Hơn 300 doanh nghiệp tham gia Ngày CNTT Nhật Bản tại Đà Nẵng

.

ĐNO - Sáng 22-10, Ngày Công nghệ thông tin (CNTT) Nhật Bản 2019 - Japan ICT Day 2019 khai mạc tại Đà Nẵng với chủ đề "Hợp tác Việt - Nhật thúc đẩy chuyển đổi số", thu hút sự tham dự của hơn 300 doanh nghiệp CNTT hai nước. Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh tham dự buổi lễ.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu khai mạc Ngày CNTT Nhật Bản 2019.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh phát biểu khai mạc Ngày Công nghệ thông tin Nhật Bản 2019.

Chương trình do Hiệp hội Phần mềm và CNTT Việt Nam (VINASA) và Câu lạc bộ hợp tác CNTT Việt Nam - Nhật Bản (VJC) phối hợp với UBND thành phố tổ chức, dưới sự bảo trợ của Bộ Thông tin và Truyền thông và sự hỗ trợ của các tổ chức xúc tiến hợp tác và Hiệp hội CNTT Nhật Bản.

Phát biểu khai mạc Ngày CNTT Nhật Bản 2019, Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh cho biết, Nhật Bản hiện là đối tác đầu tư FDI lớn nhất tại Đà Nẵng với 177 dự án, tổng vốn đầu tư trên 800 triệu USD (chiếm 25% tổng vốn đầu tư FDI vào thành phố), tập trung vào lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, CNTT và truyền thông, bất động sản, dịch vụ. Trong đó, có trên 65 doanh nghiệp CNTT, một số đã xây dựng được thương hiệu mạnh như: NeoLab, Nippon Seiki, Mabuchi Motor, Asian Tech… Nhật Bản cũng là thị trường xuất khẩu phần mềm lớn nhất của các doanh nghiệp CNTT Đà Nẵng, chiếm lĩnh 36% thị phần xuất khẩu.

Theo Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh, chiến lược phát triển Đà Nẵng đến năm 2030 và định hướng đến năm 2045 xác định ưu tiên nhiệm vụ “phát triển điện tử, viễn thông, CNTT gắn với nền kinh tế số”. Dự kiến đến năm 2025, ngành CNTT sẽ đóng góp 10% vào GRDP thành phố, đến năm 2030 là 15%.

Để thực hiện mục tiêu trên, Đà Nẵng đã và đang triển khai nhiều giải pháp như: ban hành và triển khai đề án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đề án Thành phố thông minh; Nghị quyết Phát triển hạ tầng CNTT; chính sách phát triển doanh nghiệp CNTT; chính sách tăng chỉ tiêu đào tạo CNTT tại các trường và thu hút nhân lực; xúc tiến xây dựng thêm khu Công viên phần mềm mở rộng, khu Công viên phần mềm số 2; kết nối và xúc tiến đầu tư vào khu Công nghệ cao, khu CNTT tập trung…

Theo ông Takeo Nakajima, Trưởng Đại diện Tổ chức Xúc tiến Thương mại Nhật Bản (JETRO) tại Hà Nội, khảo sát thường niên của JETRO cho thấy có khoảng 70% công ty Nhật Bản tại Việt Nam có định hướng mở rộng kinh doanh tại châu Á và ASEAN, đặc biệt là Việt Nam. Năm 2018, có tới 248 doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực CNTT, chiếm 8% tổng đầu tư của Nhật Bản vào Việt Nam.

Nguồn nhân lực CNTT của Nhật Bản đang thiếu hụt lớn. 95% công ty Nhật Bản cho biết sẵn sàng nhận kỹ sư Việt Nam vào làm việc, song đến 80% doanh nghiệp yêu cầu kỹ sư có năng lực tiếng Nhật N2 và N1. Đây là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp Việt Nam và là rào cản lớn nhất trong hợp tác CNTT Việt - Nhật.

Theo khảo sát của VINASA, 3 mảng công nghiệp tiềm năng nhất cho hợp tác Việt - Nhật là dữ liệu lớn, chuyển đổi số và thực tế ảo/thực tế ảo tăng cường. Bên cạnh đó, 3 nội dung đào tạo mà các doanh nghiệp quan tâm nhất là các công nghệ mới, tiếng Nhật và văn hoá kinh doanh Nhật Bản.

Trong khuôn khổ Ngày CNTT Nhật Bản 2019, VJC và Trung tâm Đổi mới và chiến lược CNTT tỉnh Okinawa - Nhật Bản (ISCO) đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác nhằm hỗ trợ mở rộng hợp tác doanh nghiệp Việt Nam - Nhật Bản trong lĩnh vực CNTT, đặc biệt là các công nghệ mới của CMCN 4.0.

KHANG NINH

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.