng CSXH huyện với các tổ chức chính trị-xã hội nhận ủy thác ngày càng chặt chẽ, góp phần chuyển tải chính sách của Đảng, Nhà nước giúp người nghèo có điều kiện được tiếp cận nguồn vốn phát triển kinh tế.

Nhờ vậy, đến nay ở huyện Hòa Vang không có xã để xảy ra phát sinh nợ xấu, nguồn vốn cho vay cũng đúng đối tượng, được kiểm soát chặt chẽ. “Trong thời gian tới, ngoài việc tập trung thực hiện tốt các giải pháp củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động, chất  lượng tín dụng, Ngân hàng CSXH huyện cần tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác phối hợp với chính quyền và các hội đoàn thể ở địa phương; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nhằm bảo đảm việc sử dụng nguồn vốn an toàn, hiệu quả, đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng kỳ hạn”, ông Hùng nhấn mạnh.

Theo Ngân hàng CSXH huyện Hòa Vang, giai đoạn 2014 đến tháng 8 năm 2019, đơn vị giải ngân cho hơn 15.000 hộ dân trên địa bàn huyện vay vốn, với tổng vốn cho vay đạt hơn 625 tỷ đồng. Nếu như năm 2014, tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,32% thì đến tháng 6-2019, tỷ lệ nợ xấu còn 0,10%. Trong đó, có 4 xã quản lý vốn rất tốt gồm: Hòa Liên, Hòa Nhơn, Hòa Ninh, Hòa Phú.

Bài và ảnh: Trọng Hùng

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.